Tin mới nhất

Nỗ lực nước rút để hoàn thành cuộc "đại di dân"

Thứ ba, 4/8/2009 | 10:13 GMT+7

Công tác di dân tái định cư (TĐC) thuỷ điện Sơn La “Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” của tỉnh Sơn La đã được hơn 6 năm. Trải qua hơn 2.200 ngày kể từ khi 8 hộ đầu tiên của bản Nà Kè, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La chuyển về Tân Lập, huyện Mộc Châu (tháng 3/2003), đến nay tỉnh Sơn La đã di chuyển đến nơi ở mới 10.148 hộ/12.479 hộ. Cuộc "đại di dân" đang bước vào thời điểm nước rút tiếp tục chuyển những hộ còn lại ra khỏi vùng hồ, phấn đấu hoàn thiện việc thống kê, đo đạc địa chính và lập hồ sơ đền bù trong vùng ngập trước khi Nhà nước “phát lệnh” thực hiện đóng cống để tích nước hồ thuỷ điện Sơn La vào tháng 4 năm 2010.


Khu tái định cư Quỳnh Nhai

Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp tháo gỡ khó khăn để cơ bản hoàn thành nhiệm vụ di dân TĐC trong năm 2009, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền vận động số hộ còn lại ký cam kết di chuyển, tổ chức di chuyển an toàn các hộ đến điểm TĐC theo kế hoạch. Theo đó tập trung hoàn thiện hồ sơ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng tại các khu, điểm TĐC đã đón dân, phục vụ cho quyết toán. Đẩy mạnh thu hồi đất vùng ngập và giao đất vùng quy hoạch tiếp nhận dân TĐC theo quy định.

Quỳnh Nhai là một trong ba huyện của tỉnh Sơn La thực hiện di chuyển dân vùng hồ, chiếm trên 2/3 tổng số hộ phải thực hiện TĐC. Cuối tháng 7 vừa qua, Quỳnh Nhai đã chuyển huyện lỵ từ xã Mường Chiến đến xã Mường Giàng (cùng huyện), đồng thời xây dựng mới thị trấn Phiêng Lanh. Điểm thị trấn, huyện lỵ mới này cách huyện lỵ cũ khoảng 30 km về phía hạ lưu sông Đà và cách thành phố Sơn La khoảng 70 km. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của tỉnh Sơn La, đảm bảo cho tiến độ giải phóng lòng hồ công trình thuỷ điện Sơn La. Theo quy hoạch, thị trấn Phiêng Lanh rộng 815 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là 1.061 tỷ đồng (giá phê duyệt năm 2007), được chia thành 5 phân khu chức năng: khu trung tâm hành chính, khu TĐC, khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khu bản làng văn hoá, khu du lịch Quỳnh Long. Nằm giữa dãy núi Hin Cẩu và đồi Tạng Mó, khu quy hoạch đô thị mới Phiêng Lanh tạo hình chữ L trải dài trên 5 km theo tỉnh lộ 107 và một phần dọc theo QL 279, là ngã ba nối tâm điểm huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên với huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và huyện Than Uyên (Lai Châu).

Ông Lò Văn Mến, Bí thư huyện uỷ Quỳnh Nhai cho biết: Việc chuyển huyện lỵ Quỳnh Nhai có thể coi là một sự kiện lớn, sự nỗ lực của huyện và của tỉnh Sơn La trong công tác di dân TĐC thuỷ điện. Tính đến 31/7, huyện Quỳnh Nhai đã chuyển được 6.340/8.267 hộ với gần 30.400 khẩu đạt khoảng 77% so với hộ phải di chuyển. Huyện xây dựng 10 khu TĐC với 65 điểm (bản) cho các hộ TĐC nội huyện. Riêng TĐC đô thị Phiêng Lanh khoảng 1.500 hộ. Lập thành tích chào mừng 64 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám, huyện Quỳnh Nhai phấn đấu chuyển hết 550 hộ của 9 xóm nơi huyện lỵ cũ ra TĐC tại thị trấn Phiêng Lanh mới và một số điểm khác trong tỉnh trong tháng 8 này, để bà con kịp đón Tết độc lập (2/9) tại thị trấn Phiêng Lanh mới.

Ông Điêu Chính Một: Thượng tá về hưu, nguyên là Phó tỉnh đội trưởng Lai Châu (cũ) tâm sự: Trước đây, đường đến Quỳnh Nhai như là ngõ cụt, đi lại vất vả, thông thương, giao lưu hàng hoá với vùng khác chỉ bằng vận tải đường sông. Quá trình tồn tại 90 năm của huyện lỵ Quỳnh Nhai, tôi chưa thấy có ngôi nhà 2 tầng nào được xây, còn bây giờ chuyển đến thị trấn mới Phiêng Lanh, thấy cả hàng trăm ngôi nhà khang trang to đẹp, nhà 2-3 tầng đua nhau mọc lên chỉ trong hơn 1 năm. Đó còn là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào miền núi, vùng lòng hồ. Bây giờ nhà nào cũng có xe máy thay cho cái thuyền độc mộc, thuyền ba lá trước đây. Mặc dù bà con đang khó khăn, nhưng đều lạc quan về cuộc sống, nơi ở mới sẽ có điều kiện phát triển hơn nơi ở trước đây.

Hơn 2.200 ngày Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về di dân TĐC và vận động nhân dân thực hiện. Đến nay, tỉnh Sơn La tập trung chỉ đạo quy hoạch tổng thể và chi tiết, bố trí 56 khu, 222 điểm TĐC (bản) bảo đảm tiếp nhận các hộ đến định cư.

Từ năm 2004 đến nay, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã tập trung giải quyết các vấn đề: Thống nhất được chủ trương không xây nhà sẵn cho dân để chuyển đến ở, mà hỗ trợ tiền để dân tháo dỡ nhà ở cũ, bổ sung vật liệu xây dựng lại nhà ở mới, tránh lãnh phí vật liệu cũ, chi phí trung gian, hơn nữa giữ được phong tục tập quán, kiến trúc nhà sàn, quan niệm phong thuỷ (hướng nhà, nơi đặt cầu thang, kích thước, tỷ lệ các gian trong mỗi căn nhà sàn...) phù hợp với người dân, đáp ứng nguyện vọng của dân muốn làm nhà nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Cuộc "đại di dân" ở Sơn La quá lớn với gần 12.500 hộ di chuyển trong thời gian ngắn, chưa kể đến việc bố trí sắp xếp lại đất ở, đất sản xuất tại các khu, điểm tái định cư, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng không tránh khỏi vướng mắc. Vì thế cách nhìn nhận đánh giá về công tác này cũng phải toàn diện, khách quan. UBND tỉnh đã nghiêm túc chỉ ra những hạn chế trong quá trình triển khai, đó là: Do tâm lý của đồng bào chỉ muốn di chuyển TĐC trong nội xã nên khó trong tuyên truyền vận động, dẫn đến còn 551 hộ chưa lựa chọn hình thức di chuyển. Việc lập quy hoạch chi tiết, tiến độ xây dựng các dự án thành phần chậm, đa số kéo dài thời gian thi công, một phần do khối lượng dự án thi công lớn, giá cả vật tư biến động, một phần cũng do năng lực của một số nhà thầu chưa tương xứng nên ảnh hưởng đến tiến độ di dân. Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính chậm nên việc thu hồi đất của các hộ sở tại để giao và hỗ trợ đất sản xuất cho hộ TĐC chưa đạt yêu cầu. Nhu cầu vốn bồi thường, hỗ trợ TĐC lớn nhưng chưa được ứng vốn kịp thời. Việc quyết toán các dự án thành phần tại các khu, điểm TĐC do phải chờ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể và chi tiết nên chậm so với tiến độ đề ra...

 Cuộc "đại di dân" ở tỉnh Sơn La trong giai đoạn nước rút, cùng với các chủ trương, cơ chế, chính sách hợp tình, hợp lý của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án là sự chung sức để đồng bào các dân tộc có điều kiện phát triển tốt hơn, góp phần đưa nhà máy thuỷ điện Sơn La vào hoạt động cuối năm 2010./.

Xuân Mai