Tin trong nước

Đêm trên công trường thủy điện Lai Châu

Thứ ba, 10/2/2015 | 09:13 GMT+7
23h đêm, tiếng máy móc công trình ầm ầm, lời nói của chỉ huy, tiếng cười nói của công nhân xóa tan không gian tĩnh lặng của núi rừng Tây Bắc. Hàng nghìn công nhân, kỹ sư không quản nắng mưa, quyết tâm đưa công trình thủy điện Lai Châu (xã Ngậm Hàng, Mường Tè, Lai Châu) cán đích vượt tiến độ.
 
Công nhân làm việc ca 3 tại công trường thủy điện Lai Châu.

Không quản nắng mưa
 
Anh Nguyễn Chiến Thắng (SN 1989, quê ở Hà Nội), kỹ sư Ban điều hành dự án thủy điện Lai Châu, cho biết, để công trình sớm hoàn thành, các đơn vị trong tổ hợp nhà thầu thực hiện làm ba ca liên tục. Đêm nay, anh Thắng nhận nhiệm vụ làm ca 3. Công việc hằng ngày của anh là kiểm tra tiến độ thi công công trình và giải quyết tranh chấp giữa các đơn vị xây dựng. Vừa giới thiệu về công trình, anh Thắng vừa kể chuyện về bản thân. Học xong Khoa kiến trúc công trình của Đại học Phương Đông, Thắng rời Hà Nội để tham gia những công trình ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
 
Thủy điện Lai Châu là công trình lớn đầu tiên Thắng tham gia. “Môi trường sống tại công trình thủy điện Lai Châu vô cùng khắc nghiệt. Giao thông đi lại khó khăn, nhiệt độ trong ngày chênh lệch có khi lên đến 10-15 độ C, gió lốc, mưa rừng dai dẳng cả tuần mới kết thúc… khiến tôi cũng như nhiều công nhân, kỹ sư khi bắt đầu đến với vùng đất này đã có ý định trở lại miền xuôi. Nhưng rồi làm việc ở đây, tôi càng thấy yêu mảnh đất con người nơi đây, muốn gắn bó và có thể đóng góp được sức trẻ của mình để xây dựng, phát triển”, anh Thắng nói.
 
Trời mưa phùn, đêm núi rừng Tây Bắc lạnh giá, chị Nguyễn Thị Thêm (41 tuổi, quê ở Hải Dương), công nhân Cty Sông Đà 5, vẫn thoăn thoắt bê những cây thép để hàn sắt. “Tôi và chồng cùng làm việc ở công trường này. 2 đứa con được gửi nhờ ông bà nội ở Thái Bình chăm sóc. Vợ chồng không kể nắng mưa đều cố gắng lao động hoàn thành tốt nhất công việc để có tiền gửi về cho gia đình nuôi con ăn học”, chị Thêm nói. Chị Thêm cho biết, ở công trường nam, nữ đều có khối lượng công việc như nhau. Theo sự phân công của đội trưởng, công nhân làm việc theo từng ca, giao ca ngay tại công trường.
 
Anh Nguyễn Xuân Đỉnh (31 tuổi, quê Thanh Hóa), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), đang lắp đặt các cấu kiện máy. Anh Đỉnh nói: “Đơn vị đang gấp rút làm ba ca liên tục, không quản nắng hay mưa, đêm hay ngày, anh em đều cố gắng để hoàn thành một cách tốt nhất phần việc của mình. Đẩy tiến độ công trình nhanh, để có thể phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm nay”.
 
Theo anh Đỉnh, những hôm mưa lớn, để nước mưa không tràn thấm vào vị trí làm việc, đơn vị phải dùng những chiếc bạt giăng lên, ống hút nước phía dưới hoạt động hết công suất. Khi nắng cháy da, các khối bê tông, sắt thép tỏa nhiệt ra nóng ran cả người.
 
Gần 2h sáng, trời lạnh hơn, một số công nhân bắt đầu giải lao và ăn ít đồ chuẩn bị sẵn, nạp thêm năng lượng để tiếp tục làm việc tới sáng. Bữa đêm của anh Lò Văn Xuân (32 tuổi, quê Điện Biên), công nhân Cty Sông Đà 7, là hai quả trứng vịt lộn và một hộp sữa. Anh Xuân cho biết: “Thường công nhân ở đây không tính lương theo ngày công mà tính theo sản phẩm. Đơn vị nào càng hoàn thành khối công việc lớn, vượt tiến độ thì lương công nhân càng cao, thưởng càng nhiều. Vậy nên, trong đội tôi, ai cũng cố gắng trong công việc. Ca 3 là ca đêm vất vả, nên mấy anh em trong đội chung nhau lại mua trứng, sữa đem lên công trường để lúc nào đói thì ăn còn có sức làm việc”.
 
Một góc công trường thủy điện Lai Châu về đêm.

Đón Tết ở công trường
 
Đó là những lời chia sẻ của nhiều công nhân làm ca 3 trên công trình thủy điện Lai Châu khi được hỏi về kế hoạch nghỉ Tết. Chị Phạm Thị Linh (37 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân Cty Sông Đà 7, làm việc ở các công trình thủy điện hơn 10 năm nay. Phút nghỉ ngơi giải lao giữa ca 3 ở công trường, người lấm lết bùn và xi măng, chị Linh tâm sự: “Tôi đã đón Tết nhiều lần ở các công trường thủy điện.
 
Đợt trước, khi làm công trường thủy điện Sơn La, tôi đã đón Tết 2 lần ngay tại công trường. Chuyển sang làm việc ở công trình thủy điện Lai Châu, xuân 2013, tôi cũng đã đón Tết ngay tại công trường này. Năm nay vì công việc của Cty đang còn nhiều, để đảm bảo tiến độ, nên tôi cùng nhiều anh chị em trong đơn vị xác định ở lại công trường đón Tết, chứ không về quê”, chị Linh nói.
 
Như chị Linh, anh Hoàng Trung Đức (31 tuổi, quê Nghệ An), công nhân Cty Xây dựng Sông Đà 5, cùng vợ không về quê ăn Tết mà ở lại công trường. “Ngày Tết ai chẳng mong sum vầy cùng gia đình. Nhưng để công trình hoàn thành đúng tiến độ, cả vợ chồng tôi đều ở lại công trường.
 
Trong những ngày Tết, chúng tôi vẫn làm việc, kể cả đêm giao thừa”, anh Đức chia sẻ. Anh Nguyễn Quang Đại ngồi cạnh anh Đức ngắt lời: “Tết thì ai cũng muốn về, nhưng vẫn phải có người ở lại để đảm bảo công việc, nên anh em tôi cũng lựa việc mà nhường nhau cho người nào bận gia đình thì về trước, số còn lại đợi về nghỉ sau Tết vậy. Thôi đợi ra Giêng về ăn rằm bù lại”, anh Đại cười tươi.
 
Kỹ sư Phạm Văn Hải, Ban Điều hành dự án thủy điện Lai Châu, cho biết, những ngày giáp Tết, công trường vẫn duy trì thường xuyên hơn 6.500 lao động. Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, khoảng 2.000 người lao động sẽ ở lại bám công trường.
 
Kế hoạch ở lại đón Tết đã được Ban quản lý, Ban Điều hành tổng thầu thủy điện Lai Châu đưa ra. Theo đó, những người phải ở lại làm việc và đón Tết trên công trường vẫn có bánh chưng, vẫn có hoa đào, rượu cần… vui đón xuân. “Mùa xuân với những người lao động nơi công trường còn là nhiệm vụ. Dự kiến đóng cống tích nước hồ chứa vào tháng 6/2015. Do tiến độ được duy trì và đẩy nhanh, tổ máy số 1 của thủy điện Lai Châu dự kiến phát điện vào tháng 12/2015, sớm 3 tháng và hoàn thành công trình vào năm 2016, vượt tiến độ cũ 1 năm”, anh Hải nói.

Sẽ làm lợi cho Nhà nước 5.000 tỷ đồng
 
Dự án thủy điện Lai Châu là dự án thủy điện lớn thứ 3 của Việt Nam thuộc bậc thang trên cùng sông Đà với hồ chứa có dung tích 1,2 tỷ m3 nước, công suất lắp máy 1.200MW. Theo đại diện các chủ đầu tư dự án, công tác đào hố móng đã hoàn thành; đổ bê tông CVC đạt 88%; đổ bê tông đầm lăn RCC đạt 79%; khoan phụt gia cố và chống thấm đạt 68% và lắp đặt thiết bị đạt 33%. Nếu duy trì tiến độ hiện nay, sẽ rút ngắn được thời gian thi công theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, về đích sớm khoảng 1 năm và làm lợi cho Nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng. 
 
Theo: Tiền Phong