Đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ "rút ngắn" tiến độ “xanh hóa Việt Nam”

Thứ năm, 2/6/2022 | 14:25 GMT+7
Việt Nam cần nguồn năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn để phát triển kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững, đặc biệt để hiện thực hoá tham vọng cân bằng phát phải.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam
 
Việt Nam cần nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn
 
Chia sẻ với Báo Công Thương về vấn đề này, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 năm ngoái là một bước tiến mang tính lịch sử trong chiến lược chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và được bạn bè quốc tế hoan nghênh. Việt Nam đề ra quyết tâm đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và nhất trí tham gia cam kết từng bước từ bỏ điện than vào thập niên 2040 (hoặc sớm nhất có thể sau thời điểm này).
 
Tựu chung lại, cam kết này sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững hơn. Kể từ sau khi đưa ra cam kết, Chính phủ đã lên nhiều kế hoạch nhằm tăng tốc tiến độ “xanh hóa Việt Nam”, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
 
Việc sử dụng điện như một nguồn năng lượng cho hoạt động đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải carbon ở các lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. Đây chính là chìa khóa giúp chúng ta dần thay thế nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm phát thải trong vận tải đường bộ và trong nhiều hoạt động công nghiệp.
 
Bên cạnh đó, theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, nhu cầu điện của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng. Năm 2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 31,15 tỷ USD, hơn 18,1 tỷ USD trong đó rót vào các ngành chế biến và sản xuất vốn sẽ cần sử dụng nhiều điện. Đó là chưa kể nhu cầu điện hàng ngày của gần 100 triệu người dân và con số này còn tiếp tục tăng lên trong tương lai.
 
Cụ thể, tổng nhu cầu điện của Việt Nam sẽ đạt trên 100GW vào năm 2025 và 150GW vào năm 2030, trong số đó, 36GW và 50GW tương ứng sẽ là năng lượng tái tạo. Nhu cầu năng lượng tái tạo bình quân sẽ chiếm hơn 30% trong tổng nhu cầu năng lượng của cả nước.
 
Theo đó, Việt Nam sẽ cần đầu tư 115,96 tỷ USD vào xây dựng nhà máy điện mới và mở rộng lưới điện tới năm 2030 và 227,4 tỷ USD tới năm 2045, công suất sau khi lắp đặt dự kiến lên đến 329,6 GW theo Quy hoạch Điện VIII cho giai đoạn 2021-2030.
 
Quy hoạch cũng khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) từ khoảng 13% thời điểm hiện tại lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045.
 
“Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và là một trong những nước có mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng nhanh nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam buộc phải tìm cách để phát triển ngành điện để hỗ trợ phát triển kinh tế” - ông Tim Evans cho biết.
 
Đồng thời, ông Tim Evans nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ không thể một mình giải quyết thách thức này. Với nhu cầu như vậy thì đòi hỏi sự tham gia của cả hai khối công và tư nhằm đảm bảo Việt Nam có đủ và đúng loại năng lượng đất nước này cần để tiếp tục phát triển bền vững”.
 
Gỡ “nút thắt” từ nguồn lực, công nghệ, năng lực quản trị
 
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, trong tương lai, Việt Nam sẽ cần nguồn điện “xanh và sạch” hơn để tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững, đặc biệt là để hiện thực hóa tham vọng cân bằng phát thải công bố tại COP26.
 
Như Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ tại cuộc gặp với HSBC mới đây để thảo luận về một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là mục tiêu chuyển dịch sang phát thải cân bằng, trong chuyến dẫn đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ: Không dễ để vừa đảm bảo an ninh năng lượng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng vừa giảm phát thải, Việt Nam cần thêm sự hỗ trợ về nguồn lực, công nghệ, năng lực quản trị để giúp giải bài toán khó này.
 
Ông Tim Evans cũng chỉ ra, yêu cầu từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là từ lĩnh vực điện gió đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, sẽ sớm vượt quá khả năng cho vay của nhiều ngân hàng trong nước. Do đó, những ngân hàng nước ngoài như HSBC có thể đóng vai trò khai mở dòng đầu tư từ thị trường vốn quốc tế.
 
“Khi xu hướng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tiếp tục trở nên phổ biến, các nhà đầu tư cũng quan tâm hơn đến các cơ hội đầu tư bền vững. Chúng tôi nhìn thấy sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư dành cho Việt Nam và đang làm việc với họ để dẫn nguồn vốn đó tới các dự án xanh nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng bền vững với chi phí hiệu quả” - ông Tim Evans bày tỏ.
 
Đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ
Việt Nam cần xây dựng một hành lang pháp lý cho các khoản vay xanh

Theo đó, đầu năm nay, HSBC đã công bố cam kết giúp thu xếp 12 tỷ USD tài chính bền vững trực tiếp và gián tiếp cho Việt Nam tới năm 2030 và đang sắp xếp giúp khai mở thêm các cơ hội tài trợ vốn từ nước ngoài để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu cân bằng phát thải đầy tham vọng.
 
“Đây là một phần trong tham vọng của Tập đoàn HSBC bao gồm cung cấp từ 750 triệu đến 1 tỷ USD tài trợ và đầu tư bền vững đến năm 2030, cam kết này đã được nêu ra trong cuộc gặp giữa Tổng giám đốc Tập đoàn, Noel Quinn và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 tháng 11 năm ngoái” - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho hay.
 
Ngoài ra, theo vị này, tới thời điểm hiện tại, HSBC đã góp phần thu xếp được 1,3 tỷ USD tài chính xanh cho nhiều dự án khác nhau ở Việt Nam, tương đương với 10% con số HSBC đã cam kết. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực từ phương tiện chạy điện, tòa nhà xanh, tái chế nhựa và năng lượng tái tạo.
 
Tuy nhiên, để khai mở nguồn vốn từ nước ngoài cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, ông Tim Evans đã đưa ra một số đề xuất như: Hạn chế không cho phép sử dụng khoản vay nước ngoài vào mục đích thanh toán nợ trong nước là rào cản đối với việc tái cấp vốn nước ngoài cho các khoản nợ trong lĩnh vực xanh do các ngân hàng Việt Nam cung cấp, gỡ bỏ rào cản này sẽ giúp tăng khả năng hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực xanh của các ngân hàng Việt Nam.
 
Đồng thời, giới hạn vay đối với một khách hàng của tổ chức tín dụng làm hạn chế giá trị đảm bảo các ngân hàng Việt Nam có thể cung cấp so với Cơ quan bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (ECA) và các tổ chức tài chính quốc tế. Chia sẻ rủi ro rất quan trọng đối với các dự án cần vốn lớn.
 
Và hơn hết, cần xây dựng một hành lang pháp lý cho các khoản vay xanh ở Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp đồng bộ trên toàn ngành tài chính để chứng nhận tài chính xanh là rất cấp thiết để xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro gian lận tài chính xanh (hay còn gọi là “tẩy xanh” - greenwashing).

Link gốc
Theo: Báo Công Thương