Ảnh: Trạm biến áp số 220kV Thuỷ Nguyên (Hải Phòng)- trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc quản lý điều hành dự án.
Tiền thân của NPMB là Ban quản lý lưới điện cao thế 1, trực thuộc Công ty điện lực 1, thành lập tháng 11/1981; đến năm 1984, được công ty Điện lực 1 sáp nhập vào Sở Truyền tải điện 1; khoảng giữa năm 1986 lại tách khỏi Sở Truyền tải điện 1 về trực thuộc Công ty Điện lực 1 và lấy tên mới là Ban Quản lý công trình điện miền Bắc; đến ngày 15/7/1995 được sáp nhập vào Ban Quản lý Đường dây 500kV Bắc Nam và lấy tên là Ban quản lý dự án công trình điện miền Bắc trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ngày 30/6/2008, NPMB trực thuộc EVNNPT.
Hoàn thành nhiều công trình lưới điện trọng điểm
Với chức năng, nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng các dự án lưới điện bao gồm đường dây (ĐZ) và trạm biến áp (TBA) có cấp điện áp từ 220kV đến 500kV thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố miền Bắc, trải qua 40 năm hình thành và phát triển, tập thể CBCNV trong NPMB đã có những nỗ lực rất lớn, phấn đấu hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng, đóng điện hàng trăm công trình ĐZ và TBA, giải quyết tình trạng quá tải, cung cấp điện ổn định cho các tỉnh miền Bắc, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, điện khí hóa của đất nước, phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh khu vực miền Bắc nói chung và ngành điện nói riêng. Tiêu biểu là công trình ĐZ 500kV Bắc – Nam mạch 2 là công trình có quy mô xây dựng lớn, dài hơn 1.600 km đi qua nhiều tỉnh thành và các TBA 500kV có công suất lớn với khối lượng công việc khổng lồ từ khảo sát thiết kế đến giải phóng mặt bằng, giám sát, thi công… NPMB được Tổng công ty Điện lực Việt Nam khi đó giao quản lý dự án công trình ĐZ và TBA 500kV Hà Tĩnh- Thường Tín là phần phía Bắc của ĐZ 500kV Bắc – Nam mạch 2, gồm ĐZ 500kV Hà Tĩnh - Nho Quan dài hơn 289 km; ĐZ 500kV Nho Quan- Thường Tín dài 74 km và các TBA 500kV Hà Tĩnh mở rộng, Nho Quan, Thường Tín.
Xác định được trách nhiệm và vinh dự được Chính phủ giao, toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên trong NPMB đã nỗ lực phấn đấu, tìm những biện pháp để vượt mọi khó khăn, tìm tòi sáng tạo những giải pháp để hoàn thành xây dựng công trình. Nhờ đó, ngày 22/8/2005, đơn vị đã đóng điện ĐZ 500kV Hà Tĩnh-Nho Quan, vượt tiến độ Chính phủ giao 4 tháng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. NPMB cũng được EVNNPT giao trọng trách xây dựng các ĐZ 500kV Sơn La-Hòa Bình và Sơn La-Nho Quan, Mở rộng các TBA 500kV Hòa Bình, Nho Quan và ĐZ 500kV Sơn La-Hiệp Hòa nhằm giải tỏa công suất 2.400 MW của Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La. Công trình ĐZ 500kV Sơn La-Hòa Bình và Sơn La-Nho Quan có tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng, được hoàn thành đóng điện vượt tiến độ 3 tháng để kịp thời truyền tải điện từ tổ máy 1 NMTĐ Sơn La. Công trình ĐZ 500kV Sơn La-Hiệp Hòa có tổng mức đầu tư 2.884 tỷ đồng, quy mô 2x265 km ĐZ 500kV đã được hoàn thành đóng điện ngày 31/3/2012, đúng tiến độ, kịp thời truyền tải điện năng của các tổ máy của NMTĐ Sơn La. ĐZ 500kV Sơn La-Lai Châu và MR TBA 500kV Sơn La là công trình có mục tiêu truyền tải điện từ NMTĐ Lai Châu (1.200MW) và các NMTĐ vừa và nhỏ khu vực Tây Bắc (khoảng 360MW) vào hệ thống điện quốc gia.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng công trình, địa hình hiểm trở, điều kiện thi công khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên, NPMB cùng các đơn vị tham gia công trình đã có nhiều cố gắng, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình và đã hoàn thành xây dựng, đóng điện công trình vượt tiến độ EVN giao, đáp ứng tiến độ phát điện của các tổ máy 1 NMTĐ Lai Châu trong năm 2015. Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành, các công trình trên đã làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng, giải quyết tình trạng quá tải, cung cấp điện ổn định cho các tỉnh miền Bắc.
Giai đoạn 2016-2020, CBCNV NPMB nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó qua việc thực hiện thành công đột xuất các dự án ĐZ và TBA từ cấp 220kV đến cấp 500kV, cấp điện cho TP Hà Nội. Đây đều là các công trình lưới điện cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng; tạo sự linh hoạt trong công tác vận hành lưới điện truyền tải khu vực, nhất là lưới điện 500 kV chung quanh Hà Nội.
Năm 2020, NPMB đã thực hiện khối lượng đầu tư xây dựng với giá trị 2.361 tỷ đồng, trong đó: xây lắp đạt 1.507 tỷ đồng; thiết bị đạt 470 tỷ đồng; khối lượng khác đạt 384 tỷ đồng; công tác giải ngân đạt 2.319 tỷ đồng; khởi công được 15 dự án, gồm 12 dự án đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải và 3 dự án khác; trong đó có một số dự án quan trọng phục vụ cấp điện Hà Nội và vùng phụ cận. Trong năm, NPMB đã đóng điện 8 dự án, gồm 1 dự án 500kV và 7 dự án 220kV.
NPMB cùng các đơn vị tham gia công trình đã có nhiều cố gắng, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình. Công trình khi hoàn thành đáp ứng nhu cầu điện năng cho các phụ tải quan trọng khu vực phía bắc Hà Nội (Đông Anh, Sóc Sơn, Long Biên), và các khu công nghiệp Yên Phong, Tiên Sơn, Thuận Thành (Bắc Ninh); Kết nối với TBA 500/220kV Phố Nối và Đông Anh để tăng cường độ ổn định cung cấp điện cho các vùng kinh tế trọng điểm khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao, góp phần cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trong năm tới, NPMB đang triển khai các thủ tục liên quan như: thỏa thuận địa điểm, vị trí, lập hồ sơ quy hoạch, đăng ký kế hoạch sử dụng đất… để thực hiện 13 dự án trên địa bàn thành phố trong năm 2021 và các năm tiếp theo, trong đó có 2 dự án 500 kV và 9 dự án 220kV...
Áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ
Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, CBCNV NPMB qua các thời kỳ luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được cấp trên giao. Trong quá trình quản lý dự án, NPMB đã thực hiện quản lý dự án rất nhiều dự án sử dụng vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế, được các nhà tài trợ nước ngoài đánh giá cao về sự chuyên nghiệp, sự phối hợp hiệu quả và tính tuân thủ cao các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam và quy định riêng của các nhà tài trợ.
Xác định tầm quan trọng và tính cấp bách của các nhiệm vụ được giao, Ban Lãnh đạo NPMB đã chỉ đạo toàn thể CBCNV quyết tâm chủ động đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn, vật tư thiết bị và xây lắp, công tác thi công…để thực hiện và hoàn thành, đóng điện và nghiệm thu các công trình, đưa vào vận hành đúng tiến độ. Các công trình do NPMB quản lý đã đáp ứng yêu cầu truyền tải điện năng từ các nhà máy điện, giải quyết tình trạng quá tải, cung cấp điện ổn định cho các tỉnh miền Bắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền Bắc nói chung và của ngành điện nói riêng.
Trong quá trình thực hiện quản lý dự án, tập thể NPMB có nhiều sáng kiến, giải pháp về kỹ thuật và quản lý để thực hiện tốt công tác quản lý các dự án, đưa công trình vào vận hành theo tiến độ yêu cầu. Nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đã được công nhận và ứng dụng đem lại hiệu quả và tiết kiệm nhiều chi phí, làm lợi nhiều tỷ đồng; NPMB chú trọng chỉ đạo thực hiện các công việc quản lý dự án theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 của EVNNPT và NPMB.
NPMB đã phổ biến, triển khai đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin vào giai đoạn từ thiết kế đến đầu tư xây dựng các ĐZ và TBA được giao quản lý. Đồng thời, triển khai các ứng dụng phần mềm nghiệp vụ; triển khai thực hiện tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Thực hiện đồng bộ việc tận dụng các vật tư thiết bị thu hồi, sử dụng lại các vật tư thiết bị tồn kho đủ tiêu chuẩn vận hành để thực hiện tiết kiệm chi phí, sử dụng vật tư thiết bị hiệu quả. Các đơn vị trong ban luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để có những giải pháp hợp lý, khoa học, thích ứng từng thời điểm để giải quyết công việc hiệu quả nhất; các đề tài, sáng kiến được áp dụng đã giúp tập thể NPMB hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong công tác chuẩn bị xây dựng và công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, quản lý kỹ thuật, quản lý thi công.
Hướng tới chiến lược phát triển bền vững
Thực hiện Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, NPMB đã thành lập tổ công tác xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển EVNNPT tại NPMB, bước đầu đã có kết quả về nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống giám sát, điều khiển TBA; quy trình quản lý chất lượng các công trình...
Hiện đơn vị đang triển khai thực hiện các công việc để đưa công nghệ mới vào sản xuất như phối hợp hoàn thành các TBA điều khiển xa, xây dựng TBA kỹ thuật số (TBA 220kV Thủy Nguyên), Dự án Thiết bị giám sát nhiệt động đường dây, xây dựng phân hệ Quản lý hiệu quả công việc theo chỉ số KPIs; phần mềm quản lý đầu tư xây dựng... Tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung trong kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển NPMB giai đoạn 2019 - 2020 và giai đoạn tiếp theo nhằm từng bước đạt được các mục tiêu chiến lược của NPMB gắn liền với triển khai thực hiện mục tiêu Chiến lược của EVNNPT: “Phát triển EVNNPT đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”.
NPMB xác định công tác ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dự án đầu tư và đảm bảo chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật nên đã phổ biến, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ủy EVNNPT về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin vào từ giai đoạn thiết kế, đầu tư xây dựng các ĐZ và TBA được giao quản lý... Cùng với đó, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hàng năm được chú trọng góp phần xây dựng đội ngũ CBCNV có trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi trong suốt quá trình trưởng thành, NPMB đã vinh dự Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, EVN và EVNNPT tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận, nguồn cổ vũ lớn lao để đơn vị tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.