Sự kiện

Điện gió Việt Nam bao giờ mới... quay nhanh?

Thứ ba, 18/12/2012 | 09:18 GMT+7
Cơ hội phát triển nền công nghiệp điện gió Việt Nam, chưa bao giờ hiện thực như bây giờ. Nhưng nếu không có được chủ trương đúng, kế hoạch thực thi đúng thì tiềm năng chỉ là tiềm năng và "cơ hội vàng" cũng lại trôi qua.
 


Các tuabin gió trên biển của Nhà máy điện gió Bạc Liêu.
 
Những bài học thực tiễn bước đầu, thành công và thất bại, trong triển khai một số dự án đầu tiên về điện gió ở nước ta là những bài học kinh nghiệm rất bổ ích.

Dữ liệu điện gió... tài sản quốc gia

Trên dưới 1.300 tuabin gió đầu tiên hư hỏng hoặc không hoạt động hiệu qủa chủ yếu do ta chưa có kinh nghiệm, chưa điều tra kỹ lưỡng tài nguyên, khí hậu, đặc điểm thời tiết, nắng gió từng vùng miền... trên lãnh thổ, lãnh hải cả nước.

Nhiều quốc gia trên thế giới đi trước trên con đường phát triển điện gió, để lại những kinh nghiệm quý, Việt Nam chúng ta có thể học hỏi và rút kinh nghiệm. Nhưng chúng ta chưa nắm rõ, chưa biết hoặc chưa có điều kiện vận dụng hiệu quả các kinh nghiệm đó, đặc biệt về các chính sách đòn bẩy cho việc đầu tư phát triển.

Những con số về tiềm năng gió và cả các nhận xét "có cánh" khi so sánh tiềm năng cuả VN với các nước trong khu vực đưa ra từ các tổ chức có trách nhiệm trong nước và quốc tế hẳn không có gì quá đáng.

Các số liệu tính toán mô phỏng do Ngân hàng Thế giới tổ chức thực hiện và các số liệu khảo sát thực địa trong nước đã chỉ ra tiềm năng điện gió của Việt Nam. Xác định các khu vực hứa hẹn nhất cho việc xây dựng các nhà máy điện gió là ven biển và cao nguyên miền nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long, không có gì phải nghi ngờ.

Tuy  nhiên, những dữ liệu đã có vẫn chưa đủ, hoặc còn rất thiếu.

Khác với nhiều loại điện năng khác như nhiệt điện, điện hạt nhân..., một đặc điểm, cũng là nhược điểm lớn nhất của năng lượng gió, là sự phụ thuộc mạnh vào điều kiện thời tiết và chế độ gió. Nhưng một bộ số liệu, hay các bản đồ về phân bố gió chi tiết trên toàn lãnh thổ hiện nay vẫn còn sơ sài.

Thiếu các thông số nói trên, việc xác định các vị trí cho các nhà máy (trại) điện gió sẽ không chuẩn xác và sơ đồ mạng các trại điện gió sẽ không được tối ưu hoá.

Ai cũng biết, các vị trí địa lý khác nhau có sự khác nhau về tốc độ gió, hướng gió... theo mùa trong năm, theo giờ trong ngày v.v...
Điều này ảnh hưởng đến việc lựa chọn kích thước tối ưu của cánh quạt, cột tuabin, khả năng kết nối giữa các nhà máy (trại) điện gió ở những vùng khác nhau. Kết nối giữa nhà máy điện gió với nhà máy dạng điện khác (như điện diesel) hay với điện lưới quốc gia. Chẳng hạn, chỉ nên nối hai đường điện gió có giờ gió mạnh yếu khác nhau để bù đắp cho nhau, bảo đảm đường điện chung ổn định hơn v.v...

Như vậy, sự chọn lựa một địa điểm lập trại điện gió, ngoài phụ thuộc bản thân chế độ gió ở địa điểm này, còn cần được tính toán trước những yếu tố khác trong mạng lưới kết nối. Ngoài ra, khi xác định địa điểm trại điện gió không thể bỏ qua những yếu tố khác nữa.

Chẳng hạn, yếu tố diện tích đất đai. Các trại điện gió "ăn" diện tích đất không phải ít. Chỉ một trụ tuabin gió có công suất khoảng 3MW đã chiếm một diện tích lớn, một khoảng trống từ 2000 đến 3000m2, để cánh quạt của nó có thể hoạt động được tối ưu.

Hoặc yếu tố tác động môi trường. Vì phải tính đến khả năng các trại điện gió gây tiếng ồn khi vận hành, các trụ tuabin phá vỡ cảnh quan tự nhiên và làm nhiễu tín hiệu của các sóng vô tuyến. Do đó, một khoảng cách hợp lý đến các khu dân cư, khu du lịch, khi xây dựng các khu điện gió, cần tính toán.

Chính những điều trên càng chứng tỏ tính cấp thiết của công tác xây dựng bộ dữ liệu về điện gió toàn quốc. Trước mắt, cần điều tra, thu thập, đối chiếu và hệ thống hoá các số liệu gió và từ đó xây dựng kho dữ liệu bản đồ gió, bao gồm cả năng lượng gió trên biển, gần bờ và bản đồ các vùng khí hậu khác nhau.

Việc tổ chức khảo sát, điều tra và xây dựng kho dữ liệu bản đồ gió này nên do Nhà nước đứng ra với sự tham gia của các cơ quan và các nhà khoa học, thực hiện đúng yêu cầu chặt chẽ và thống nhất nhằm phục vụ xây dựng cho công nghệ điện gió.

Kho dữ liệu này chính là tài sản quốc gia, sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan cần thiết. Khi cần, có thể bán cho các nhà đầu tư trong ngoài nước, giúp họ rút ngắn thời gian đầu tư.

Chính sách đòn bẩy
 


Dự án điện gió đầu tiên ở Tuy Phong (Bình Thuận).
 
Nhiều dự án điện gió hiện nay ở nước ta vẫn đang nằm chờ. Ngoài nguyên nhân chưa có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về gió, còn có một nguyên nhân quan trọng khác là chưa có một chính sách phát triển hợp lý, chính sách hỗ trợ giá hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, theo ý kiến nhiều chuyên gia: Cần xây dựng những điều luật về năng lượng tái tạo để tạo dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động này.

Đồng thời, "ban hành hệ thống chính sách đầu tư đồng bộ, hiệu quả, hợp lý, đủ mạnh tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy điện gió phát triển, tạo cơ hội thuận lợi để hình thành thị trường công nghệ điện gió; xã hội hóa đầu tư, nâng cao nhu cầu và mở rộng phạm vi sử dụng nguồn điện gió".

Kinh nghiệm nhiều nước như Đức, các nước Bắc Âu ...cho thấy, để công nghệ điện gió phát triển, cần phải xây dựng một chương trình quốc gia với những chính sách hỗ trợ, bù giá cho điện gió, khuyến khích sản xuất thiết bị nội địa giá rẻ.

Trong các chính sách, chính sách hỗ trợ giá nên được ưu tiên nhất. Chính sách đó hướng vào người tiêu dùng, bảo đảm giá điện không quá chênh lệch giữa các loại điện năng. Chính sách đồng thời hướng vào các nhà đầu tư, bảo đảm sao cho họ có lãi hợp lý, đặc biệt trong giai đoạn đầu.

Thực hiện đầy đủ, mạnh mẽ và hiệu quả những chủ trương biện pháp đòn bẫy trên đây, "tiềm năng bạc" và "thời cơ vàng" về điện gió của ta mới có thể trở thành hiện thực, góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Nếu không, Việt Nam ta chỉ là nước "giàu gió" chứ không "giàu điện gió" và chỉ đứng đầu Đông Nam Á về tiềm năng gió chứ không phải về sản lượng điện gió đâu!
 
Theo: VietNamNet