Hệ thống kiểm soát an toàn lao động ECP tại Lào Cai.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai (PC Lào Cai) cho biết, hiện nay, PC Lào Cai đang quản lý, vận hành hơn 2552 km đường dây trung áp và 1983 trạm biến áp phân phối; trong đó có rất nhiều đường dây trung áp đi qua vùng đồi núi, vượt sông suối, địa hình phức tạp. Năm 2018, toàn tỉnh Lào Cai có 185.154 khách hàng, sử dụng tới 2,6 tỷ kWh điện thương phẩm, đạt mức tăng trưởng điện năng 14,3% so với năm 2017, trong đó sản lượng điện phục vụ sản xuất công nghiệp chiếm tới 82,91%, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm còn 2,97% (giảm 0,05% so với năm 2017).
Với tổng số 613 người/định biên là 824 người. Hầu hết các đơn vị trực thuộc Điện lực Lào Cai đều thiếu từ 10-20 người cộng, độ tuổi trung bình cao, số lượng cán bộ công nhân viên có sức khỏe loại 4 và loại 5 hàng năm tăng nhiều với tổng số bình quân 77 công việc trên ngày. Để kiểm soát an toàn, cán bộ làm công tác an toàn phải xuống trực tiếp hiện trường. Quy trình này vừa tốn thời gian, công sức di chuyển vừa tốn kém chi phí đi lại khi địa bàn quản lý của PC Lào Cai phần lớn thuộc vùng sâu, vùng xa, số cán bộ làm công tác an toàn lại có hạn. Chưa kể, khi công nhân ra hiện trường, thao tác trên lưới, đoàn kiểm tra mới đến, nên việc kiểm tra, kiểm soát không được kịp thời...Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Tổng công ty Điện Lực miền Bắc đã đưa phần mềm quản lý an toàn ECP vào hoạt động nhằm kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn trong lao động, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành lưới điện
Qua ứng dụng này, tất cả các cấp đều có thể giám sát đồng thời các nhóm công nhân đang thao tác trên lưới ở mọi địa điểm. Từ đó, kịp thời phát hiện ra các sai sót, điều chỉnh ngay, góp phần vào việc đảm bảo an toàn lao động. Việc ứng dụng hệ thống phần mềm này đã hạn chế và khắc phục được những thiếu sót trên. Cụ thể, mỗi tuần, các đơn vị sẽ tiến hành đăng kí công việc trên lưới điện, trình các cấp phê duyệt trên hệ thống phần mềm. Nhờ đó, Tổng công ty cũng sẽ kiểm soát được toàn bộ khối lượng công việc trong tuần của từng điện lực/công ty điện lực, biết rõ đơn vị triển khai nội dung công việc gì, ở đâu, ai kiểm soát công tác an toàn...
Đặc biệt, mỗi nhóm công nhân khi ra hiện trường làm việc phải sử dụng thiết bị di động thông minh chụp ảnh các thao tác gửi lên hệ thống. Lúc này, cán bộ an toàn ở các cấp từ điện lực cơ để đến công ty sẽ lập tức tiếp nhận được hình ảnh để theo dõi, giám sát; đồng thời có thể phân tích, đưa ra các giải pháp về kỹ thuật, khắc phục sự cố khi cần thiết mà không phải đến trực tiếp hiện trường. Công tác gửi ảnh lên phần mềm ECP đã đi vào nề nếp theo đúng quy định và trình tự. 100% lãnh đạo đơn vị đã nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hình ảnh qua phần mềm ECP đầy đủ theo các phiên làm việc. Với việc đưa phần mềm này vào hoạt động cũng buộc mỗi cán bộ, công nhân khi làm việc phải có ý thức hơn trong việc thực hiện đúng quy trình, quy phạm an toàn, vì khi hình ảnh được gửi về hệ thống, nếu không tuân thủ quy trình an toàn sẽ bị trừ điểm
Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất là việc thay đổi nhận thức, cách làm của người lao động. Trước đây, công nhân làm việc chỉ thao tác thủ công nên khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thường ngày cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những công nhân lớn tuổi. Đó là chưa kể, việc yêu cầu phải chụp ảnh cập nhật lên hệ thống, cũng tăng thêm áp lực về việc bị giám sát khi đang làm việc. Để khắc phục những khó khăn này, công ty đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn bằng hình thức trực tuyến cho tất cả các đối tượng. Thậm chí, với những đơn vị chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu, công ty cử cán bộ xuống trực tiếp các tổ đội sản xuất để hướng dẫn. Đến nay, toàn bộ hệ thống đã vận hành ổn định. Công nhân cũng đã quen với các thao tác trên máy khi đi làm nhiệm vụ và ý thức tuân thủ các quy trình an toàn cũng đã được nâng lên rõ rệt.
Thực tế cho thấy, PC Lào Cai đang quản lý khối lượng đường dây rất lớn, trải dài trên khắp các thôn bản, đi qua nhiều khu vực rừng, núi, sông, suối khó khăn, hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt để phục vụ cấp điện các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Vì vậy, hàng năm, đơn vị phải đầu tư nguồn vốn rất lớn để cải tạo, xây dựng mới lưới điện nhằm bảo đảm cung cấp điện liên tục, an toàn, độ tin cậy cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, lực lượng quản lý vận hành lưới điện còn mỏng, phương tiện thiết bị hạn chế, trong khi việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra sau sự cố đòi hỏi các đơn vị quản lý vận hành phải tìm kiếm, kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, các điểm có nguy cơ gây ra sự cố, sự cố trên lưới điện một cách nhanh nhất để hạn chế, ngăn ngừa sự cố lưới điện.
Từ những khó khăn đó, công ty Điện lực Lào Cai đã đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ mới Flycam trong việc phục vụ công tác kiểm tra, kiếm soát quá trình làm việc trên lưới điện và kiểm tra định kỳ tình hình vận hành thiết bị điện, lưới điện. Được biết, flycam (một loại thiết bị bay không người lái, được điều khiển từ xa-PV) được điều khiển từ xa bằng trình điều khiển riêng biệt hoặc có thể kết nối với điện thoại, máy tính bảng để điều khiến qua sóng wifi hoặc sóng vô tuyến trên một tần số nhất định giúp PC Lào Cai kịp thời phát hiện các khiếm khuyết của thiết bị điện, điểm nguy cơ dẫn đến sự cố trên lưới điện, từ đó, hạn chế, ngăn ngừa sự cố lưới điện.
Kiểm tra việc ứng dụng Flycam của cán bộ điện lực Sapa tại bản Tả Phìn.
Cụ thể, flycam hỗ trợ kiểm tra các hành lang tuyến, điểm tiếp xúc, phóng điện; quay phim, chụp ảnh tổng thể các công trình, hạ tầng điện, địa hình địa mạo từ trên cao ở các địa hình phức tạp, như: miền núi, đồi, rừng, sông hồ, suối, phục vụ công tác khảo sát, thiết kế các công trình điện; phục vụ công tác giám sát chất lượng thi công các công trình điện trên cao, như: bắt vít xà, dây tiếp địa, khóa cổ sứ các loại, kẹp sứ đỡ polymer.
Bên cạnh đó, flycam còn có thể hỗ trợ kiểm tra và chụp ảnh tổng thể, định vị vị trí chi tiết các phụ kiện của công trình điện, cột điện, đường dây, trạm biến áp; Kiểm tra các điểm tiếp xúc, phụ kiện bị rỉ sét, phóng sứ xuyên ty và các nguy cơ có thể gây sự cố trên lưới điện để kịp thời xử lý, ngăn ngừa; kiểm tra tình hình lưới điện sau các đợt thời tiết bất thường, như: gió lốc, chuyển mùa, mưa giông, bão. Đặc biệt, thiết bị flycam có thể được sử dụng để phục vụ công tác dọn rác trên đường dây điện.
Việc ứng dụng thiết bị flycam để triển khai nhanh công tác khảo sát thiết kế, kiểm tra định kỳ, khắc phục sự cố đường dây và thiết bị điện là rất cần thiết. Bởi chất lượng hình ảnh do thiết bị flycam ghi lại được có thể bảo đảm yêu cầu phân tích, đánh giá tình trạng của thiết bị trên lưới, giúp giảm bớt nhân lực, thời gian và đem lại hiệu quả cao, ngăn chặn được phòng ngừa nguy cơ mất an toàn rủi ro, phát hiện và nhắc nhở kịp thời những sai sót trong khi làm việc để đảm bảo an toàn lao động.