Đề xuất tiếp tục mua điện mặt trời áp mái

Thứ sáu, 27/12/2019 | 13:27 GMT+7
EVN muốn được đấu nối, mua điện từ các dự án điện mặt trời áp mái để thúc đẩy loại năng lượng này. 

Công nhân lắp tấm pin mặt trời cho một dự án điện mặt trời áp mái tại TP HCM. Ảnh: SPC
 
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị cho phép tiếp tục nhận, giải quyết yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái. Theo đó, ngành điện tiếp tục xác nhận chỉ số công tơ, sản lượng điện nhưng chưa thanh toán tiền điện cho nhà đầu tư, người dân cho tới khi cơ quan thẩm quyền có hướng dẫn chính thức và cơ chế giá mới cho loại năng lượng này. 
 
Đề xuất này được đưa ra sau yêu cầu dừng đề xuất đấu nối các dự án điện mặt trời của Bộ Công Thương đưa ra giữa tháng 12.
 
Trả lời VnExpress, một lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định quan điểm cơ quan này khuyến khích phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì thế kiến nghị liên quan tới khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái hợp lý, sẽ được cơ quan này xem xét. 
 
Khác với dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái được tận dụng lắp đặt trên mái nhà công xưởng, hộ gia đình... nên chi phí giảm hơn. Chưa kể giá thiết bị lắp đặt điện mặt trời áp mái giảm đáng kể so với trước. Hiện chi phí cho truyền tải, phân phối chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành điện. Với ưu điểm sản xuất, sử dụng tại chỗ, điện mặt trời áp mái sẽ giảm bớt được phí truyền tải, tăng hiệu suất sử dụng.
 
Sau hơn hai năm khuyến khích phát triển, công suất điện mặt trời áp mái mới đạt 350 MW. Việc tiếp tục cho phép đấu nối, mua điện từ các dự án này, theo đại diện EVN, sẽ tạo điều kiện phát triển loại năng lượng này, giúp chủ đầu tư bán điện cho EVN trong thời gian chờ Chính phủ ban hành quyết định cơ chế giá sau ngày 30/6.
 
Trong bản dự thảo mới nhất trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất mức giá 8,38 cent một kWh cho điện mặt trời áp mái sau ngày 30/6. Góp ý sau đó, EVN đề nghị giữ nguyên mức giá 9,35 cent/kWh áp dụng với các dự án năng lượng này hết năm 2020. Tập đoàn này kỳ vọng đạt 2.000 MW điện mặt trời áp mái đến hết 2020, tức gần một nửa công suất điện mặt trời hiện tại.
Theo: VnExpress