Tin trong nước

Phủ lưới điện tạo cơ hội thoát nghèo cho miền núi

Thứ năm, 5/10/2023 | 15:09 GMT+7
Khánh Sơn là huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Khánh Hòa đang có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, hạ tầng giao thông được đầu tư, điện lưới phủ rộng tận vùng sâu, vùng xa giúp cho quá trình chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế ở vùng núi này thuận lợi hơn.

Vườn cây ăn quả ở huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Hòa.

Đến nay, vườn cây sầu riêng cơm vàng, hạt lép rộng 4 ha của ông Bo Bo Vĩnh Thành, dân tộc Raglay, ở xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã bước sang năm thứ 4. Ông Bo Bo Vĩnh Thành không thể ngờ rằng, vùng đất sườn đồi lâu nay chỉ trồng keo lại có thể trồng được cây sầu riêng. Đây là loại cây rất khó trồng, cần nước tưới thường xuyên và chăm sóc kỹ lưỡng. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, ông Vĩnh Thành kéo điện lưới 3 pha, dài gần 1km, đầu tư hệ thống tưới tự động, chăm sóc cây trồng. 

Ông Bo Bo Vĩnh Thành cho biết, nhờ đầu tư bài bản, chăm sóc chu đáo nên vườn cây sầu riêng của gia đình đã phát triển rất nhanh và cho quả ngọt: "Nguồn điện khu vực này rất ổn định, không bị nhảy, không bị mất. Kéo ra điện lưới hơn 1 km, phải dùng điện 3 pha. Dùng hệ thống điện tưới, giảm chi phí rất nhiều. Dùng máy nổ, xăng dầu rất cao, chi phí cao gấp 2-3 lần so với sử dụng điện. Kéo đường điện vào rất hiệu quả, giúp mình tưới, xịt thuốc, tưới gốc, sử dụng rất nhiều điện".

Từ 20 năm trước, huyện Khánh Sơn đã khảo nghiệm, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả, trong đó, sầu riêng là cây trồng hiệu quả nhất. Khó khăn lớn nhất là nguồn nước tưới bởi Khánh Sơn là địa phương miền núi, chưa có hồ chứa thủy lợi và kênh mương. Người dân phải tự đào ao, làm hồ trữ nước từ các sông, suối để bơm nước tưới cho cây trồng. Ngành Điện lực Khánh Hòa cũng đầu tư 150km đường dây với hơn 110 trạm biến áp, phủ điện về các vùng nông thôn, miền núi phục vụ sản xuất. 

Hệ thống tưới tự động.

Ông Phan Thanh Sơn, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện huyện Khánh Sơn, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, mấy năm gần đây, diện tích trồng cây ăn quả tăng nhanh, nhu cầu sử dụng điện tưới cây cũng tăng: "Ngành Điện phải chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con mình sử dụng. Để bà con ủng hộ thì mình phải phục vụ bà con. Khi bà con trồng cây lập vườn, ngành Điện vận động bà con né hành lang tuyến. Khi cây lên làm sao cho cây thấp không vươn cao đến đường dây điện. Cây cao thì vận động bà con, cùng bà con chặt tỉa".

Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa chiếm hơn 2/3 dân số của huyện, tỷ lệ hộ nghèo hơn 40%. Hiện nay, đường giao thông, điện lưới đã được phủ kín đến các khu dân cư, vùng sản xuất, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng, giúp bà con thoát nghèo. Diện tích cây sầu riêng toàn huyện đã lên hơn 2.500 ha, trong đó hơn 40% đã cho thu hoạch, với giá mua tại vườn từ 70.000  - 90.000 đồng/kg, cây sầu riêng đem về doanh thu cả ngàn tỷ đồng cho các hộ dân.


Phát dọn hành lang lưới điện qua vườn cây ăn quả.

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay, điện lưới đã phủ kín tận thôn bản giúp cho bà con mở rộng sản xuất: "Lâu nay, bà con chỉ trồng chuối, trồng keo cho nên thu nhập đem về cho bà con rất ít. Huyện đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuyên truyền làm sao mỗi hộ gia đình sẽ trồng được từ 10 -15 cây sầu riêng. Lúc đó, các hộ cải thiện từng bước thu nhập, vươn lên thoát nghèo".

Link gốc

 

Theo: VOV