Tin mới nhất

Điện lên Tây Bắc

Thứ tư, 12/8/2009 | 09:22 GMT+7
Chúng tôi có mặt ở Tây Bắc khi mặt trời vừa khuất sau dãy núi xa xanh hình cánh cung như vòng tay của người khổng lồ ôm lấy những thôn, bản. Phảng phất giữa màu tím thẫm lãng đãng hoàng hôn là cái lạnh mơn man của những  ngày cuối thu. Từ khi đường quốc lộ 6 hoàn thành, dọc đường đã hình thành những cụm dân cư ổn định. Giao thông thuận tiện, có điện sản xuất sinh hoạt là những điều kiện thiết thực góp phần tích cực vào việc “xóa đói, giảm nghèo” ổn định cho đồng bào dân tộc, làm chuyển biến kinh tế vùng của các tỉnh Tây Bắc.

Công nhân Điện lực Điên Biên (PC1) kiểm tra trạm biến áp mới được đầu tư trước khi đóng điện. Ảnh: Ngọc Hà

“Phủ” Điện Biên

Điện Biên là một trong số tỉnh miền núi biên giới vùng Tây Bắc. Do chịu ảnh hưởng của hoạt động kiến tạo nên địa hình của Điện Biên rất phức tạp, có nhiều dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, xen lẫn các dãy núi này là thung lũng, sông suối nhỏ hẹp với độ dốc lớn được phân bố rộng khắp địa bàn tỉnh nên mặc dù chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 500km và để đi đến được Điện Biên không còn vất vả như nhiều năm trước đây do quốc lộ 6 đã được nâng cấp, nhưng Điện Biên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư và giao lưu kinh tế. Dân số của Điện Biên bằng 5,4% dân số cả nước, trong đó tỷ lệ dân số thành thị chỉ khoảng 17%, dân số nông thôn 83%, gồm các dân tộc: Thái chiếm 40,38%, HMông 28,81%, Kinh 19,71%, Khơ Mú 3,2%, các dân tộc khác 7,9%. Những đặc điểm trên đã khiến cho việc thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn ở Điện Biên  hết sức khó khăn.

Là một trong 6 tỉnh khó khăn nhất trong cả nước, tuy vậy, Điện Biên vẫn cố gắng tận dụng những ưu thế để phát triển, giảm dần khoảng cách với các tỉnh khác. Thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh đang có triển vọng phát triển với việc Chính phủ cho phép 2 khu vực kinh tế cửa khẩu Tây Trang và Ma Lù Thàng (nay thuộc Lai Châu) được áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới đã thu hút được hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc và Lào với khối lượng ngày càng lớn; Cảng Hàng không được nâng cấp thành cảng quốc tế; khu du lịch sinh thái Pá Khoang và du lịch lịch sử Điện Biên Phủ là điều kiện để thu hút khách du lịch. Năm 1990, từng ở Điện Biên chỉ còn 7,8%, đến nay độ che phủ rừng đã lên 35% diện tích tự nhiên; cây công nghiệp, cây ăn quả đã phát triển thành vùng sản xuất tập trung có chất lượng cao đó là chè, thảo qỉa, đậu tương…Trước đây, khi còn thuộc tỉnh Lai Châu, mặc dù có Lòng chảo Mường Thanh nổi tiếng trồng lúa nhưng Điện Biên vẫn thiếu lương thực, nay đã đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn và có một phần bán ra tỉnh ngoài.

“Ghé” vai cùng Điện Biên vượt qua năm tháng khó khăn, trong những năm qua, ngành Điện đã nỗ lực trong việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho tỉnh tăng từ 9,34 triệu kWh năm 1995 lên tới hơn 39 triệu kWh/6 tháng đầu năm 2009. Đến nay, Điện lực đã quản lý và bán điện trực tiếp đến 64 phường, xã và từ nay đến cuối năm, khi Dự án Năng lượng Nông thôn II hoàn thành, Điện lực sẽ quản lý bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn 92/112 xã, phương với 62.249 hộ sử dụng điện.

Mang điện lên mái nhà xanh

Sơn La được là 1 trong 4 tỉnh được coi là mái nhà xanh của đồng bằng Bắc Bộ (Hòa Bình, Điện Biên và Lai Châu), bởi có diện tích 1 triệu hécta rừng, giữ vai trò quan trọng về môi sinh, phòng hộ đầu nguồn sông Đà, điều tiết nước cho thuỷ điện Hòa Bình và thuỷ điện Sơn La.

Sơn La là một tỉnh thuộc vùng núi cao có nhiều nét tương đồng về vị trí địa lý và xã hội với Điện Biên và Lai Châu. Với địa hình hiểm trở, lại nằm sâu trong lục địa, diện tích đất tự nhiên rộng thứ 5/64 tỉnh thành, giao thông trong tỉnh lại chưa phát triển nên việc đi lại giao lưu hàng hóa rất khó khăn. Đặc biệt, có 88/192 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn và biên giới.

Cũng như nhiều địa phương, trước đây, việc quản lý điện nông thôn trên địa bàn có rất nhiều “ông chủ. Khu vực nào được “ông nhà đèn” đầu tư bán điện trực tiếp thì khỏi nói rồi vì được mua với giá như đô thị; những xã do cai thầu quản lý thì giá điện cao thấp còn phụ thuộc vào trình độ quản lý của “ông cai”: quản lý tốt thì người nông dân sử dụng điện được hưởng giá 700 đồng/kWh theo quy định của Chính phủ, quan rlý kém thì giá cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều, dẫn đến giá bán điện có sự chênh lệch cao thấp khác nhau, thế là…mâu thuẫn. Người dân kêu lên Tỉnh không được thì kêu lên tận Quốc hội. Lãnh đạo Tỉnh đau đầu bao nhiêu thì Điện cũng đau đầu bấy nhiêu, vì hễ cứ nhắc đến “điện” là cứ lôi “ông điện” ra mà hỏi. Xét cho cùng thì cũng đúng thôi, làm sao mà Điện lực trên địa bàn lại có thể “dứt tình” được với tỉnh, với người dân sống trên quê hương mình.

Giám đốc Điện lực Sơn La Lê Quang Thái nói, từ năm 2000, Điện lực đã triển khai tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán điện đến tận hộ sử dụng, không còn cơ chế huy động trực tiếp hộ dân sử dụng điện để đầu tư đường dây trục hạ thế. Khó khăn nhất hiện nay là đầu tư cho các thôn, bản vùng sâu giáp biên giới. Suất đầu tư để cấp điện cho mỗi hộ khoảng 80 triệu/hộ. Song, từ nay đến cuối năm, Điện lực vẫn tập trung đầu tư cấp điện cho 2 vùng trọng điểm là 31 xã thuộc huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Mai Sơn và Mường La là những xã bọ ảnh hưởng từ vùng lòng hồ thuỷ điện Hòa Bình và cung cấp điện cho các khu tái định cư thuỷ điện Sơn La.

Từ khi có công trình trọng điểm quốc gia, Sơn La có mức tăng trưởng khá. Năm 1999, sản lương điện tiêu thụ trên địa bàn chi rhơn 46 triệu kWh, đến năm 2009, theo kế hoạch là 220 trịêu kWh; doanh thu tương ứng từ 27,1 tỷ đồng lên 197,78 tỷ đồng; giá bán điện bình quân từ 589,3 đồng/kWh lên 899 đồng kWh. Chẳng thế mà Điện lực phát triển thêm được trạm biến áp nào là “đầy tải” ngay trạm đó. Sở dĩ “ngốn” điện như vậy là vì kinh tế của tỉnh có sự dịch chuyển từ thuần nông, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa gần với thị trường.

Những ngày đầu tháng 8, bầu trời Tây Bắc dường như cao hơn, gió cứ đuổi nhau luồn qua những ngọn núi, rừng cây vang lên khúc nhạc bất tận. Chúng tôi rời Tây Bắc khi những làn gió buổi sớm còn đang rì rầm như gọi dậy những mầm non hôm qua còn ủ mình trong tầng đất. Mặc dù hôm nay Tây Bắc vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng tôi tin, dăm ba năm nữa khi trở lại, Tây Bắc sẽ hiện ra như một bắc tanh của vùng sông núi đổi mới, vì có có cội rễ trong quá khứ và sức sống của tương lai./

Thanh Mai