Dự án đường dây 220kV Kiên Bình- Phú Quốc chậm tiến độ do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.
Hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh bị chậm tiến độ và suy giảm nặng nề.
Chậm tiến độ
EVNSPC cho biết, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng sửa chữa lớn của đơn vị chỉ đạt 16,2% kế hoạch; chậm tiến độ khởi công 27/29 công trình, đóng điện trễ 14/17 công trình. Nguyên nhân do chính quyền các địa phương phải dồn lực phòng chống dịch nên thiếu nhân lực thực hiện công tác công tác liên quan, từ phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng đến kiểm đếm tài sản trên mặt bằng giải tỏa.
Trong khi đó, nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong việc di chuyển, triển khai lực lượng, máy móc thiết bị thi công, nhất là những nhà thầu ở phía Bắc không vào được công trường dẫn đến thiếu lao động cũng như vật tư, vật liệu làm tiến độ thi công bị gián đoạn, kéo dài.
Đơn vị tư vấn, đo vẽ thửa gặp phải khó khăn trong việc đi lại để khảo sát hướng tuyến, thăm dò địa chất cũng như làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương và người dân do quy định hạn chế đi lại và địa phương tập trung cho chống dịch.
Công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cũng gặp trở ngại do giãn cách xã hội nên khó khăn trong thương thảo hợp đồng cũng như nhà thầu làm việc với các tổ chức tín dụng để mở bảo lãnh.
Hoạt động giám sát quá trình sản xuất, thử nghiệm xuất xưởng… cũng phải tạm ngưng do hạn chế đi lại.
Hiện nay có 4 công trình đã đủ điều kiện đóng điện vận hành nhưng do giãn cách xã hội nên các đơn vị không thể tiếp cận công trường để thực hiện các công việc cuối cùng phục vụ đóng điện.
Suy giảm
Cùng với việc đầu tư phát triển lưới điện bị chậm tiến độ, dịch còn khiến nhiều chỉ tiêu SXKD của EVNSPC bị suy giảm nghiêm trọng. Trong đó chỉ tiêu giá bán bình quân 6 tháng năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn so với kế hoạch EVN giao. Nguyên nhân do việc phát triển điện mặt trời mái nhà bị ảnh hưởng, đồng thời việc thực hiện hỗ trợgiảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 đã góp phần làm giảm GBBQ 6 tháng đầu năm.
Do nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất đã làm giảm đáng kể sản lượng thương phẩm. Trong 6 tháng đầu năm, điện thương phẩm của Tổng công ty thực hiện đạt 8,98%. Dự kiến đến cuối năm chỉ đạt khoảng 5,05% kế hoạch Tập đoàn điện lực (EVN)giao. Vì vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác hoàn thành chỉ tiêu điện thương phẩm năm 2021, cũng như công tác dự báo phụ tải để đạt sai số thấp hơn 3%.
Ngoài ra, các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng, thu tiền điện trong năm 2021 cũng gặp nhiều khó khăn do khách hàng đình trệ sản xuất, kinh doanh, một số khách hàng nằm trong khu vực phong toả, cách ly xã hội.
Trước những khó khăn nêu trên, EVNSPC đề nghị EVN xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tiêu hiệu quả của năm 2021.
Gồng mình giữa bão dịch
Do giãn cách và phong tỏa, người dân ở nhà nhiều hơn và lượng điện tiêu thụ cũng cao hơn nên xảy ra tình trạng quá tải cục bộ, cộng với tình hình thời tiết mưa giông gây ra sự cố trên lưới điện nhiều hơn, công nhân viên ngành điện vừa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa phải làm việc tăng khối lượng, tần suất cao hơn so với bình thường.
Trong khi lực lượng công nhân đang mỏng lại phải chia ca kíp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, việc di chuyển phương tiện giữa các khu vực, địa bàn khác nhau để khắc phục, sửa chữa điện cũng gặp nhiều khó khăn vì qua các chốt kiểm dịch, phương tiện chuyên dụng lại không thể vào được.
Nhiều hộ gia đình trong các khu vực cách ly nhưng lại đang sử dụng công-tơ cơ không thể đo ghi từ xa, nên việc thu thập dữ liệu mất thêm thời gian, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mặt khác việc tạm hoãn một số dịch vụ không cấp bách thời gian này khiến nhiều công trình xây dựng, sửa chữa lưới điện, đặc biệt các công trình cấp bách, trọng điểm cũng bị ảnh hưởng bởi các đơn vị thi công không huy động đủ nhân lực, vật tư, máy móc thiết bị. Việc thi công bị gián đoạn, kéo dài tiến độ sẽ dồn áp lực rất lớn đối với ngành Điện sau thời gian giãn cách.
Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, trong 2 ngày đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh/thành phố phía Nam, công suất đỉnh của toàn hệ thống điện miền Nam đã giảm tới gần 3000 MW so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Đánh giá chung, mức độ tiêu thụ điện ở khu vực miền Nam đã giảm 15% về sản lượng điện ngày so với mức trung bình ngày thường của tuần trước đó. Và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì giảm trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội các địa phương này.
Link gốc