Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án truyền tải điện

Thứ hai, 28/9/2020 | 08:34 GMT+7
Từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, song rất nhiều công trình lưới điện đã được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, đưa vào vận hành, phục vụ giải tỏa hết công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo hiện hữu. 

Trạm biếp áp 220kV Phan Rí được NPT đóng điện đưa vào vận hành ngày 15/1/2020Ảnh: Ngọc Hà.
 
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất hơn 17000 MW và trong đó có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang được các chủ đầu tư gấp rút triển khai để được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi (giá FIT) do Nhà nước quy định, đòi hỏi các dự án lưới điện cũng cần được tập trung đầu tư, hoàn thành để kịp giải tỏa các nguồn NLTT này…
 
PV Nguyên Long phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) về thực tế công tác triển khai các dự án của đơn vị, cũng như tiến độ của đường dây 500kV mạch 3 - công trình quan trọng cấp điện miền Nam giai đoạn sau năm 2020.
 
PV: Thưa ông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong gần 9 tháng qua EVN đã đưa vào vận hành 21 công trình lưới điện từ 110-500 kV phục vụ giải tỏa các nguồn điện NLTT. Được biết, trong đó có khá nhiều dự án do Ban Quản lý các công trình điện miền Trung thực hiện. Xin ông cho biết công tác triển khai xây dựng các dự án truyền tải của CPMB đóng góp vào kết quả này?
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Tính đến hết tháng 9 năm 2020 CPMB đã hoàn thành đưa vào đóng điện 08 dự án theo kế hoạch giao, cụ thể: (i) Các dự án thu gom công suất các dự án nguồn gồm: Lắp MBA 500kV và 220kV thứ 2 tại trạm 500kV Lai Châu (đóng điện ngày 21/6/2020), Trạm biến áp 500kV-900MVA Nghi Sơn (dự kiến đóng điện ngày 28/9/2020, ĐZ 220kV Thượng Kon Tum-Quảng Ngãi (đóng điện ngày 29/4/2020), TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối (đóng điện ngày 29/6/2020); (ii) Các dự án nâng cao khả năng tải gồm: NCS TBA 500kV Dốc Sỏi (đóng điện giai đoạn 1 ngày 2/3/2020), TBA 500kV Việt Trì và đấu nối (ĐZ 220kV) (dự kiến đóng điện ngày 25/9/2020), TBA 500kV Chơn Thành và đấu nối (MBA AT1 500kv-900MVA và AT3 220kV-250MVA) (đóng điện ngày 2/9/2020), TBA 220kV Lưu Xá (NR 220kV) (đóng điện ngày 22/4/2020).
 
Trong đó phải kể đến TBA 220kV Ninh Phước và ĐZ đấu nối. Mặc dù bị tác động không nhỏ bởi covid-19 nhưng với tinh thần khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo, CPMB đã tập trung chỉ đạo “thực hiện nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo đầu tư xây dựng để sau gần 5 tháng thi công đã hoàn thành đóng điện dự án  ngày 29/6/2020, vượt 06 tháng so với tiến độ được giao. Dự án đưa vào vận hành góp phần làm giảm tổn thất công suất cực đại lưới điện khu vực; nâng cao, cải thiện điện áp lưới điện 110kV; thu gom nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực để truyền tải lên lưới điện Quốc gia, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện Quốc gia. Đặc biệt dự án đã thu gom lượng công suất nguồn năng lượng tái tạo phát lên lưới điện truyền tải khoảng 500MVA, bình quân các chủ đầu tư nguồn bán điện cho EVN ước khoảng 5 tỷ đồng/1 ngày. 
 
Với TBA 500kV Chơn Thành và đấu nối (MBA AT1 500kV-900MVA và AT3 220kV-250MVA) chào mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 nhằm tăng cường cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải phát triển khu vực các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và lân cận. Tăng cường liên kết, nâng cao độ ổn định, độ tin cập của hệ thống lưới điện truyền tải khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời, giảm tổn thất điện năng, giảm tải một số đường dây và máy biến áp 220 kV hiện có trong khu vực.
 
PV: Nhiệm vụ của CPMB trong việc triển khai các công trình lưới điện trong năm 2020 như thế nào, và tiến độ thực tế qua 9 tháng của năm ra sao?
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Năm 2020, CPMB được EVNNPT giao nhiệm vụ khởi công 12 dự án. Trong 09 tháng đầu năm CPMB đã thực hiện khởi công 07/12 dự án. Cụ thể: Lắp MBA 220kV thứ 2 TBA 220kV Sông Tranh 2 (khởi công ngày 13/5/2020), Lắp máy 2 TBA 220 kV Quang Châu (khởi công ngày 22/5/2020), Ngăn lộ 110kV xuất tuyến ĐZ 110kV Ninh Phước-Tuy Phong-Phan Rí tại TBA 220kV Ninh Phước (khởi công ngày 22/5/2020), TBA 500kV-900MVA Nghi Sơn (khởi công ngày 26/6/2020), Lắp máy 2 Trạm biến áp 500 kV Việt Trì (khởi công ngày 26/6/2020), Lắp máy 2 TBA 220kV Phù Mỹ (khởi công ngày 29/8/2020), TBA 220kV Duy Xuyên (dự kiến khởi công ngày 25/9/2020). Dự kiến từ nay đến cuối năm CPMB sẽ khởi công 05 dự án. Như vậy trong năm 2020 sẽ khởi công 12/12 dự án.
 
Về công tác đóng điện CPMB được EVNNPT giao từ đầu năm là 28 dự án. Đến nay CPMB đã thực hiện đóng điện 08/28 dự án. Dự kiến từ nay đến cuối năm đóng điện 15 dự án. Như vậy năm 2020 sẽ đóng điện điện 23/28 dự án, các dự án còn lại chuyển sang đóng điện đầu năm 2021.
 
Trong đó, TBA 500kV Nghi Sơn được khởi công ngày 29/6 và đóng điện ngày 28/9, sau 3 tháng thi công cũng là kỷ lục về tiến độ và dự án cũng thi công trong đợt diện ra dịch Covid 19 đợt 2, dự án đưa vào vận hành nhằm đảm bảo điện năng thử nghiệm cũng như nhận điện từ NMĐ Nghi Sơn 2.
 

Kiểm tra vận hành trạm biến áp 220kV Tháp Chàm - trạm mới được EVNNPT nâng công suất để giải toả công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hà.
 
PV: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới tiến độ giải ngân vốn các công trình /dự án đầu tư công, trong đó nhấn mạnh vao trò của các địa phương trong công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Điều này tạo thuận lợi như thế nào trong việc triển khai các dự án của CPMB?
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, từ đó khối lượng hoàn thành tăng, công tác nghiệm thu giải ngân tăng…quá trình giải ngân vốn đầu tư sẽ thực hiện hiệu quả hơn. Thực tế đến thời điểm hiện nay CPMB đã giải ngân được gần 75% vốn theo KH 2020, dự kiến hết năm 2020 đạt 109% KH.
 
PV: Riêng đối với công trình đường dây 500kV mạch 3 - tiến độ thực tế của công trình trọng điểm này tính cho đến thời điểm hiện nay ra sao, thưa ông? 
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Quá trình triển khai, dự án đã và đang gặp nhiều khó khăn trong đó phải kể đến là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thi công thực tế bị chậm, chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Ngoài ra dịch bệnh Covid - 19 bùng phát đợt 1&2 với diễn biến phức tạp và khó lường, các địa phương phải tập trung chống dịch, cán bộ của CPMB, các đơn vị thi công cũng phải khai báo và cách ly tại địa phương, nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bị chậm trễ. 
 
Về tiến độ cung cấp VTTB và thi công, CPMB đã yêu cầu các nhà thầu cung cấp vật tư đảm bảo đúng tiến độ giao hàng để các nhà thầu thi công tập trung phương tiện, bổ sung nhân lực để vận chuyển cột vào công trường. Tuy nhiên việc các nhà thầu tập trung nhân lực đồng thời nhiều dự án khác nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ dựng cột. Đặc biệt, dịch Covid - 19 bùng phát, các địa phương yêu cầu khai báo và thực hiện giãn cách, nên cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. 
 
Theo tính toán của CPMB thời gian ảnh hưởng trong công tác thi công bị chậm khoảng 3 tháng (từ tháng 2 đến cuối tháng 4/2020), dịch Covid - 19 thứ 2 (tháng 7-8/2020) sẽ làm chậm thêm khoảng 2 tháng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các gói thầu cung cấp vật tư thiết bị bị chậm khoảng 3 tháng, riêng gói thầu tụ bù khả năng chậm dài hơn.
 

Ảnh: Ngọc Hà.
 
PV: Vậy đâu là khó khăn lớn nhất - còn lại của tuyến đường dây huyết mạch 500kV quan trọng này? 
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Theo CPMB khó khăn lớn nhất của tuyến đường dây 500kV huyết mạch quan trọng này trong quá trình triển khai là những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thi công thực tế bị chậm, chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. 
 
Cụ thể: Trên địa bàn phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) còn 03 VT móng chưa kiểm đếm mặc dù UBND phường Kỳ Thịnh đã tổ chức vận động nhiều lần nhưng các chủ hộ vẫn không đồng ý, yêu cầu phải kê kiểm đền bù cả phần đất ruộng bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến (HLT). Các hộ dân tại 08 VT (63-70) thuộc Tổ dân phố Tây Yên và Yên Thịnh, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xây dựng mới nhà ở, công trình trên diện tích đất thu hồi làm móng trụ và trong phạm vi an toàn hành lang lưới điện đều là đất màu nhưng tất cả các hộ đều khẳng định đất ở, tự chia làm 2, 3 lô đất trên cùng một thửa để cho các con (đã làm phần móng nhà hoặc chưa làm, không có giấy tờ hợp pháp). Mục đích của các hộ chia đất cho các con để sau này sẽ yêu cầu cấp đất tái định cư và hưởng mọi chế độ hỗ trợ khác. 
 
Công tác xác định nguồn gốc đất tại các địa phương hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do chồng lấn đất lâm trường, đất UBND xã, các hộ dân với nhau, diện tích đất được giao vượt hạn mức quy định nên đến nay mặc dù đã vận động bàn giao nhiều vị trí móng nhưng phê duyệt PABT thấp, đặc biệt khu vực tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
 
Tại TBA 500kV Dốc Sỏi, hiện nay UBND huyện Bình Sơn, xã Bình Nguyên (Quảng Ngãi) không tiếp tục bảo vệ thi công đường vào TBA mà yêu cầu đơn vị thi công thuê lực lượng bên ngoài (hoặc tự bảo vệ), thực tế việc này rất khó thực hiện được khi các hộ dân vẫn cố tình ngăn cản, chống đối rất quyết liệt. 
 
Thủ tục chuyển đổi đất rừng hiện nay tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi chưa được phê duyệt do các đơn vị và người dân yêu cầu bồi thường rừng và thu hồi đất với giá cao hơn nhiều lần so với quy định.
 
Bên cạnh đó, sau khi hết ảnh hưởng dịch Covid - 19 (đợt 1) các địa phương tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp nên ảnh hưởng đến công tác phối hợp thực hiện công việc. Mặt khác công tác phối hợp của địa phương tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế còn hạn chế do cùng lúc địa phương phải thực hiện công tác GPMB cho cả dự án đường cao tốc Bắc – Nam…
 
PV: Kế hoạch tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án ra sao, thưa ông? 
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Do những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cộng thêm sự ảnh hưởng từ dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội nên dự án ĐZ 500kV mạch 3 bị chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra. CPMB đang tích cực bám sát công trường làm việc với các địa phương cũng như yêu cầu các nhà thầu thi công và huy động tối đa mọi nguồn lực để sớm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.
 
PV: Như vậy chắc chắn phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để hóa thể hoàn thành tiến độ toàn bộ dự án thưa ông ? 
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Về Kế hoạch triển khai còn lại của dự án, CPMB đang tập trung cùng với địa phương để bàn giao mặt bằng dứt điểm: (i) Phần móng: Tháng 9-10/2020; (ii) Phần hành lang tuyến: Tháng 9-11/2020. Đồng thời, đôn đốc đơn vị thi công tổ chức thi công đồng loạt các khối lượng còn lại với mục tiêu: (i) Phần móng: Hoàn thành tháng 9, 10/2020; (ii) Dựng cột: Tháng 10, 11/2020; (iii) Kéo dây: Tháng 11, 12/2020; (iv) Nghiệm thu đóng điện: Tháng 12/2020.
 
Hiện nay chuẩn bị bước vào mùa mưa năm 2020, CPMB đề nghị các nhà thầu thi công tăng cường nhân lực và thiết bị thi công trên công trường theo đúng cam kết, tổ chức thi công ngay khi có mặt bằng, đồng thời tranh thủ thời tiết thuận lợi và có giải pháp thi công hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhà thầu chủ động làm việc với địa phương và phối hợp chặt chẽ với CPMB để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về bồi thường phục vụ thi công, không làm chậm tiến độ dự án. Ngoài ra, các nhà thầu thi công xây lắp bố trí đủ lực lượng, máy móc trên công trường để kiểm tra và giám sát công tác an toàn, đảm bảo chất lượng trong quá trình thi công xây dựng. 
 
Bên cạnh những giải pháp mà CPMB đang tích cực triển khai, để hoàn thành tiến độ dự án ĐZ 500kV mạch 3 vào cuối năm 2020 cần thiết phải có sự quyết liệt trong giai đoạn nước rút của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp; sự hỗ trợ của cơ quan thông tin, truyền thông; sự nỗ lực của toàn thể các lực lượng tham gia trên công trường, mà đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân có dự án đi qua trong quá trình thi công kéo rãi căng dây thì mới đảm bảo được tiến độ dự án.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Nguyên Long