Sự kiện

'Mong muốn lớn nhất là giúp đồng bào tái định cư ổn định cuộc sống'

Thứ năm, 13/2/2014 | 11:21 GMT+7
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ kiêm Giám đốc ban Quản lý dự án Thủy điện 2 khi trao đổi về vấn đề di dời, tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ với phóng viên Icon.com.vn.


Bà con dân tộc tái định cư Thủy điện Bản Vẽ đang thu hoạch những lứa cây keo đầu tiên cho lãi cao. Ảnh: Ngọc Thọ

PV:  Ông có thể cho biết một số nét về Thủy điện Bản Vẽ, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của dự án đối với kinh tế - xã hội quốc gia?

Ông Nguyễn Văn Thành: Dự án Thủy điện Bản Vẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 19/6/2003, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Địa điểm xây dựng tại xã Yên Na huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An. Mục tiêu của dự án là phát triển nguồn điện quốc gia với công suất 320MW gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 160MW. Hồ chứa của nhà máy có cao trình mực nước dâng bình thường 200m, diện tích 4.842 ha, dung tích hồ chứa hơn 1,8 tỷ m³, điện lượng trung bình hàng năm là 1084,2 triệu kWh/năm, tạo nguồn nước bổ sung cho khu vực hạ du vào mùa kiệt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đẩy mặn, tham gia đẩy lũ tiểu mãn vùng hạ du, dung tích phòng lũ là 300 triệu m³. Dự án khởi công ngày 7/8/2004 và đưa tổ máy số 1 vào vận hành ngày 10/4/2010, tổ máy số 2 vào vận hành 19/5/2010. Đến nay sản lượng phát đạt 3789,88 triệu kWh, nộp thuế vào ngân sách 2 năm 2011-2012 lên tới 230 tỷ đồng.

Công tác di dời, tái định cư của thủy điện Bản Vẽ đến nay đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thành: Tính tới thời điểm hiện nay, tổng số hộ dân phải di dời là 3.022 hộ thuộc 34 bản, 9 xã của 2 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn. Chủ yếu là đồng bào thiểu số như Thái, Ơ Đu, Khơ Mú và một bộ phận nhỏ người Kinh. Các hộ tái định cư được bố trí di dời về các huyện là Tương Đương 555 hộ, Kỳ Sơn 112 hộ, Thanh Chương nhiều nhất với 2123 hộ và 232 hộ di dân theo nguyện vọng cá nhân.

Hiện đã bồi thường xong toàn bộ cây cối, hoa màu vật kiến trúc cho các hộ dân tái định cư và các đơn vị bị ảnh hưởng. Đối với đất đã thực hiện xong công tác bồi thường đất để xây dựng các khu tái định cư đảm bảo đủ đất ở và đất sản xuất cho các hộ dân về tại các khu tái định cư theo quy định từ 1-1,5ha.
 


Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Ban QLDA Thủy điện 2. Ảnh: Ngọc Thọ

Công tác bồi thường được thực hiện ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thành: Tới nay, tổng kinh phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà ở, cây cối hoa màu, vật kiến trúc, mồ mả, hỗ trợ di chuyển, làm nhà, hỗ trợ cuộc sống cho đồng bào tái định cư vào khoảng 471 tỷ đồng. Đặc biệt, ngoài việc hỗ trợ di chuyển 1 triệu đồng/hộ trong phạm vi xã, 3 triệu đồng/hộ trong huyện, 5 triệu đồng/hộ ngoài huyện thì Ban quản lý dự án thủy điện 2 hỗ trợ lương thực mỗi năm 4 tháng trong 3 năm liên tục cho đồng bào tái định cư. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thêm 24 tháng lương thực cho đồng bào dự án thủy điện Bản Vẽ đã được Ban chuyển kinh phí cho địa phương chi trả cho đồng bào tái định cư 16 tháng của năm 2012, 2013 và sẽ tiếp tục chi trả vào năm 2014.

Những hạng mục công trình phúc lợi xã hội và công ích khác nhằm nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục cho bà con vùng tái định cư được thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thành: Tại huyện Tương Dương, Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 đã xây dựng hoàn thành 7 nhà trẻ mẫu giáo, 7 nhà văn hóa thôn, 7 lớp học phân tán bậc tiểu học và bàn giao cho chính quyền quản lý, sử dụng.

Hệ thống nước sinh hoạt, xây dựng xong 7 hệ thống tự chảy tại 7 khu tái định cư. Đường nông thôn 7 khu tái định cư là đường loại B, mặt đường cấp phối đá dăm chuẩn, hệ thống cấp điện ổn định khi sử dụng một trạm biến áp công suất 50KVA kéo điện đến từng hộ gia đình.

Tại huyện Thanh Chương, Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 đã xây dựng và bàn giao cho địa phương 20 nhà trẻ mẫu giáo, 30 nhà văn hóa thôn, 12 lớp học phân tán bậc tiểu học, 2 trường trung học cơ sở.

Hệ thống cấp nước sinh hoạt đã xây dựng xong và bàn giao cho địa phương 12/12 hệ thống tự chảy. Nay nhiều công trình không sử dụng được do quá trình sử dụng không có bộ phận trực vận hành nên xảy ra sự cố và một số kẻ gian phá dỡ đường ống. Theo đề xuất địa phương, Ban QLDA Thủy điện 2 đã phê duyệt hơn 9 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào tái định cư đào giếng. Hiện đã có 2.062 hộ có giếng đào sử dụng từ nguồn này.

Nói về đường giao thông trong 14 khu tái định cư đã được xây dựng xong và bàn giao đưa vào sử dụng ổn định và phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống cấp điện với đường dây liên vùng và 19 trạm biến áp 35/0,4KV đã xây dựng xong nay đưa vào sử dụng đã ổn định, hiệu quả. Hệ thống thủy lợi với Đập Nhà Bà và đập Trám Hồng đưa vào sử dụng đủ cấp nước qua kênh mương cho 40 ha lúa nước. Trường mầm non, trang thiết bị y tế cho trạm y tế, chợ, sân thể thao đã được Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 chuyển kinh phí đến địa phương.

Hiện, Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 đang tiếp tục hoàn thành thi công các hạng mục nằm trong quy hoạch được duyệt. Theo đó, đang xây dựng hệ thống đường nội đồng vào các khu sản xuất, san nền chợ, sân thể thao cho 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn và khai hoang xây dựng ruộng lúa nước cho đồng bào tái định cư.

Vậy đâu là những khó khăn trong công tác hậu di dời và tái định cư hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Thành: Qua nhiều năm đã được bàn giao đưa vào sử dụng, đến nay nhiều tuyến đường liên vùng trong khu tái định cư, hệ thống cấp nước tự chảy, nhà ở của đồng bào tái định cư đã bị hư hỏng. Nguyên nhân chính là công tác quản lý vận hành cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhà ở của đồng bào lâu ngày đã bị mối mọt làm hư hỏng.

Đối với việc giao đất sản xuất cho các hộ tái định cư đối với những hộ chưa được giao, những hộ được giao nhưng còn thiếu thì Ban đã thu hồi thêm 400 ha đất khu vực Thanh Chương để cấp cho các hộ tái định cư còn thiếu đất bổ sung vào quỹ đất sản xuất chia đủ cho đồng bào theo quy định. Như vậy, tại Thanh Chương hầu hết các bản đã được chia đất, bình quân đạt gần 2ha/hộ. Riêng 119 hộ của 2 bản Chà Coong 2 và bản Kim Hồng vẫn chưa chịu nhận đất mặc dù cán bộ của Ban và địa phương đã nhiều lần vận động. Và theo tìm hiểu thì nguyên nhân chính là bản Kim Hồng các chủ hộ đi làm ăn xa và một số quy về khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ nên chưa nhận. Riêng với xã Chà Coong 2 thì một số lãnh đạo Bản chiếm nhiều đất sản xuất của Bản nên gây khó cho công tác giao đất.

Dự án Thủy điện Bản Vẽ là công trình lớn nhất khu vực Bắc miền Trung. Được sự chỉ đạo thống nhất giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với chính quyền địa phương đã thực hiện được công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số hộ hơn 3.000 hộ.  Và đây là số lượng phải di dời rất lớn đối với một dự án. Với sự nỗ lực của Ban và chính quyền địa phương cùng nhiều cấp, ngành thì đến nay công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ đã đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đặt ra, mong muốn lớn nhất của Ban quản lý dự án Thủy điện 2 – Công ty Thủy điện Bản Vẽ là nhân dân di dời về các khu tái định cư nhanh chóng và từng bước ổn định để có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Ngọc Thọ (thực hiện)