Tin mới nhất

Vì sao ngành điện “đói” vốn ?

Thứ sáu, 24/7/2009 | 10:28 GMT+7

Đầu tư cho điện: Cần bao nhiêu là đủ?

Cách nào để có vốn?


 
"Giá điện VN hiện nay không những là thấp mà rất thấp."
Giá điện luôn là đề tài “nóng” trên mặt báo dù là câu chuyện muôn thuở. Sau những um xùm về chuyện giờ cao điểm, câu chuyện điện lại quay về điểm xuất phát: làm sao xoá “độc quyền tự nhiên” để sản phẩm điện có thể giảm giá - dù chỉ một lần. Ai cũng biết, để phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, hạ tầng phải đi trước một bước, đặc biệt là năng lượng và điện năng.

Đầu tư cho điện: Cần bao nhiêu là đủ ?

Theo tính toán của một số chuyên gia, để đảm bảo đủ điện cung cấp cho phát triển kinh tế thì mức đầu tư cho điện trung bình hàng năm chiếm khoảng 10% đầu tư cho nền kinh tế và chiếm 30% vốn đầu tư cho toàn bộ công nghiệp. Tất nhiên tỷ lệ này có thay đổi, khác nhau tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng nền kinh tế. Ví dụ với nước đang giai đoạn đầu phát triển nó có thể cao hơn, còn nước có nền kinh tế phát triển đã khá ổn định thì ngược lại. Ngoài ra, kinh nghiệm phát triển của nhiều nước cũng chỉ ra rằng, để kinh tế tăng trưởng 1%, tăng trưởng cho điện cũng phải trên dưới 2%. Mục tiêu phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra là từ nay đến 2020 trở thành nước công nghiệp – tức là mức GDP tăng chừng 2,5 lần – như vậy tăng trưởng trung bình không dưới 7%/năm – do đó ngành điện phải tăng trung bình từ nay đến 2020 xấp xỉ 15%.

Một khi mức tăng đó không đạt được, mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ bị tác động tiêu cực và việc cắt điện, thiếu điện... sẽ vẫn xảy ra triền miên là điều không thể tránh. Mặt khác, theo quy hoạch phát triển điện từ nay đến 2025, lượng công suất đặt tăng thêm chừng 30,000 MW vào năm 2015 và đến năm 2020, công suất hệ thống cũng phải thêm 50-60 ngàn MW. Như vậy tổng vốn đầu tư cho ngành điện từ nay đến 2020 ước chừng khoảng 50 tỷ USD. Trung bình mỗi năm ngành điện phải bỏ ra không nhỏ hơn 5 tỷ USD cho phát triển nguồn chưa kể phát triển lưới. Nói tóm lại, nhu cầu đầu tư cho phát triển điện lực phục vụ cho phát triển kinh tế và công nghiệp hoá là rất lớn.

Cách nào để có vốn?

Nguồn vốn cho phát triển ngành điện có thể huy động theo mấy cách chủ yếu sau đây: Thứ nhất, tự tích luỹ từ bản thân ngành điện (lợi nhuận do bán điện). Thứ 2 là vay vốn trong và ngoài nước từ các ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu. Thứ 3 là đầu tư tư nhân dưới dạng BOT, IPP...Thứ 4 là Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Ở hầu hết các nước người ta thường áp dụng 3 cách đầu tiên, cách thứ 4 chỉ tồn tại dưới thời các nền kinh tế kế hoạch hoá (ở nước ta cho đến lúc EVN ra đời vào năm 1996). Do đó không cần phân tích cũng thấy cách thứ 4 sẽ không còn thích hợp. Thực tế ở VN cả 3 cách đầu tiên đều được áp dụng, vậy mà ngành điện vẫn phát triển một cách “nhọc nhằn” và luôn ở trong trạng thái “đói vốn”. Nguyên nhân vì đâu luôn là câu hỏi khiến nhiều người suy nghĩ, trăn trở... và cũng là trung tâm của nhiều cuộc tranh luận nhiều khi không có hồi kết. Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do giá điện ở VN thấp.

Giá điện tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ

Cents/kWh (USD năm 2007)

 

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

Đài Loan

0.079

0.081

0.075

0.074

0.076

0.079

0.079

0.079

Indonexia

0.027

0.029

0.025

0.042

0.061

1.062

 

 

Thái Lan

0.060

0.060

0.063

0.064

0.070

0.072

 

 

Tiệp Khắc

0.054

0.060

0.076

0.085

0.097

0.016

0.12

0.144

Ba Lan

0.065

0.079

0.084

0.095

0.103

0.121

0.132

0.151

Hungari

0.065

0.068

0.080

0.102

0.134

0.146

0.144

0.188

Pháp

0.102

0.098

0.105

0.127

0.142

0.142

0.144

0.158

Ý

0.135

0.148

0.156

0.186

0.191

0.198

0.226

0.258

Hà Lan

0.131

0.145

0.155

0.194

0.221

0.236

0.258

0.285

 

(Theo Báo cáo hàng năm của cơ quan Năng lượng Mỹ)

Thật vậy, theo tôi, giá điện VN hiện nay không những là thấp mà rất thấp. Về mặt lý thuyết, giá điện hợp lý nếu bằng chi phí biên dài hạn. Thế nhưng theo tính toán, giá điện ở ta chỉ mới đạt 60% của chi phí biên dài hạn (giá bán điện trung bình của ta là 5 cents bán cho các hộ dân dụng, gần đây mới tăng thêm 10% tức 5.5 cents, trong khi chi phí biên dài hạn là 9 cents). Cũng theo tìm hiểu của tôi, giá điện trung bình ở VN hiện nay gần như thấp nhất thế giới (ví dụ xem bảng số liệu của vài nước dưới đây). Giá như vậy sẽ không còn là “tín hiệu chuẩn” của thị trường nữa.

Vì giá thấp nên lợi nhuận không thể tích luỹ được nhiều, cách thứ nhất vì thế sẽ rất bị hạn chế. Cũng vì giá thấp nên thời gian trả nợ (vốn vay ngân hàng) thường phải kéo dài. Do đó, nhiều ngân hàng khó có thể chấp nhận. Chưa kể hầu hết các ngân hàng ở VN về lực rất yếu, trong khi các ngân hàng nước ngoài gần như chưa vào cuộc. Đây là lý do cách thứ 2 bị hạn chế. Tương tự như vậy mà cách thứ 3 cũng hầu như không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước thì hầu như không có lực.  Vậy cách thứ 4 thì sao? Chẳng nhẽ chúng ta lại “tiến lên quá khứ”! Nói tóm lại, giá điện quá thấp là cái “thành luỹ” khiến hạn chế đầu tư cho ngành điện.

Tuy nhiên, tăng giá chưa phải là tất cả trong điều kiện nước ta bởi vẫn còn hai phương án nữa có thể chữa căn bệnh thiếu vốn hiện nay của ngành điện.

Thứ nhất là cấu trúc của biểu giá: trong biểu giá điện có hầu hết các nước, giá cho hộ dân dụng bao giờ cũng cao nhất, tiếp đến là giá điện bán cho các dịch vụ và thương mại, sau cùng là giá bán điện cho công nghiệp. Trong khi đó, ở nước ta thì trình tự ngược lại. Vậy điều đầu tiên mà các nhà chính sách phải làm là thay đổi cấu trúc của biểu giá.

Thứ hai là tái cấu trúc và cải tổ ngành điện. Với cách làm như hiện nay, tăng giá bao giờ cũng được hiểu là “sự áp đặt” của nhà độc quyền, nó luôn tạo ra những phản ứng tiêu cực từ dư luận. Mỗi lần chuẩn bị tăng giá, các báo chí và phương tiện truyền thông lại “vào cuộc” khiến “ông Nhà nước” chùn tay. Vô hình trung cơ chế định giá hiện nay của ngành điện khiến cho con đường phát triển của nó trở nên rất hẹp nếu không muốn nói là ngăn cản. Tình trạng này không phải của riêng VN, thực ra nó xảy ra tương tự như mọi quốc gia khác lúc chưa thị trường hoá ngành điện. Khi cơ chế độc quyền bị bãi bỏ, tự thị trường sẽ định đoạt giá cả và đó cũng là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư cũng như người tiêu thụ.

Thiết nghĩ, cách thứ nhất dễ thực hiện và có thể làm nhanh, trong khi cách thứ hai phải làm từng bước và có lộ trình.

PGS -TS Đàm Xuân Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Điện lực, Tổng Thư ký Hội Điện lực VN

Theo: Diễn đàn DN