|
Cần đẩy nhanh vốn cho các dự án lưới điện - Ảnh VGP/Minh Huệ |
Theo "Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, sản lượng điện quốc gia phải đạt từ 194 đến 210 tỷ kWh, tức là gấp hơn 2 lần so với sản lượng điện truyền tải trong năm nay.
Để hoàn thành mục tiêu, NPT cần phải đầu tư từ 300 đến 350 dự án lưới điện, đưa vào vận hành ít nhất 250 dự án trong vòng 5 năm tới. Số vốn đầu tư cần thu xếp cho các dự án này lên tới gần 75.000 tỷ đồng. Thế nhưng, huy động vốn đang là khó khăn lớn nhất với NPT.
Theo NPT, nhiều dự án có nguy cơ không đáp ứng được tiến độ như đường dây 500 kV đấu nối dự án Vũng Áng, Mông Dương, Long Phú, Duyên Hải, Vân Phong và Lai Châu; đường dây 220 kV đấu nối các dự án nhiệt điện Vũng Áng, Duyên Hải, Vĩnh Tân, thủy điện Đăk Đrinh, Sông Bung 4, Sông Bung 2, các dự án cấp điện cho Hà Nội, các dự án gom công suất các nhà máy thủy điện tại khu vực Lào Cai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Mới đây Chính phủ đã chỉ đạo EVN và các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt các giải pháp để điều hành các dự án điện phục vụ phát triển theo Quy hoạch điện VII đã đề ra.
Theo đó, hệ thống ngân hàng xem xét thủ tục, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn vay đã cam kết cho các dự án, ưu tiên bố trí cho khoản đối ứng giải phóng mặt bằng, xây dựng đề án phát hành trái phiếu trong nước năm 2012 cho đầu tư xây dựng các công trình điện.
Bộ Công Thương cần khẩn trương xem xét vấn đề điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường theo đúng tinh thần Quyết định 24/2011/QĐ-TTg, từng bước giúp cân bằng về giá thành và giá bán điện, là cơ sở để có thể kêu gọi hiệu quả hơn nữa đầu tư vào điện từ các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước.