Hệ thống điện mặt trời áp mái nhà của một khách sạn trên địa bàn thành phố Huế.
Mặc dù số lượng khách hàng lắp đặt chưa nhiều nhưng hiệu quả mang lại từ nguồn năng lượng sạch này thấy rõ.
Ông Nguyễn Xuân Tịnh – Giám đốc Công ty cổ phần Da giày Huế (KCN Hương Sơ – TP.Huế) cho biết, là doanh nghiệp chuyên may hàng xuất khẩu sang Mỹ và các nước Châu Âu nên việc giảm khí thải là mục đích mà công ty chúng tôi đặt ra và theo yêu cầu của đối tác. “Công ty chúng tôi có khoảng 450 công nhân, trước đây mỗi tháng tiền điện chúng tôi phải trả là 65 triệu đồng, sau khi lắp hệ thống ĐMTAMN thì tiền điện giảm xuống khoảng 35-38 triệu/tháng. Nếu thời tiết thuận lợi, nắng nhiều thì tiền điện chúng tôi trả thấp hơn nữa”, ông Tịnh cho biết thêm.
Là đơn vị vừa kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, vừa mở bán cà phê, sau khi tham khảo, nghiên cứu về hiệu quả ĐMTAMN, hộ kinh doanh Homstay - cà phê Soleil (Lý Thường Kiệt,TP Huế) đã đầu tư hệ thống điện mặt trời có công suất 5kWp. Chị Vũ Thị Ngọc Huyền – quản lý Soleil cho biết, hệ thống ĐMTAMN giúp chủ động được nguồn điện trong kinh doanh, đồng thời lượng điện thừa được chuyển thẳng lên lưới để bán lại cho ngành điện. “Hệ thống điện mặt trời áp mái nhà giúp chúng tôi giảm rất nhiều chi phí, chống nóng cho ngôi nhà và bảo vệ môi trường. Theo tính toán thì thời gian thu hồi vốn chỉ là 5 năm, nếu như trước kia chúng tôi chi trả 10 triệu tiền điện/tháng thì nay chúng tôi chỉ trả khoảng 7 triệu/tháng và lượng điện năng sản xuất du ra sẽ bán lại cho ngành điện”, chị Huyên chia sẻ.
Một trong những người lắp đặt ĐMTAMN đầu tiên tại thành phố Huế, anh Đặng Thanh Sơn cho biết, gia đình tôi đã lắp đặt điện mặt trời với công suất gần 10kWp, trong quá trình sử dụng có nhiều thuận lợi... “Lúc trước nhà tôi sử dụng khoảng 8 triệu đồng tiền điện/tháng, từ khi lắp đặt hệ thống ĐMTAMN, số tiền điện hàng tháng giảm xuống còn khoảng 30- 50%. Thời tiết ở Huế trước đây mưa nhiều nhưng bây giờ thì nắng tốt và kéo dài, vì thế việc đầu tư điện mặt trời là rất hợp lý. Phần điện dư thừa có thể bán được nên giúp việc thu hồi vốn sẽ nhanh hơn...”, anh Sơn cho hay.
Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho rằng so với các địa phương khác thì việc lắp đặt hệ thống ĐMTAMN ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa cao, chưa đồng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa. “Sở Công Thương phối hợp với PC Thừa Thiên Huế đẩy mạnh hoạt động này, ngoài việc khuyến khách lắp đặt ở thành phố, khu dân cư thì nên tuyên truyền cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, bởi nơi đây có mặt bằng diện tích lớn, việc sản xuất và tiêu thụ điện ngày càng nhiều, một mặt để giảm chi phí cho doanh nghiệp, mặt khác khai thác tốt diện tích mái nhà xưởng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Mang lại nhiều hiệu quả nên ngày càng có nhiều người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Sử dụng hệ thống điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng, nhất là giá điện ở những khoảng thời gian cao điểm trong ngày vốn có giá điện cao hơn giờ bình thường. Tuy nhiên, điều khách hàng quan tâm nhất hiện nay là chưa có giá điện mặt trời áp dụng sau ngày 30/6/2019, đầu tư ban đầu cao, cũng như cách chia vùng áp giá nên khó tính toán cho việc đầu tư, lắp đặt mới.
PC Thừa Thiên Huế hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ về thủ tục mua bán điện và phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Ông Hồ Đăng Lộc – Phó Trưởng phòng kinh doanh (PC Thừa Thiên Huế) cho biết, hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khác hàng cũng như nhà đầu tư trong việc lắp điện hệ thống điện mặt trời, PC Thừa Thiên Huế thực hiện tất cả các hỗ trợ cho khách hàng liên quan đến thỏa thuận đấu nối, kiểm tra kỹ thuật, hợp đồng mua bán điện cũng như thanh toán chi phí hàng tháng.
Về các chính sách mua bán điện đối với các khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTAMN, ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay quyết định của chính phủ về cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực và chưa có văn bản hướng dẫn thay thế. Tuy vậy, từ ngày 1/7 đến nay PC Thừa Thiên Huế vẫn chủ động thỏa thuận đấu nối với khách hàng, lắp đặt công tơ đo đếm hai chiều và hàng tháng ghi nhận sản lượng điện của khách hàng phát lên lưới. Do chưa có hướng dẫn về giá mua bán điện nên chúng tôi vẫn chưa ký kết được các hợp đồng mua bán điện và cũng chưa thanh toán được cho khách hàng. “Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, tăng cường quảng bá các chính sách của chính phủ, các hỗ trợ của PC Thừa Thiên Huế về các lợi ích khi khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà nhận được đến từng hộ dân và các doanh nghiệp”, ông Phúc cho biết thêm.
Trong số các khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTAMN, thì tập trung chủ yếu ở TP. Huế (78 khách hàng), với tổng công suất lắp đặt 1.087kWp (trong đó có 5 hệ thống tại trụ sở các điện lực), tổng sản lượng đã phát lên lưới điện đạt 49.585kWh.PC Thừa Thiên Huế đã thanh toán hơn 61 triệu đồng tiền mua điện từ hệ thống ĐMTAMN của khách hàng.
Link gốc