Điện lưới quốc gia giúp ngành nuôi tôm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển.
Nuôi tôm công nghiệp tăng trưởng vượt bậc
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - cho biết, hàng năm Sóc Trăng thả nuôi tôm khoảng 57.500ha, trong đó tôm thẻ chân trắng là 38.400ha và tôm sú là 19.100ha. Tổng sản lượng đạt khoảng 150.300 tấn. Trong năm 2020, dự kiến thả nuôi tôm 50.500ha, sản lượng đạt khoảng 167.000 tấn/năm. Theo ông Nhã, đến năm 2025, mục tiêu của Sóc Trăng là phát triển tôm nuôi nước lợ theo hướng sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng tôm nuôi, tạo nguồn thu nhập cao cho người dân và kinh tế cho địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, điện đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao. Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc PC Sóc Trăng - thông tin, năm 2010, Sóc Trăng có gần 26.000ha nuôi tôm, năm 2016 diện tích nuôi tôm đạt gần 48.000ha, hiện nay là 57.500ha. Để đáp ứng sản lượng điện lớn phục vụ cho ngành công nghiệp nuôi tôm, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và PC Sóc Trăng đã khẩn trương thực hiện nhiều dự án cấp điện đến từng vuông tôm nuôi công nghiệp.
Theo ông Hải, năm 2014, PC Sóc Trăng đã triển khai Dự án cấp điện cho các khu vực nuôi tôm tại các huyện là Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tổng số vốn đầu tư là 25 tỷ đồng, gồm nâng cấp, xây dựng mới 39,1km đường dây trung thế. Dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 3 tổng vốn đầu tư là 187,5 tỷ đồng.
Huyện Trần Đề từng là vùng đất hoang hóa với bạt ngàn lau sậy, nay là vùng nuôi tôm công nghiệp trù phú. Ông Huỳnh Khánh Lượng, ngụ ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình hiện có 30 vuông tôm gần 12ha. Ông Lượng nói rằng, trước đây do thiếu điện, vuông tôm không sử dụng hết, chỉ nuôi tôm luân phiên, năng suất thấp và nhiều rủi ro. Năm 2000 có điện lưới quốc gia, người dân mở rộng nuôi tôm quảng canh rồi chuyển sang nuôi thâm canh. Đến năm 2013, khi có điện 3 pha, nuôi tôm công nghiệp được mở rộng và cuộc sống của người nuôi tôm khấm khá hơn qua từng mùa vụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề - ông Lê Hữu Danh - cho rằng, các vùng nuôi tôm công nghiệp ở huyện Trần Đề khó có thể vận hành nếu thiếu điện. Đặc biệt, khi Dự án cấp điện cho các nuôi tôm của Sóc Trăng đưa vào sử dụng, chi phí nuôi tôm đã giảm rõ rệt, tôm nuôi đạt chất lượng, nhờ đó người dân có lợi nhuận cao hơn.
Điện giúp ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển
Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển đã thúc đẩy lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng mạnh. Năm 1992, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng chỉ đạt 45 triệu USD, năm 2016 đã vượt lên 553,5 triệu USD, cao hơn 100 lần. Chỉ riêng mặt hàng tôm, tính đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước dự tính đạt 10 tỷ USD thì Sóc Trăng đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD.
Nhiều ông chủ vuông tôm ở Sóc Trăng cho biết, tiền điện phục vụ bơm nước, quạt nước, sục khí, hút bùn, quan trắc môi trường… trong nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 50 - 200 triệu đồng/ha/vụ, bằng 10% chi phí sản xuất. “Nhờ có điện, chi phí nuôi tôm rẻ hơn, năng xuất cao hơn, dễ kiểm soát dịch bệnh, sức người bỏ ra ít hơn”, ông Trần Đức Lộc, một hộ nuôi tôm ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề chia sẻ.
Nuôi tôm công nghiệp cho năng xuất cao, trong đó điện đóng vai trò quyết định.
Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc EVNSPC - cho hay, để đảm bảo cấp đủ điện cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam, EVNSPC đã cân đối, ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn nhằm chống quá tải. Ngoài ra, ngành điện cũng đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật hỗ trợ các hộ nuôi tôm sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn trong sản xuất.
Theo ông Đức, năm 2016, EVNSPC triển khai Chương trình thí điểm tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại 161 hộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và cho kết quả ngoài mong đợi. Giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp hiện nay được lựa chọn là thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn; vận động người nuôi chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo ôxy nuôi tôm.
Sau khi thử nghiệm, cả hai mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình “Thay thế gối đỡ trục dàn quạt chữ U bằng con lăn trục quay” giúp cho 161 hộ dân tiết kiệm 15,2% lượng điện năng tiêu thụ, tương đương 757 triệu đồng/năm. Mô hình “Đồng trục hóa mô-tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U” tiết kiệm tới 38,7% sản lượng điện năng, tương ứng 1,9 tỷ đồng/năm. Từ hiệu quả của mô hình, EVNSPC sẽ mở rộng trong nuôi tôm công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh khác để tiết kiện điện.
Từ vùng đất chua mặn hoang hóa, hơn chục năm qua ngành công nghiệp nuôi tôm công nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng đã tạo nên những vùng quê trù phú, trong sự thay da đổi thịt của nhiều hộ dân nơi đây, dòng điện lưới quốc gia đóng góp là không nhỏ.
Link gốc