Số hộ có thu nhập cao tăng 20% so với trước khi chưa có điện. Ảnh minh họa.
Cồn Phụng là một trong 10 ấp thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh, nằm dọc nhánh sông Cổ Chiên. Toàn ấp có 136 hộ dân, với 120 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây người dân trồng lúa 3 vụ/năm kết hợp nuôi tôm càng thả lan trên ruộng, chỉ có 8 hộ nuôi tôm công nghiệp. Từ khi có điện lưới quốc gia, 80% hộ dân chuyển qua nuôi tôm công nghiệp (gồm tôm thẻ, tôm sú và càng xanh). Năm 2019, bà con trúng mùa, thu nhập thấp nhất đạt trên 100 triệu đồng/hộ, mức trung bình 200 - 300 triệu đồng/hộ, cao nhất từ 1 - 1,2 tỉ đồng/hộ.
“Lúc trước chưa có điện lưới, nuôi tôm phải chạy máy phát, lợi nhuận không nhiều. Từ khi có điện với giá rẻ, xài thấy lợi hơn, lợi nhuận cao hơn,” bà Phan Thị Liêm, ấp Cồn Phụng, huyện Châu Thành, Trà Vinh chia sẻ.
Cồn An Lộc còn gọi là cồn Bần Chát, thuộc ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh, Trà Vinh) có 146 hộ dân sinh sống trên với 167 ha đất canh tác. Trước đây, khi chưa có điện, toàn ấp chỉ có 43 hộ dân sử dụng điện năng lượng mặt trời, số còn lại sử dụng bình ắc quy, đèn dầu thắp sáng và một số hộ khá giả mua máy nổ.
Khi điện lưới quốc gia kéo về góp phần phát triển nhanh kinh tế vườn với sản lượng thu hoạch trái cây 200 tấn/năm, chủ yếu là nhãn, xoài, chuối được trồng theo mùa.
Bên cạnh đó, chính quyền xã có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung các loại cây ăn trái chủ lực, cho giá trị kinh tế cao, tạo hướng đi mới cho nhà vườn sản xuất sản phẩm sạch, an toàn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Lát, ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh, Trà Vinh, cho biết: “Từ khi có điện, mọi thứ rất tiện lợi. Mỗi lần xịt thuốc rất nhanh và ít tốn chi phí. Lúc trước muốn xịt thuốc phải dùng 3 lít xăng, tương đương 60.000 đồng, bây giờ tốn từ 3-5 kWh điện, chỉ khoảng hơn 10.000 đồng nhưng mạnh hơn và tiện lợi hơn rất nhiều.”
Theo ông Đinh Công Dưỡng – Bí thư Chi bộ ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh, Trà Vinh, từ khi điện về cù lao thì bà con đã vận dụng nguồn điện vào sản xuất; đặc biệt là việc tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp tiết kiệm nước; một số hộ đầu tư máy phun xịt bằng điện. Từ đó, giảm giá thành đầu vào, lợi nhuận kinh tế tăng cao. Sau 1 năm có điện đời sống bà con sung túc hơn, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt.