Để đạt mục tiêu trở thành một trong bốn tổ chức Truyền tải điện hàng đầu ASEAN vào năm 2020 và đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện vào năm 2030, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện.
Trong ngành điện nói chung, lĩnh vực truyền tải điện nói riêng, việc kết nối các thiết bị trên lưới điện truyền tải với hệ thống trung tâm được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Ngay cả hệ thống lưới điện 500kV Bắc - Nam mạch 1 lần đầu tiên được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 1994, cùng với hệ thống thiết bị công nghệ tiên tiến lúc bấy giờ, việc đầu tư kênh truyền dẫn công nghệ BTH (dung lượng ban đầu là 34MB (Megabyte) và khoảng cách cho phép 40km có 1 trạm lặp) dùng đường truyền cáp quang và PLC để theo dõi sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận hành đường dây cũng đã được thực hiện. Công nghệ này nhằm triển khai một kênh truyền bảo vệ so lệch dọc và kênh truyền cắt để tăng tốc cho bảo vệ khoảng cách. Càng về sau, công nghệ truyền dẫn càng hiện đại hơn. Năm 2005 (khi đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2 được xây dựng) thì công nghệ truyền dẫn SDH đã được thay thế cho công nghệ BTH, giúp đưa khoảng cách cho phép lên tới 80km/1 trạm lặp, dung lượng cũng đã được nâng lên tới 2,5GB (Gigabyte), giúp cho công tác bảo vệ hệ thống lưới điện truyền tải tốt hơn rất nhiều.
Ông Tạ Thành Hòa - Tổ trưởng Tổ vận hành Tây Nguyên, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT)- đơn vị có nhiệm vụ vận hành và bảo vệ sự cố trên các đường dây cho biết, trên địa bàn Tây Nguyên có 4 trạm biến áp 500kV (là Trạm 500 Pleiku, Trạm 500kV Pleiku2, Trạm 500kV Đắc Nông và Trạm 500kV chuyển tiếp của 500kV Ialy), EVNICT vận hành gần 100 kênh truyền bảo vệ cho các trạm 500kV này. Chỉ tỉnh riêng Trạm 500kV Pleiku 2 có tới 42 kênh truyền bảo vệ. Bình quân 1 mạch đường dây 500kV từ Trạm Pleiku2 đi Cầu Bông có 2 kênh truyền S87. Một kênh chạy trực tiếp từ Pleiku2 đi theo đường dây 500kV mạch 3 còn 1 kênh truyền S87 đi vòng về trạm 500kV Di Linh đi vào Tân Định và đi vào Cầu Bông để đảm bảo trên đường dây 500kV lúc nào cũng phải có một kênh truyền buộc đang hoạt động (nếu một kênh bị sự cố).
Ông Hòa cho biết thêm, kênh truyền bảo vệ của DZ 500kV rất quan trọng. Cứ tưởng tượng lại sự cố xảy ra vào năm 2013 khi cây dầu ngã vào đường dây 500kV ở Bình Dương, nhờ có hệ thống kênh truyền rất nhạy cho nên khi có sự cố là ngắt hết, đảm bảo hệ thống lưới điện an toàn. Các vị trí vận hành đều có 1 hệ thống giám sát. Khi có dấu hiệu sự cố sẽ tự động gửi tin nhắn vào điện thoại.
Theo dõi điều hành viễn thông toàn quốc tại Công ty Viễn thông điện lực và CNTT (EVNICT).
Hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia hiện có gần 25.000 km đường dây và 153 Trạm biến áp 220kV và 500kV với tổng dung lượng hơn 91.200MVA trải dài trên cả nước. Việc triển khai ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi EVNNPT phải chuẩn hóa được thiết bị, kết nối các hệ thống, các phần mềm công nghệ thông tin hiện có thành một hệ thống thống nhất. Để làm được điều này, hàng loạt công nghệ tiên tiến đã được EVNNPT thực hiện, từ việc thu thập dữ liệu và giám sát hiện đại đến ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành, bảo vệ hệ thống truyền tải điện có thể kể đến như hệ thống giám sát dầu online, các hệ thống giám sát điều khiển các trạm biến áp, hệ thống SCADA-EMS, hệ thống ghi sự cố, hệ thống định vị sự cố, các thiết bị thí nghiệm thế hệ mới… hay việc ứng dụng máy bay không người lái kiểm tra trong kiểm tra lưới điện, lắp đặt thiết bị định vị sự cố để xác định, cô lập điểm sự cố đảm bảo an toàn trước khi khôi phục trở lại vận hành, nhất là các đường dây đi qua khu vực đồi núi cao, xảy ra nhiều sự cố thời gian qua đã cho hiệu quả rõ rệt.
Đơn cử, trong lưới điện truyền tải, máy biến áp (MBA) và kháng điện là các thiết bị đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính ổn định, an toàn, tin cậy truyền tải và cung cấp điện, đồng thời có giá trị lớn nhất. Do vậy, đến cuối năm 2016, EVNNPT đã trang bị thiết bị giám sát dầu online cho tất cả các MBA và kháng điện 500kV còn lại trên lưới chưa được trang bị. Hiện nay, EVNNPT đang triển khai Hệ thống giám sát bản thể máy biến áp, hệ thống thu thập các số liệu đầu vào như thông số vận hành, số liệu khí hòa tan, tổn hao điện môi… tiến hành xử lý, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị cho việc bảo dưỡng, sửa chữa phù hợp.
Hiện nay, đã có hơn 80% số trạm biến áp trên lưới truyền tải điện quốc gia đã được điều khiển bằng máy tính và kết nối về các Trung tâm điều khiển, sử dụng hệ thống điều khiển tự động, các thiết bị bảo vệ, điều khiển trong các TBA đều sử dụng rơle bảo vệ và bộ điều khiển số (đều là các thiết bị điện tử thông minh - IED).
Ông Trần Hoàng Đạo - Giám đốc Truyền tải Điện Kon Tum - đơn vị quản lý, vận hành 2 trạm biến áp 220kV và gần 350km đường dây 220kV-500kV đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum và một phần của tỉnh Gia Lai cho biết thực tế, "chúng tôi đã thành lập Trung tâm vận hành và đưa vào vận hành từ ngày 25/12/2017 - là trạm vận hành không người trực đầu tiên của Công ty truyền tải điện 2. Hiệu quả thấy rõ là nhân sự đã giảm được rất là nhiều. Vì ứng dụng vào các công nghệ tự động cho nên có thể thao tác xa, kiểm soát từ xa. Hiện nay, công ty cũng đã đưa thiết bị UAV vào vận hành chủ yếu phục vụ cho việc kiểm tra hành lang tuyến cũng như kiểm tra về kỹ thuật trên tuyến đường dây. Đối với TTĐ Kon Tum, chúng tôi cũng trang bị loại máy dò tiếp địa để xác định hoàn công lại toàn bộ hệ thống tiếp địa, xác định sự hư hỏng của tiếp địa. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu được sự cố do sét đánh".
Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, việc ứng dụng công nghệ hiện đại những năm gần đây được EVNNPT triển khai thực hiện gắn chặt với yêu cầu tại Chiến lược phát triển lưới điện thông minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012). Trong thời gian tới, EVNNPT sẽ tiếp tục đưa các TBA điều khiển bằng máy tính kết nối về các Trung tâm vận hành và đưa các TBA sang chế độ vận hành không người trực, điều khiển tập trung tại các Trung tâm vận hành và nâng cấp các Trung tâm để đảm bảo khả năng giám sát từ xa cũng như ứng dụng các hệ thống quản lý tài sản, hệ thống quản lý kỹ thuật bằng các hệ thống như là trên nền tảng thông tin địa lý GIS.
Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khẳng định, năm 2019 EVNNPT đã và đang triển khai hệ thống quan trắc sét. Hệ thống này cho phép NPT dự báo và xác định được các khu vực có giông sét xảy ra để cảnh báo trước cho vận hành. Trong trường hợp khả thi thì có thể chủ động cắt điện đường dây trước khi sét đánh vào đường dây sau đấy khôi phục lại. Những dữ liệu về sét cũng giúp phục vụ công tác thiết kế. Ngoài ra, NPT cũng đang tiếp tục đầu tư một loạt các thiết bị khác, như triển khai fly-cam, sử dụng thiết bị bay không người lái để sử dụng các camera nhiệt nhằm phát hiện các điểm phát nhiệt hoặc các camera có độ phân giải cao để tìm điểm sự cố, tìm vị trí hư hỏng trên lưới điện; ứng dụng các hệ thống quản lý kỹ thuật trên nền tảng thông tin địa lý GIS… Đồng thời, EVNNPT tiếp tục triển khai các dự án nâng cấp hệ thống bảo mật, ứng dụng TBA số; nâng cấp số TBA điều khiển truyền thống còn lại (gần 20%) lên TBA số và xây dựng các Trung tâm vận hành, tiếp tục ứng dụng TBA không người trực theo lộ trình đến năm 2020 đạt 60% số TBA không người trực mà EVN đề ra…)
Một số nhóm giải pháp lớn về khoa học công nghệ cũng đã được EVNNPT xây dựng theo các mốc trong Chiến lược phát triển của ngành (theo đó, sẽ tập trung xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh, giám sát, điều khiển xa bằng công nghệ thông minh; Giám sát tình trạng vận hành và độ hư hỏng của thiết bị theo thời gian thực, giám sát mức độ tiêu thụ điện năng và dự báo thay đổi phụ tải trên từng khu vực địa lý, tình trạng thời tiết...; Ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera giám sát vận hành, bảo dưỡng đường dây truyền tải; Nghiên cứu xây dựng trạm biến áp số, sử dụng trí thông minh nhân tạo - AI đối với trạm không người trực; Ứng dụng tích hợp các thiết bị tích trữ năng lượng để đáp ứng sự phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo…) nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phải tạo lập được hệ thống truyền tải điện thông minh; Đến năm 2025 phải phát triển được hệ thống truyền tải điện thông minh và đến năm 2030 phải hoàn thiện được hệ thống truyền tải điện thông minh.