Quản lý năng lượng

Đến năm 2023, giảm khoảng 34,8% phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp

Thứ năm, 3/10/2024 | 08:37 GMT+7
Đó là một trong những mục tiêu của Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, vừa được Bộ Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số 2600/QĐ-BCT, ngày 30/9/2024. 

Kế hoạch hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cụ thể, đến năm 2025, bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 8,2% phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 36,2 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp.

Khi có hỗ trợ của quốc tế, giảm ít nhất 36,4% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 160,5 triệu tấn CO2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp.

Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 9,0% phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường, tương ứng 55,5 triệu tấn CO2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp. Khi có hỗ trợ quốc tế giảm khoảng 34,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 213,7 triệu tấn CO2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp.

Kế hoạch cũng đưa ra các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cụ thể, nhóm biện pháp đối với sản xuất công nghiệp gồm thu hồi năng lượng từ nhiệt thải, tối ưu hóa quá trình đốt, sử dụng các thiết bị hiệu suất cao như lò hơi, lò nung, đèn chiếu sáng, máy nén khí, động cơ điện, hệ thống bơm, lắp đặt biến tần cho dây chuyền sản xuất, triển khai hệ thống quản lý năng lượng.

Đối với khu vực gia dụng, thương mại dịch vụ, sử dụng các trang thiết bị điện hiệu suất cao như điều hòa nhiệt độ, thiết bị làm lạnh, sử dụng đèn thắp sáng tiết kiệm điện, áp dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sạch hơn cho đun nấu.

Đối với khu vực công nghiệp năng lượng, phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo như hệ thống điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió trên bờ và gần bờ, điện gió ngoài khơi, thủy điện, điện sinh khối, điện rác; phát triển tua-bin khí hỗn hợp sử dụng khí tự nhiên trong nước, phát triển tua-bin khí hỗn hơn sử dụng khí hóa lỏng, phát triển công nghệ nhiệt điện siêu tới hạn và trên siêu tới hạn.

Đối với quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm, áp dụng công nghệ tốt nhất để giảm phát thải trong quá trình sản xuất các ngành, lĩnh vực như sản xuất hóa chất, thép, sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu…

Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp được ưu tiên triển khai tới năm 2030 gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; thưc hiện các hoạt động, biện pháp kỹ thuật và quản lý giảm phát thải nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp; nghiên cứu ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức; tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực…

Minh Tuấn