Nhiều cây xăng sẽ có thêm trạm sạc xe điện

Thứ hai, 23/5/2022 | 10:16 GMT+7
Tiếp theo kế hoạch mở cửa hàng tiện ích ngay bên cạnh các cửa hàng xăng dầu, PV Oil dự kiến sẽ chuyển một số cây xăng thành trạm sạc điện.

Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) đào tạo chuyển giao vận hành trạm sạc tại các cửa hàng xăng dầu của PVOil

 
Xe điện đang dần thay thế xe xăng để trở thành tương lai chủ đạo cho việc di chuyển trên toàn cầu, điều này khiến các trạm sạc xe điện trở nên quan trọng không kém các cây xăng.

Trạm sạc xe điện - tương lai chủ đạo cho việc di chuyển trên toàn cầu
 
Tại Mỹ, xe điện đang từng bước chiếm lĩnh thị trường ô tô. Nhà Trắng đặt mục tiêu một nửa số xe mới được bán ra ở Mỹ vào năm 2030 là xe điện, và những gã khổng lồ ngành ô tô như GM và Volvo cũng có kế hoạch chuyển hoàn toàn sang xe điện. Tương lai của xe điện đang rộng mở, kéo theo sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trạm sạc nhanh.
 
Các trạm xăng là một phần không thể thiếu với người Mỹ, nơi họ tới đổ xăng hoặc mua đồ ăn nhẹ. Dù vậy, những trạm xăng này không có nhiều ý nghĩa với các chủ xe điện đang ngày càng tăng ở quốc gia này.
 
Dù một số trạm xăng đã lắp kèm trạm sạc xe điện, nhưng mọi người không thích việc chia sẻ này. Các bộ sạc xe điện có thể lắp ở hầu hết mọi nơi với mạng lưới điện dày đặc, từ nhà để xe của công ty cho tới các cửa hàng Starbucks, cây xăng dần trở nên lỗi thời.
 
Rob Barrosa, lãnh đạo cấp cao của Electrify America, một trong những đơn vị cung cấp trạm sạc nhanh hàng đầu tại Mỹ chia sẻ: “Làm thế nào để chúng ta có thể lưu trữ được nguồn năng lượng? Đó là câu hỏi dễ trả lời hơn nhiều với các trạm sạc xe điện, thay vì phải chôn những thùng xăng khổng lồ xuống đất”.
 
Đây là một thông tin không vui với các trạm xăng. Các nhà phân tích của Boston Consulting Group ước tính rằng nếu xe điện bùng nổ, sẽ có tới 80% thị trường bán lẻ nhiên liệu có thể không có lãi vào năm 2035.
 
Nếu nhu cầu về xăng hoàn toàn biến mất, nhiều nơi trong số hơn 100.000 trạm trên khắp nước Mỹ có nguy cơ bị đóng cửa. Nếu họ không thể bán nhiên liệu, các trạm xăng sẽ phải vật lộn để kiếm tiền vì mọi người thường mua sản phẩm tại cửa hàng tiện lợi khi đổ xăng.
 
Để đẩy nhanh nỗ lực này, Nhà Trắng có kế hoạch chi 5 tỷ USD như một phần của mục tiêu xây dựng hơn 500.000 bộ sạc công cộng trên khắp đất nước vào cuối thập kỷ này. Số tiền đó sẽ được phân phối cho các tiểu bang, với mục tiêu cứ 50 dặm sẽ có một trạm sạc xe điện. Trong khi đó, chính quyền địa phương và tiểu bang đang tài trợ cho các doanh nghiệp lắp đặt bộ sạc tại trên địa bàn của họ.
 
Các trạm xăng không thực sự mặn mà với nỗ lực của chính phủ trong việc đặt bộ sạc xe điện ở khắp mọi nơi. Tại Georgia, nơi một số nhà sản xuất ô tô muốn xây dựng các nhà máy sản xuất mới tập trung vào xe điện, những đơn vị kinh doanh trạm xăng đang vận động cho đạo luật hạn chế vai trò tiềm năng của cơ quan quyền lực nhà nước trong việc sạc xe điện.
 
Tại Đức, Chính phủ nước này cho biết, sẽ bắt buộc mọi trạm nhiên liệu phải có chỗ cho xe điện sạc pin.
 
Yêu cầu được đưa ra nhằm giải quyết những lo ngại về việc nạp thêm năng lượng cho dòng xe sử dụng động cơ điện. Động thái cũng nhằm mục đích kích cầu đối với ôtô điện, một phần của kế hoạch phục hồi kinh tế Đức. Theo kế hoạch, 2,8 tỷ USD sẽ được chi cho việc sản xuất pin và cơ sở hạ tầng (trạm sạc).
 
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, chính phủ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật đều có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về trạm sạc, nơi đậu xe cho người sở hữu xe điện. Thậm chí, nhiều nước hỗ trợ người mua xe điện với mức từ 6.500-10.000 euro/xe. "Tại Đức, hầu hết các thành phố đều tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các tổ chức, doanh nghiệp lắp đặt trạm sạc hoặc hỗ trợ với số tiền lên hàng chục ngàn euro. Người dân có nhu cầu lắp đặt trạm sạc tại nhà cũng được hỗ trợ" - ông Đồng dẫn chứng.
 
Trạm sạc xe điện sẽ có mặt tại các cửa hàng xăng dầu
 
Theo tiết lộ mới đây của lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), trước những tác động của xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường xe điện ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của PV OIL, PV OIL sẽ luôn theo dõi sát thị trường để có bước đầu tư hợp lý, đúng thời điểm, biến thách thức thành cơ hội.
 
Hiện tại, PV OIL có kế hoạch chuyển đổi một số cửa hàng xăng dầu trở thành cửa hàng phục vụ đa dạng vừa có trụ bơm xăng dầu vừa có trạm sạc xe điện để phục vụ các đối tượng khách hàng.
 
Ngoài ra, trong chiến lược phát triển, PVOIL có chủ trương tiếp tục đầu tư các kho xăng dầu và cửa hàng để mở rộng, gia tăng thị phần.
 
“Việc kinh doanh xăng Jet A1 vẫn nằm trong chiến lược của PV OIL; tuy nhiên, thời gian qua bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến ngành hàng không. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh dần cải thiện, PV OIL tiếp tục triển khai các công tác chuẩn bị, đầu tư để tham gia vào thị trường này”, Chủ tịch Hội đồng thành viên PV OIL Cao Hoài Dương cho biết.
 
PV OIL cũng định hướng tiếp tục phát triển các dịch vụ gia tăng tại cửa hàng xăng dầu theo xu hướng của thế giới và phù hợp với yêu cầu của thị trường. Trong đó có việc mở các cửa hàng tiện ích đã được thí điểm và bước đầu cho thấy hiệu quả, tuy nhiên việc đầu tư sẽ theo hướng thận trọng, hiệu quả, phù hợp với định hướng chiến lược của PV OIL.
 
Trước đó, tại Việt Nam, hãng xe Vinfast cũng đã xây dựng các cây sạc riêng nhằm hỗ trợ không chỉ ô tô mà còn cả xe máy điện của hãng. Việc làm này sẽ giúp Vinfast không chỉ thu được lợi nhuận từ việc sạc điện cho các xe, mà số lượng xe của hãng bán ra nhiều khả năng sẽ tăng cao nhờ vào sự tiện lợi cho khách hàng mà các cây sạc này mang lại.
 
Vừa qua, Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã có buổi làm việc với đại diện VinFast về hạ tầng cung cấp điện và tiến độ xây dựng các trạm sạc xe điện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
 
Tại buổi làm việc, EVNHCMC đề nghị VinFast thông tin cho Điện lực TP.Hồ Chí Minh về các kế hoạch lắp đặt trạm sạc, công suất thiết kế, địa điểm lắp đặt và phương án đấu nối vào lưới điện để EVNHCMC có sự chuẩn bị và hỗ trợ tốt nhất (chuẩn bị nguồn điện, hướng dẫn thủ tục xây dựng trạm biến áp và đấu nối, ký kết đồng mua bán điện…).
 
Đồng thời EVNHCMC sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn về sự ảnh hưởng của trạm sạc lên lưới điện nhằm đảm bảo việc vận hành trạm sạc cũng như hệ thống điện của Thành phố luôn an toàn, ổn định.
 
Ông Vũ Thắng - Giám đốc Trung tâm Quản lý hệ thống Trạm sạc của VinFast cho biết, Vinfast đang triển khai dự án trạm sạc ô tô điện và xe máy điện tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, với mục tiêu xây dựng khoảng 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc tại các địa điểm như: chung cư, bãi đỗ xe, bến xe, trạm dừng nghỉ trên cao tốc, xa lộ, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu…
 
Các trạm sạc có các loại sạc thường 11kW, sạc nhanh 30kW và 60kW, sạc siêu nhanh 250kW và sạc xe máy điện 1,2kW. Tại TP.Hồ Chí Minh, VinFast sẽ triển khai xây dựng 65 trạm sạc và dự kiến sẽ phát triển thêm trong thời gian tới.
 
Liên quan đến vấn đề giá, theo VinFast mức phí sạc xe tại các trạm sạc công cộng của VinFast là 2.834 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) - tương đương giá điện bậc 5 hiện tại. Như vậy, để sạc đầy khối pin dung lượng 42 kWh, người dùng phải trả phí 119.000 đồng (chưa tính thuế VAT) cho tầm hoạt động khoảng gần 300 km.
 
Một tin vui khi Thạc sĩ Trần Dũng và cộng sự tại Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử - điện lực miền Trung đã chế tạo trạm sạc ô tô điện với thiết bị, phần mềm đều được sản xuất ở Việt Nam và giá thành chỉ bằng 2/3 so với sản phẩm nhập khẩu. Hiện đã có 2 trạm sạc cấp 3 (điện áp 600-800 V) được lắp đặt trong cửa hàng xăng dầu tại TP Đà Nẵng. Chủ xe có nhu cầu sạc điện có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ, dựa trên số KW điện được nạp.
 
Trạm sạc này có thể ứng dụng sạc cho nhiều loại ô tô điện trên thế giới; có đầy đủ tính năng an toàn như: ngắt mạch khi quá tải, chống sét, cảnh báo mất điện áp pha và cảm biến cháy nổ.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương