Tin trong nước

Đẩy nhanh các dự án đầu tư lưới điện, tạo xung lực cho phát triển kinh tế

Chủ nhật, 8/10/2023 | 13:30 GMT+7
Hiện toàn tỉnh còn 112 thôn, bản chưa có điện, Hà Giang phấn đấu đến 2025 không còn “vùng lõm” về điện, tuy nhiên còn rất nhiều thách thức đặt ra cho Hà Giang.

Hiện Hà Giang có 177.394 hộ đã được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia. Ảnh: Phạm Tiệp

Tạo xung lực cho phát triển kinh tế

Là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, với chiều dài biên giới trên 277,5 km với điểm cực Bắc của Tổ quốc là Lũng Cú, hiện Hà Giang có 11 đơn vị hành chính (huyện, thành phố), trong đó có 7 huyện biên giới với 34 xã, thị trấn biên giới. Địa hình bị chia cắt mạnh tạo thành ba tiểu vùng khác nhau gồm: Vùng cao núi đá phía Bắc hay còn gọi là Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc); vùng cao núi đất phía Tây gồm các huyện: Hoàng Su Phì và Xín Mần; và vùng núi thấp là các huyện, thành phố: Bắc Mê, Thành phố Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình.

Với 19 dân tộc anh em chung sống đoàn kết, hiện Hà Giang có trên 84% là đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với đặc thù của địa hình đã tạo cho Hà Giang vẻ đẹp độc đáo, nền văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc nhưng cũng hết sức khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiêu chí về điện nông thôn là một trong những tiêu chí góp phần và tạo xung lực để kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Giang phát triển và cất cánh.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Việt Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang có 190.319 hộ dân, trong đó có 177.394 hộ đã được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia với tỷ lệ đạt 93,2%, 4.904 hộ được sử dụng điện từ nguồn thủy điện mini (chiếm tỷ lệ 2,58%), 517 hộ sử dụng năng lượng mặt trời (chiếm tỷ lệ 0,272%); số còn lại 7.519 hộ dân chưa được sử dụng điện, chiếm 3,95%.

Số thôn chưa có điện trong toàn tỉnh Hà Giang là 112 thôn, trong đó có 48 thôn đang đầu tư và hoàn thành nhưng chưa đóng điện, 64 thôn chưa được đầu tư, trong đó có 06 thôn biên giới chưa có điện.

Cũng theo ông Trần Việt Thế, các công trình điện nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay được đầu tư xây dựng từ nhiều chương trình và nguồn vốn khác nhau như: Tiểu dự án cấp điện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa có điện lưới quốc gia tỉnh Hà Giang giai đoạn I (2014 - 2015); Tiểu dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2018 - 2020 - EU tài trợ; Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hà Giang - Sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi và các nguồn vốn khác (do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư) và nguồn vốn khác ngoài ngân sách (do ngành điện làm chủ đầu tư).

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có tổng số 157 công trình lưới điện đã hoàn thành cấp điện cho nhân dân và đang đầu tư xây dựng, trong đó: 19 công trình do Công ty Điện lực Hà Giang thực hiện đã đưa vào vận hành cấp điện; 54 công trình do UBND tỉnh làm chủ đầu tư đã hoàn thành thi công 100% nhưng chưa nghiệm thu đóng điện (và 84 công trình đang thực hiện đầu tư xây dựng (trong đó có 12 công trình của Công ty Điện lực Hà Giang).

Các công trình điện sau khi đưa vào vận hành đã mang lại diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Ảnh: Phạm Tiệp

Các công trình sau khi đưa vào sử dụng đã mang lại diện mạo mới trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho bà con đồng bào dân tộc. Có điện, các gia đình đã đầu tư mua sắm thiết bị điện cũng như máy móc phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế gia đình, sản xuất nông lâm nghiệp.

Nhiều nơi trước đây được coi là vùng trũng nghèo, nhưng kể từ ngày có điện đã giúp bà con phát triển kinh tế, cuộc sống được khởi sắc từng ngày. Điện chiếu sáng mọi nhà, ước mơ có điện lưới quốc gia của bà con bao năm nay đã trở thành hiện thực. Mọi người, mọi nhà được nghe đài, xem ti vi, đời sống sinh hoạt được nâng cao. Các thôn vùng biên như bừng sáng.

Nhờ có những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư nguồn lực thúc đẩy phát triển khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thôn, bản vùng biên hiện đại hóa hệ thống lưới điện nông thôn. Các cột điện được nâng cấp an toàn, chắc chắn đưa ánh sáng về mỗi nhà. Có điện thắp sáng cũng thắp lên khát vọng phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Từ nay đến năm 2025, Hà Giang phấn đấu tất cả các thôn, bản đều có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, một trong những khó khăn nhất của ngành điện là khi đưa điện lưới đến các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số là địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, nhiều đèo dốc gây khó khăn trong vận chuyển vật tư và vốn đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh đó, đồng bào sống rải rác không tập trung nên phải kéo dài đường dây dẫn đến tình trạng điện áp không đảm bảo.

Hà Giang phấn đấu đến năm 2025 không còn vùng "lõm" về điện. Ảnh: Phạm Tiệp

Ông Hoàng Văn Thiện - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang cho biết: Nếu vì mục tiêu kinh doanh, việc đầu tư lưới điện cho các thôn, bản miền núi sẽ không khả thi, bởi chi phí suất đầu tư cho một dự án rất lớn, trong khi doanh thu lại thấp. Tuy nhiên, công ty đã xác định rõ, nhiệm vụ đưa điện về các thôn bản chưa có điện là hiện thực hóa chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao trên địa bàn. Do vậy, ngành Điện Hà Giang đã và đang tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng đồng vốn để tiếp tục hành trình mang ánh điện đến với người dân vùng sâu, vùng xa.

Quyết tâm là vậy, tuy nhiên để xóa xổ “vùng lõm” về điện cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho Hà Giang.

Rào cản và những giải pháp căn cơ

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Giang, trong giai đoạn 2022 - 2023 toàn tỉnh Hà Giang có 83 công trình cấp điện nông thôn được đầu tư, trong đó có 64 công trình cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, 19 công trình cấp điện cho thôn biên giới. Tổng kinh phí được giao trong năm 2022 - 2023 là 145.787 triệu đồng, tính đến hết tháng 8/2023 tổng kinh phí đã giải ngân đạt 97.887 triệu đồng.

Trong đó, Hà Giang đã thực hiện đầu tư 37 công trình cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, 17 công trình cấp điện cho thôn biên giới để thực hiện hoàn thành tiêu chí điện thuộc bộ tiêu chí thôn, nông thôn mới theo kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025.

Một trong những thách thức không nhỏ cho Hà Giang trong triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia đó là nguồn vốn, đặc biệt là kéo điện cho các thôn, các xóm, các nhóm dân cư chưa có điện. Đây điều kiện cần thiết để xoá đói, giảm nghèo bền vững, góp phần phát huy nội lực trong Nhân dân.

Nói về những khó khăn thách thức trong triển khai các dự án đầu tư lưới điện nông thôn, ông Trần Việt Thế chia sẻ: Việc cấp điện cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được triển khai đúng lộ trình theo nghị quyết của tỉnh do nguồn lực tài chính của tỉnh còn khó khăn, việc cấp nguồn vốn đầu tư từ trung ương rất ít đẫn đến tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện nay đang còn thấp hơn so với các tỉnh lân cận.

Địa hình phức tạp, dân cư sinh sống không tập trung là một trong những khó khăn trong công tác đầu tư các công trình lưới điện. Ảnh: Thu Hường

Đó còn chưa kể đến, lưới điện trung áp 35kV từ các trạm 110kV cấp điện cho các khu vực phụ tải huyện, xã trên địa bàn tỉnh với khoảng cách quá xa, xây dựng trên các sườn đồi núi cao, có địa hình phức tạp, mưa lớn kéo dài đã dẫn đến công tác đầu tư xây dựng gặp khó khăn, không đảm bảo theo tiến độ.

Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất không đáp ứng yêu cầu. Một số công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất cho công trình. Các công trình đường dây 0,4 kV nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân thực hiện đóng góp phần hiến đất nhưng thủ tục thực hiện còn chậm.

“Trong quá trình thi công, nhiều công trình còn phải thay đổi kết cấu, chủng loại cột, hướng tuyến để phù hợp với điều kiện thực tế do công tác khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định chưa tốt và do công tác đền bù gải phóng mặt bằng còn vướng mắc do người dân và do các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng” - ông Thế khẳng định.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, các chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra, trong đó có tiêu chí về điện, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện từng chương trình.

TBA 110kV Xín Mần đã phát huy hiệu quả trong cấp điện an toàn, ổn định. Ảnh. Chí Kiên

Để làm được điều đó, ông Triệu Trung Hiệp - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang chia sẻ: Cần phải tăng cường hoạt động và phát huy vai trò, sự chủ động của Ban Chỉ đạo các cấp, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực trong tổ chức thực hiện và giải quyết những vướng mắc phát sinh, đảm bảo các chương trình được triển khai hiệu quả, đúng quy định.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định; thực hiện chế độ theo hõi hàng tuần, hàng tháng. Chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các nội dung chậm tiến độ, giải ngân thấp sang các nội dung có tiến độ giải ngân tốt.

Đẩy mạnh cải cách hàng chính, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai các thủ tục đầu tư, thẩm định dự án; bảo đảm yêu cầu về chất lượng, rút ngắn thời gian để công tác triển khai và giải ngân được kịp thời, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…

Cuối cùng, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư, huy động tối đa các nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, dân cư với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động và sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn lực theo thứ tự các mục tiêu được ưu tiên.

Link gốc

 

Theo: Báo Công thương