EVNNPT nghiên cứu và áp dụng các giải pháp giảm sự cố nguyên nhân do sét trên đường dây truyền tải điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Nhận thức rõ những vai trò công tác này, EVNNPT đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đẩy mạnh ứng dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động trong thời gian tới.
Kể từ khi thành lập, các đơn vị trong EVNNPT đã đăng ký thực hiện 23 đề tài nghiên cứu khoa học với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Nhiều đề tài được nghiệm thu, đánh giá cao và được áp dụng hiệu quả trong vận hành, quản lý của đơn vị, như: “Vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao”; “Vệ sinh cách điện lưới điện phân phối đang mang điện bằng nước áp lực cao”; “Nghiên cứu các giải pháp giảm sự cố có nguyên nhân do sét trên đường dây truyền tải điện 220kV Thanh Thủy-Hà Giang-Thủy điện Tuyên Quang-Yên Bái-Thái Nguyên”. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đã đi sâu vào cán bộ công nhân viên (CBCNV) toàn Tổng công ty. Mỗi năm, các đơn vị có hơn 250 sáng kiến, giá trị làm lợi ước tính hàng chục tỷ đồng.
EVNNPT có nhiều đề xuất ứng dụng KHCN mới vào đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, nhiều dự án mang lại hiệu quả, như phát hiện sớm nguy cơ sự cố, giảm sự cố đường dây (ĐZ), tăng năng lực truyền tải, giảm chi phí trong quản lý vận hành. Nhiều đề tài ứng dụng công nghệ mới trong vận hành, sửa chữa như ứng dụng dây dẫn chịu nhiệt cao để nâng cao khả năng tải của dây dẫn. Ứng dụng công nghệ chống sét van cho các ĐZ nhằm giảm sự cố do sét đánh. Nghiên cứu đề xuất trang bị thiết bị định vị sự cố cho các ĐZ 500kV, 220kV giúp giảm thời gian tìm kiếm, khắc phục sự cố. Ứng dụng thiết bị giám sát dầu online cho máy biến áp (MBA) và kháng điện 500kV. Trong đầu tư xây dựng, EVNNPT đã sử dụng sứ cách điện composite, xà cách điện composite; ứng dụng công nghệ trạm biến áp (TBA) GIS như tại TBA 220kV Thành Công, Hà Nội; trạm điều khiển tích hợp; trung tâm điều khiển xa TBA không người trực. Đánh giá hiệu quả ứng dụng công nghệ mới, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) Phạm Lê Phú khẳng định, tại những nơi mà đơn vị lắp đặt thiết bị định vị sự cố cho thấy hiệu quả rất cao: trước đây nếu như có sự cố, anh em quản lý ĐZ có khi phải băng rừng, trèo núi hàng km mới tìm thấy điểm sự cố, thì nay với thiết bị này đã giúp khoanh vùng sự cố chỉ trong vòng một khoảng cột ĐZ. PTC1 cũng đang phối hợp các đơn vị trong nước và nước ngoài nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ sửa chữa thiết bị đang mang điện (hotline), nhất là các ĐZ 500kV, 220kV, qua đó, hạn chế thời gian phải cắt điện phục vụ sửa chữa, thi công.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác ứng dụng KHCN, song EVNNPT cũng gặp không ít khó khăn như mô hình tổ chức của Tổng công ty và các đơn vị hiện không có bộ phận chức năng chuyên biệt KHCN (chức năng này kiêm nhiệm trong các phòng), cho nên công tác quản lý hoạt động KHCN còn thiếu chiều sâu và tính hệ thống. Thiếu hụt một đơn vị chức năng chuyên sâu về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN, thiếu điều kiện đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, phát triển phần mềm, giải pháp ứng dụng cũng như đào tạo năng lực nghiên cứu, phát triển đội ngũ chuyên gia cho EVNNPT. Trong các dự án đầu tư xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, EVNNPT đóng vai trò là người sử dụng cuối cùng. Tuy nhiên, đến nay, trong các dự án, chủ yếu mới dừng ở phạm vi hướng dẫn sử dụng, khai thác, vận hành chứ chưa có các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Hơn nữa, EVNNPT không có các đơn vị dịch vụ, cho nên ngay cả khi được chuyển giao công nghệ cũng khó đủ điều kiện tiếp nhận và khai thác hiệu quả. Thí dụ, hệ thống điều khiển tích hợp đã được áp dụng trong các TBA của Tổng công ty từ năm 2003, tuy nhiên, đến nay cũng chỉ dừng ở mức tiếp nhận vận hành, các công tác tích hợp, mở rộng, EVNNPT vẫn chưa hoàn toàn làm chủ, dẫn đến lệ thuộc các nhà cung cấp.
Để tăng cường ứng dụng KHCN trong đơn vị, khắc phục các bất cập, hạn chế về năng lực ứng dụng KHCN hiện nay, EVNNPT đã đề ra một loạt nhóm giải pháp, theo đó, về giải pháp tổ chức, quản lý: Tổng công ty sẽ thành lập Công ty dịch vụ kỹ thuật tiếp nhận các công nghệ về sửa chữa, bảo dưỡng, tự động hóa LĐTT; tiêu chuẩn hóa các thiết bị nhất, nhị thứ trên LĐTT. Về nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ mới, EVNNPT đang tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị mang điện (hotline). Bổ sung các công cụ, dụng cụ, trang thiết bị thí nghiệm hiện đại cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành. Triển khai các giải pháp nâng cao độ ổn định, tin cậy cho hệ thống điện. Ứng dụng trạm điều khiển từ xa, trạm không người trực; thực hiện các giải pháp điều chỉnh hệ thống điện (kháng, tụ…); trang bị các hệ thống giám sát tình trạng vận hành thiết bị, ứng dụng các công nghệ hao tổn thấp (MBA, dây dẫn…). Tổng công ty còn đẩy mạnh hợp tác các trường đại học, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, ứng dụng tiến bộ KHCN mới vào quản lý vận hành và đầu tư phát triển LĐTT. Đối với nhóm giải pháp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, EVNNPT hoàn thành việc triển khai mạng WAN toàn Tổng công ty; hoàn thành triển khai hệ thống giám sát truyền dẫn mạng WAN; triển khai dự án trang thiết bị bảo đảm an toàn, ổn định cho hệ thống mạng thông tin; hoàn thành xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu đo đếm… Cùng với các biện pháp nêu trên, Tổng công ty cũng hết sức quan tâm, thành lập các tổ hỗ trợ sáng kiến, giúp các tác giả hoàn thiện sáng kiến, ứng dụng sáng kiến vào sản xuất, vận hành. Động viên, khen thưởng kịp thời các tác giả có sáng kiến áp dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, vận hành.