Công nhân Điện lực Hoằng Hóa lắp đặt công tơ điện tử kết hợp đo xa.
Với chủ trương về việc thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, giải pháp thu thập số liệu từ xa ngày càng được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trước khi tiến hành lộ trình ứng dụng công tơ điện tử và RF-Spider, Điện lực Hoằng Hóa phải bố trí nhân viên chốt chỉ số công tơ hàng tháng bằng phương pháp thủ công hoặc bán thủ công thông qua thiết bị cầm tay (HHU - Handheld Unit), thì nay công việc này hoàn toàn tự động và được lập trình điều khiển từ trung tâm thuộc phòng Kinh doanh tổng hợp.
Không những thế, hàng loạt dữ liệu quan trọng lưu trong công tơ điện tử được thu thập và truyền về thông qua dịch vụ của các nhà mạng viễn thông.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống đo xa tại các trạm biến áp, giúp nhân viên ngành điện không phải trực tiếp đến tận hộ dân để ghi chỉ số ở từng công tơ. Bên cạnh đó, việc ghi chỉ số sai do nhầm lẫn, cập nhật thiếu chính xác cũng giảm rõ rệt. Nhờ tích cực lắp đặt công tơ điện tử, đơn vị giảm được lao động dịch vụ làm công tác ghi; nhập truyền số liệu, ngoài ra còn giúp ngành điện nâng cao độ tin cậy về cung cấp điện, thường xuyên theo dõi, rà soát và phát hiện kịp thời một số trường hợp công tơ mất tín hiệu điện áp, công tơ hư hỏng, vi phạm sử dụng điện (trộm cắp điện, vi phạm giá điện).
Đến hết tháng 3-2021, Điện lực Hoằng Hóa đã tiến hành thay thế 14.310 công tơ từ cơ khí bằng công tơ điện tử. Trong quý II-2021, đơn vị tiếp tục thay thế 6.201 công tơ điện tử 1 pha gián tiếp, 202 công tơ điện tử 3 pha; từng bước thay modem đo xa của các TBA công cộng và các TBA chuyên dùng lắp modul RF - Elter, đã thấy hiệu quả rõ rệt.
Theo đó, hàng ngày có hàng nghìn bản ghi được lưu trữ, bao gồm các số liệu quan trọng như: Thông số vận hành, sản lượng điện tiêu thụ và nhiều số liệu khác phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh điện, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tự động hóa việc thu thập, xử lý số liệu quy mô lớn mà hình thức ghi chỉ số thủ công không thể giải quyết được. Từ chính những con số trên các bộ phận liên quan phân tích số liệu để đưa ra phương án vận hành tối ưu nhất cho lưới điện mà Công ty giao cho đơn vị quản lý vận hành.
Đối với người dân, việc lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống đo xa cũng nhận được những phản hồi rất tích cực. Công tơ điện tử và lắp đặt hệ thống đo xa mang lại cho khách hàng nhiều lợi ích rõ rệt. Nhờ hệ thống đo, đếm từ xa, khách hàng dễ dàng giám sát và quản lý số liệu công tơ mình đang sử dụng theo từng thời điểm trong ngày.
Bên cạnh đó, hệ thống DSPM, RF- Spider thu nhận được các số liệu, hỗ trợ cán bộ công nhân viên vận hành trong việc nhận biết cảnh báo, xuất báo cáo, các phần mềm này mang đến cho người sử dụng cách nhìn hoàn toàn khác về công tác điều hành, quản lý phân phối điện. Nếu trước kia, chỉ những chỉ số chốt là được ghi chép, lưu lại định kỳ vài lần trong tháng thì bây giờ, tất cả thông tin liên quan đến hoạt động của công tơ, quá trình cung cấp điện năng được gửi về máy chủ, như các thông số vận hành, sản lượng, chỉ số chốt, biểu đồ phụ tải; các thông tin sự kiện công tơ. Các thông tin này được lưu giữ và có khả năng truy xuất theo lịch sử để đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp trong một giai đoạn.
Ngoài ra, người sử dụng có thể thiết lập các ngưỡng cảnh báo cho các thông số dòng điện, điện áp, tần số, góc lệch pha... để kịp thời xử lý, khắc phục sự cố. Ở mức độ cao hơn, chương trình đo, ghi từ xa (DSPM, RF - Spider) còn thống kê, đưa ra “thói quen sử dụng điện của khách hàng” để đưa ra cảnh báo “sự kiện bất thường” về dòng, áp, sản lượng... trong quá trình kinh doanh điện (đối với đơn vị Điện lực) và sử dụng điện (đối với khách hàng tiêu thụ). Điều này giúp dự đoán sớm sự cố và giảm thiểu rủi ro thất thoát điện năng.
Chương trình đo, ghi từ xa được xem như một công cụ “trợ lý” đắc lực, giúp đơn vị quản lý vận hành, theo dõi nhóm khách hàng có cùng đặc điểm (như cùng trạm - xuất tuyến, cùng mức tiêu thụ, cùng ngành nghề), từ đó “ngoại suy” các sự cố mất điện, tính toán gây tổn thất cũng như thói quen tiêu dùng của khách hàng...
Thực tế triển khai hệ thống đo xa công tơ điện tử tại Điện lực Hoằng Hóa cho thấy bước chuyển mình nhanh chóng và cơ bản cho toàn bộ cách tiếp cận công tác quản lý, vận hành hệ thống điện - từ việc chuyển đổi mô hình thủ công sang bán tự động và tự động trong công tác thu thập số liệu đến việc xử lý, phân tích các dữ liệu có được, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, chăm sóc khách hàng là cả một bước dài về ứng dụng công nghệ mới của ngành điện.
Link gốc