Các kỹ sư Thủy điện Đại Ninh đang vận hành các tổ phát điện tại Nhà máy nằm dưới chân đèo Đại Ninh.
Vừa phát điện vừa cấp nước cho vùng khô hạn
Nằm phía dưới Thủy điện Đa Nhim, trong hệ thống thủy điện bậc thang của dòng Đồng Nai, Thủy điện Đại Ninh thuộc địa bàn xã Ninh Gia, Đức Trọng, được khởi công xây dựng từ tháng 5/2003. Đến cuối năm 2007 đầu năm 2008, Thủy điện Đại Ninh đi vào hoạt động với nhiệm vụ phát điện đưa vào hệ thống lưới điện quốc gia đồng thời chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai sang lưu vực Sông Lũy để cấp nước cho một vùng khô hạn rộng lớn của tỉnh Bình Thuận dưới chân đèo Đại Ninh.
Sau khi Thủy điện Đại Ninh đi vào vận hành, Công ty Thủy điện Đại Ninh được thành lập trong tháng 7/2008 và là thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trụ sở chính của Công ty đặt tại xã Ninh Gia, Đức Trọng; làm việc tại đây hiện có 112 cán bộ, công nhân viên.
Theo thiết kế, Thủy điện Đại Ninh là dự án thủy điện có cột nước cao đến 627 m, trong đó cột nước cao nhất là 670 m, cột nước thấp cũng 603 m. Hồ chứa Thủy điện Đại Ninh được hình thành bởi 2 đập chính gồm đập Đa Nhim và đập Đa Queyon, có 4 đập phụ, một đập tràn vận hành, một đập tràn sự cố và một kênh nối thông giữa hai hồ chứa Đa Nhim và hồ chứa Đa Queyon. Tổng dung tích hồ chứa của Thủy điện Đại Ninh theo thiết kế là 319,77 triệu m3. Nước từ hồ chứa sẽ được dẫn về nhà máy phát điện nằm dưới chân đèo Đại Ninh thuộc địa phận Bình Thuận thông qua một đường hầm áp lực dài 11,2 km đục xuyên qua lòng núi và một đường ống áp lực bằng thép dài 1,818 km; lưu lượng nước thiết kế qua nhà máy là 55,4 m3/giây.
Phát điện cho nhà máy có 2 tổ máy, tổ máy thứ nhất (H2) đưa vào vận hành vào ngày 17/1/2008; tổ máy thứ hai (H1) đưa vào vận hành vào ngày 31/3/2008; mỗi tổ máy có công suất 150MW, tổng công suất 2 tổ máy 300 MW; sản lượng điện bình quân hàng năm theo thiết kế là 928 triệu kWh.
Chỉ tính trong năm 2023 vừa qua, Thủy điện Đại Ninh đã sản xuất được 1.043,7 triệu kWh, đạt 112,5% so với sản lượng điện thiết kế (928 triệu kWh), đồng thời cung cấp 668,5 triệu m3 nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân tỉnh Bình Thuận.
Chính dòng sông nhân tạo chạy xuyên qua lòng núi này, với lượng nước chảy qua như trên, đã cấp nước cho gần 30 nghìn ha đất nông nghiệp trong một vùng rộng lớn của huyện Bắc Bình và huyện Hàm Thuận Bắc của tỉnh Bình Thuận; góp phần phủ xanh, mang đến sự thay đổi đầy tích cực trong những năm gần đây cho một vùng đất nghèo, khô hạn với lượng mưa rất thấp hằng năm nơi đây.
Phát huy sáng kiến
Theo kỹ sư Tô Văn Trọng - Phó Phòng Kế hoạch và Vật tư, Công ty Thủy điện Đại Ninh; kể từ khi thành lập Công ty đến nay, phong trào thi đua yêu nước; sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải cách hành chính; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới luôn được đơn vị chú trọng quan tâm; các phong trào này đã mang hiệu quả nhiều mặt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2023, Công ty đã có tổng cộng 52 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 32 ý tưởng cải cách hành chính được triển khai áp dụng, được các cấp có thẩm quyền công nhận và khen thưởng.
Trong số sáng kiến, ý tưởng trên, theo ông Trọng, đã có những sáng kiến tiêu biểu mang lại lợi ích lớn, thiết thực cho Công ty như “Thiết kế, thi công Hệ thống giám sát từ xa, đập tràn, cửa nhận nước”, từng đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng và giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2016. Hay sáng kiến “Thử nghiệm, hiệu chỉnh bộ thông số PID để tối ưu hoạt động của hệ thống điều tốc Nhà máy Thủy điện Đại Ninh”, đạt sáng kiến cấp EVN, năm 2023. Hay sáng kiến “Thiết kế, thi công hoàn thiện hệ thống giám sát từ xa thiết bị Nhà máy Thủy điện Đại Ninh” từng đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ X năm 2022-2023. Và gần đây nhất có sáng kiến “Cải tạo mạch dầu điều khiển Cần gạt, Van cầu để tránh sự cố dừng máy do hỏng cuộn dây Solenoid” đã đạt “Sáng kiến cấp Tổng Công ty năm 2023”.
Như ông Trọng cho biết, các giải pháp, sáng kiến này đã giúp khắc phục được những khiếm khuyết, bảo đảm dây chuyền sản xuất điện luôn hoạt động ổn định, an toàn, tin cậy, cải thiện điều kiện làm việc. Tiêu biểu là việc Công ty đã có sáng kiến tự thiết kế, thi công hệ thống giám sát từ xa cho hầu hết hệ thống thiết bị của nhà máy mà dự án xây dựng ban đầu chưa có; giúp cảnh báo sớm tình trạng bất thường trên dây chuyền sản xuất, đồng thời cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết cho công tác quản lý vận hành. Đến thời điểm này, các thiết bị công trình quan trọng của Công ty đều được giám sát từ xa liên tục 24/7 tại Phòng Vận hành trung tâm nhà máy.
“Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật đã làm cho hệ thống quản lý, hệ thống thiết bị của Công ty ngày càng hoàn thiện, giúp Công ty khai thác tối ưu các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật do EVN, Tổng Công ty giao” - ông Trọng cho biết.
Thông qua phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ trên, Thủy điện Đại Ninh đến nay đã đào tạo được một lực lượng cán bộ kỹ thuật có khả năng làm chủ thiết bị công nghệ, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ triển khai các ứng dụng khoa học kỹ thuật khi được giao nhiệm vụ.
Trong năm 2018, kỹ sư Tô Văn Trọng đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo, tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III. Trong năm 2023 vừa qua, Công ty có 4 kỹ sư được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, gồm kỹ sư Nguyễn Đăng Tuấn, kỹ sư Nguyễn Chín, kỹ sư Tô Văn Trọng và kỹ sư Nguyễn Thanh Phong. Riêng kỹ sư Ngô Đăng Tiệp của Công ty được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIV.
Theo ông Trọng, để phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại đơn vị mang lại những thành công nhất định, đó là nhờ vào việc Công ty luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, đầu tư kinh phí, tổ chức triển khai áp dụng và đánh giá đúng hiệu quả mang lại của từng giải pháp. Công ty cũng thực hiện tốt công tác đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công nhân viên có trình độ chuyên môn cao, làm chủ được thiết bị công nghệ, sẵn sàng thực hiện tốt các giải pháp khi có yêu cầu. Công ty trong nhiều năm nay cũng luôn khuyến khích mọi người trong Công ty đề xuất ý tưởng cải tiến, xây dựng được một tập thể vững mạnh, đoàn kết, sáng tạo thông qua các phong trào thi đua yêu nước.
Với thành tích đã đạt được trong những năm qua, Công ty Thủy điện Đại Ninh đã nhận được Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2020, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2012, 2019 và nhiều Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua của cấp bộ, Ủy ban quản lý vốn, UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong những năm gần đây.
Link gốc