Sự kiện

Điện lực Hà Giang: Vùng biên luôn sáng mãi

Thứ hai, 17/2/2014 | 09:46 GMT+7
Theo chân những người thợ của Công ty Điện lực (PC) Hà Giang đi sửa chữa, bảo dưỡng đường dây và trạm biến áp (TBA) tại một số xã vùng biên trong những ngày xuân Giáp Ngọ, chúng tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời tiết vùng cao núi đá cũng như những khó khăn, gian khổ mà những người công nhân ngành điện phải trải qua để đưa ánh sáng điện về từng thôn, bản.


Công tác duy tu, bảo dưỡng trạm biến áp, đường dây tại huyện Bắc Quang- Hà Giang

Nhọc nhằn ánh sáng vùng cao

Để đến TBA thôn Chín Sang thuộc  xã  biên giới Cao Mã Pờ  của Huyện Quản Bạ, nơi có các công nhân đang bảo dưỡng định kỳ TBA, anh Lệnh Thế Tùng- Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Quản Bạ phải gửi xe ôtô tại trung tâm xã và  mượn xe máy để chở chúng tôi vào trong bản, đường rất khó đi và ghập ghềnh. Theo như anh Tùng thì “Đây còn là bản có giao thông thuận lợi và  hôm nay  gặp ngày nắng ráo chứ những ngày mưa, rét mới thấy hết được sự cơ cực của người thợ điện”.

Ông Bùi Minh Đại - Phó Giám đốc PC Hà Giang:

Để Hà Giang nhanh chóng thoát nghèo, phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, PC Hà Giang xác định không chỉ đảm bảo an toàn sản xuất ở mức cao nhất mà còn đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng và người dân, để mọi gia đình vùng cao Hà Giang đều được sử dụng điện lưới quốc gia.
Cũng theo anh Tùng thì công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa vất vả là vậy nhưng công tác kinh doanh còn nhọc nhằn hơn nhiều. Ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc, gia đình chính sách nên có những TBA mà cả tháng tiền bán điện không đến 1 triệu đồng, nhiều hộ chung nhau một đồng hồ đo điện nhưng mỗi tháng cũng chỉ hết mấy chục nghìn tiền điện. Đó là chưa kể, ở đây thường xuyên diễn ra tình trạng các TBA bị sét đánh cháy. Anh Đặng Văn Thanh - Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Hoàng Su Phì - cho biết: “Vào mùa mưa  sự cố xảy ra liên tục, năm 2013, địa bàn Hòang Su Phì bị  đổ 120 cột điện đường dây 0,4 KV, 20 cột đường dây 35 KV và 5 trạm biến áp. Trong khi cả chi nhánh có 26 con người, nếu sự cố xảy ra cùng với lịch bảo dưỡng thì coi như hôm đó cả chi nhánh hầu như không có ai được ở trụ sở. Nhiều đêm mưa gió, anh em chúng tôi lo nghĩ không biết các TBA có bị sét đánh hay không?”. Vất vả, gian khổ là vậy nhưng Chi nhánh Điện lực Hoàng Su Phì còn được biết đến là đơn vị có chỉ số tổn thất điện khá thấp, lũy kế năm 2013 chỉ số tổn thất là 5,25%, thấp hơn nhiều so với nhiều chi nhánh điện lực khác trong cả nước.

Vùng cao đổi thay nhờ điện

Những năm qua, Hà Giang đã có những bước tiến dài về kinh tế, xã hội với sự đóng góp quan trọng của ngành điện. Đến nay, 100% số xã với 121.525 hộ có điện lưới quốc gia. Nhờ có điện, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại các vùng quê có được cơ hội phát triển, các cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, thương mại theo đó phát triển. Ông Bùi Minh Đại- Phó Giám đốc PC Hà Giang - cho biết “Để các ngành công nghiệp như khai khoáng, chế biến nông, lâm sản của tỉnh phát triển cũng như truyền tải được lượng điện năng dôi dư của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại Hà Giang lên lưới điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc đã quyết định đầu tư dự án 110KV Hà Giang- Yên Minh, TBA 220 KV cũng đã được xây dựng… Nhờ đó, 3 năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất tại Hà Giang, đặc biệt là tại  khu công nghiệp Bình Vàng, khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy...”
Theo: Công Thương Online