Hệ thống lưới điện đã được cải tạo khang trang sau khi được ngành điện tiếp nhận.
Trong đó đã nỗ lực kéo điện về các xã ven biển, vùng nuôi hải sản, tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển.
“Đòn bẩy” phát triển kinh tế biển
Trước đây, tàu thuyền vào cảng neo trú Mỹ Á (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) chủ yếu neo đậu, tránh trú bão. Còn bây giờ, tại cảng cá này đã mọc lên nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá như: thu mua hải sản, cơ sở đóng mới sửa chữa tàu thuyền, cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất đá lạnh... Có được những cơ sở này là nhờ ngành Điện đã đầu tư kéo điện đến tận khu vực cảng. Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang cho biết, do trước đây nguồn điện còn yếu, không ổn định nên khó có thể đầu tư phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau khi Công ty Điện lực Quảng Ngãi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn do Công ty cổ phần điện Đức Phổ bàn giao, lưới điện được cải thiện, Hợp tác xã khai thác xa bờ - dịch vụ hậu cần nghề cá Phổ Quang đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp thành Cơ sở đóng mới sửa chữa tàu thuyền; mở cửa hàng xăng dầu; trạm thu mua hải sản cho ngư dân. Nhờ đó, tàu thuyền của địa phương về cập cảng Mỹ Á để tiêu thụ hải sản nhiều hơn và chuẩn bị cho những phiên biển mới không cần đi xa như trước đây. “Bây giờ có nguồn điện ổn định rồi, một số người ở địa phương cũng đầu tư các cơ sở sản xuất đá lạnh. Điện đã đưa kinh tế biển ở đây phát triển” - ông Cường khẳng định như vậy.
Huyện Đức Phổ có 5 xã ven biển. Ngoài việc huyện có đội tàu cá hùng mạnh vào hàng nhất nhì của tỉnh Quảng Ngãi với hơn 1.500 chiếc, Đức Phổ còn là địa phương nuôi trồng thủy hải sản phát triển mạnh, chủ yếu là nuôi tôm công nghiệp. Trước đây các vùng nuôi tôm công nghiệp dọc theo ven biển thuộc các xã Phổ Vinh, Phổ Quang, Phổ Minh, Phổ Khánh, "hệ thống điện"của các hồ nuôi tôm này trông như mạng nhện. Để đáp ứng tốt nhu cầu nuôi tôm của bà con, PC Quảng Ngãi đã đầu tư kéo điện đến các vùng nuôi tôm, sẵn sàng cung cấp điện để phát triển nghề này. Ông Nguyễn Vụ, một người nuôi tôm ở xã Phổ Minh thổ lộ: “Hồi trước bà con nuôi tôm ở đây tự câu điện để phục vụ nuôi tôm. Bây giờ ai cũng phấn khởi khi có nguồn điện ổn định và an toàn, giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập”.
Các hồ nuôi tôm ven biển xã Phổ An.
Triển vọng từ những dự án điện đầu tư cho vùng biển
Huyện Đức Phổ là địa phương duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi bàn giao toàn bộ lưới điện trên địa bàn cho PC Quảng Ngãi tiếp nhận, vận hành. Gần 2 năm qua, nhờ sự hỗ trợ của EVNCPC, PC Quảng Ngãi đã đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn cho huyện Đức Phổ; trong đó tập trung cho các xã xây dựng nông thôn mới và xã biển để phát triển kinh tế biển. Theo đó, trong năm 2015 đã đầu tư 28 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp lưới điện. Trong đó phải kể đến những công trình như đại tu thay thế hệ thống đo đếm điện gồm 32.628 công tơ, trị giá hơn 13 tỷ đồng; đại tu thay thế 27km dây dẫn 0,4kV vận hành trên 20 năm đã xuống cấp không còn đảm bảo vận hành trị giá hơn 3,2 tỷ đồng; tăng cường hơn 6 km dây dẫn 0,4kV có tiết diện dây nhỏ khoảng gần 1 tỷ đồng; xây dựng mới 4 km lưới điện 0,4kV mất an toàn ở khu vực xã Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Châu với khoảng 1,7 tỷ đồng; xây dựng mới đường dây trung hạ áp khu vực nuôi tôm xã Phổ An, Phổ Quang với khối lượng đường dây trung áp 1km; 9,5km đường dây hạ áp và 03 trạm biến áp nuôi tôm Phổ Quang 4, Nuôi tôm Phổ An 4 và Nuôi tôm Phổ An 5 với tổng dung lượng 820kVA, giá trị dự toán gần 9 tỷ đồng... Bước sang năm 2016, PC Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư thay thế 52 km dây dẫn 0,4kV trị giá 15 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới mạch kép 6,5 km nâng cao khả năng truyền tải điện cho các TBA phân phối khu vực xã Phổ An, Phổ Thạnh trị giá khoảng 5 tỷ đồng.
Ông Võ Thanh Bình, Giám đốc Điện lực Đức Phổ cho biết, dự kiến trong năm 2017 tới, huyện Đức Phổ sẽ triển khai tiểu dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối khu vực huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi thuộc Dự án phân phối hiệu quả (DEP). Theo đó, xây dựng mới và cải tạo 21,65 km đường dây trung áp và 49 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 5.795 kVA; xây dựng mới và cải tạo 213, 26 km đường dây hạ áp... Tổng kinh phí dự toán hơn 145 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra, sẽ xây dựng mới gần 2 km đường dây 22 kV, 5 km đường dây hạ áp và 5 trạm biến áp có tổng công suất 510 kVA với tổng giá trị hơn 6,3 tỷ đồng; tiếp tục thay thế 42 km dây dẫn đường dây trung hạ áp vận hành trên 20 năm xuống cấp không còn đảm bảo vận hành với trị giá khoảng 18 tỷ đồng.
Ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho rằng: Những dự án đầu tư điện nếu “vào cuộc” sẽ góp phần rất lớn trong hành trình đưa huyện Đức Phổ sớm trở thành thị xã trực thuộc tỉnh theo Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. “Chúng tôi rất kỳ vọng vào các dự án này sẽ sớm được triển khai. Trong đó, người dân vùng biển sẽ được hưởng lợi để phát triển kinh tế biển” - ông Trần Em nói.