Công nhân EVNSPC lắp đặt công tơ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Thu thập số liệu từ công tơ điện tử - Nhu cầu mang tính thời đại
Nhiều công nghệ truyền dữ liệu đã được sử dụng, như PLC (thông qua chính đường dây truyền tải điện), Wifi, Zigbe, GPRS/3G. Tại Việt Nam, cùng với chủ trương của Chính phủ thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, giải pháp thu thập số liệu từ xa đang ngày càng được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu như trước kia các đơn vị Điện lực phải chi phí cho nhân viên chốt chỉ số một lần trong tháng bằng phương pháp thủ công hoặc bán thủ công thông qua thiết bị cầm tay (HHU-handheld Unit), thì nay, công việc này hoàn toàn tự động và được lập trình điều khiển từ trung tâm. Không những thế, hàng loạt các dữ liệu quan trọng lưu trong công tơ điện tử được thu thập và truyền về thông qua dịch vụ data GPRS của nhà mạng viễn thông.
EVN SPC – Điểm sáng tự động hóa thu thập dữ liệu công tơ điện tử
Để theo kịp những bước tiến công nghệ mới, từ năm 2013, Tổng công ty Điện lực miền nam (EVN SPC) đã chủ động tổ chức triển khai mô hình AMR trên khắp các tỉnh thành phố trực thuộc. Hệ thống AMR bao gồm các modem GPRS lắp tại các điểm đo (công tơ điện tử) có chức năng truyền số liệu thu thập theo chu kỳ 30 phút/lần và được xử lý, tổ chức, lưu giữ tại các server nằm ở Trung tâm điều hành tại EVN SPC.
Cho đến thời điểm hiện nay EVN SPC đã lắp đặt gần 41 nghìn điểm đo và đang tiếp tục triển khai để hoàn thành lắp đặt trên 50 nghìn điểm đo tại tất cả các Công ty điện lực. Hàng ngày sẽ có hơn 2 triệu bản ghi được lưu trữ, bao gồm số liệu quan trọng như thông số vận hành, sản lượng điện tiêu thụ và nhiều số liệu khác phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh điện, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tự động hóa việc thu thập, xử lý số liệu quy mô lớn mà hình thức ghi chỉ số thủ công không thể giải quyết được.
Bên cạnh đó, hệ thống AMR đang triển khai tại EVN SPC còn có thể xử lý và phân tích số liệu nhu nhận được, hỗ trợ cán bộ vận hành trong việc nhận biết cảnh báo, xuất báo cáo, hỗ trợ ra quyết định thông qua phần mềm ứng dụng chuyên biệt AMISS hoặc MDAS. Các phần mềm này đem đến cho người sử dụng cách nhìn hoàn toàn khác về công tác điều hành, quản lý phân phối điện. Nếu trước kia chỉ những chỉ số chốt là được ghi chép, lưu lại định kỳ vài lần hàng tháng, thì nay không chỉ có vậy, tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động của công tơ, quá trình cung cấp điện năng được gửi về trung tâm, có thể liệt kê gồm: Các thông số vận hành, sản lượng, chỉ số chốt, biểu đồ phụ tải; các thông tin sự kiện công tơ.
Các thông tin này được lưu giữ và có khả năng truy xuất theo lịch sử để đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp trong một giai đoạn. Ngoài ra người sử dụng có thể thiết lập các ngưỡng cảnh báo cho các thông số dòng điện, điện áp, tần số, góc lệch pha v.v để kịp thời xử lý, khắc phục sự cố.
Ở mức độ cao hơn, Chương trình đo ghi từ xa (AMISS và MDAS) còn thống kê, đưa ra “thói quen sử dụng của khách hàng” để đưa ra cảnh báo “sự kiện bất thường” về dòng, áp, sản lượng, mức chi phí v.v. . . trong quá trình kinh doanh điện (đối với đơn vị điện lực) và sử dụng điện (đối với khách hàng tiêu thụ). Điều này giúp dự đoán sớm sự cố và giảm thiêu rủi ro thất thoát điện năng.
Chương trình đo ghi từ xa được coi như một “trợ lý đắc lực”, giúp đơn vị quản lý theo dõi nhóm khách hàng có cùng đặc điểm (như cùng trạm – xuất tuyến, cùng mức tiêu thụ, cùng ngành nghề v.v) từ đó “ngoại suy” các sự cố mất điện, tính toán cây tổn thất, cũng như thói quen tiêu dùng của khách hàng v.v. Tổng công ty luôn theo dõi hàng ngày hệ thống AMR và có thể nhận định với việc đẩy mạnh triển khai lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu tư xa áp dụng cho các trạm công cộng, trạm ranh giới và khách hàng lớn 3 pha 3 biểu giá, EVN SPC là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng thành công công nghệ cao vào công tác quản lý, điều hành hệ thống đo đếm năng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng tiêu dùng.
Tương lai AMR tại EVN SPC
Thực tế triển khai hệ thống đo xa công tơ điện tử tại EVN SPC cho thấy một bước chuyển mình nhanh chóng và cơ bản cho toàn bộ cách tiếp cận công tác quản lý, vận hành hệ thống điện. Từ việc chuyển đổi môi hình thủ công sang bán tự động và tự động trong công tác thu thập số liệu, đến việc xử lý, phân tích các dữ liệu có được, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, chăm sóc khách hàng là cả một bước dài về ứng dung công nghệ mới của Ngành Điện.
Hệ thống AMR không chỉ triển khai trong toàn bộ công tơ 3 pha, mà còn áp dụng đối với công tơ 1 pha thông qua các bộ thu thập số liệu tập trung để truyền về trung tâm xử lý, hiện tại EVNSPC đã triển khai thu thập dữ liệu từ xa hơn 01 triệu công tơ thuộc hệ thống đo đếm điện năng sau công tơ tổng trạm công cộng theo công nghệ PLC. Các cấp quản lý đã có một cái nhìn tổng thể hơn trên toàn mạng lưới. Triển khai hoàn thiện hệ thống AMR, hệ thống khi đó sẽ lưu giữ không chỉ các dữ liệu khách hàng, công tơ mà còn lưu giữ bản đồ số, hiển thị tình trạng cung cấp điện trực quan. Khi đó việc tính toán tổn thất điện, sự cố mất điện tại trạm – xuất tuyến sẽ được theo dõi theo nhóm khách hàng hoặc toàn bộ khách hàng trên bản đồ số. Đó sẽ là cơ sở cho việc xây dựng hệ thống quản lý tập trung của Tổng công ty.
Với những bước đi đúng đắn, sự chọn lựa hợp lý về đối tác và công nghệ, EVN SPC đang là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới, tối ưu hóa nguồn lực trong kinh doanh điện năng.