Điện lực Quỳnh Phụ (Thái Bình) nỗ lực giảm tổn thất điện năng

Thứ hai, 11/1/2021 | 10:50 GMT+7
Xác định giảm tổn thất điện năng góp phần nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống truyền tải điện, tác động tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Điện lực Quỳnh Phụ đã nỗ lực triển khai các giải pháp, hoàn thành kế hoạch giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2016 - 2020.
Nhân viên Điện lực Quỳnh Phụ kiểm tra trạm biến áp góp phần giảm tổn thất điện năng.
 
Điện lực Quỳnh Phụ hiện quản lý 80,42km đường dây 35kV, 224km lưới điện 22kV, 100,72km đường dây hạ áp cùng 317 trạm biến áp cung cấp điện cho 97.218 khách hàng trên địa bàn huyện. Năm 2016, sản lượng tiêu thụ toàn huyện đạt 128.554.175kW, tổn thất điện năng ở mức 9,20%, đến tháng 10/2020, sản lượng tiêu thụ trong toàn huyện đạt 243.621.017kW, tổn thất điện năng giảm xuống còn 6,92%. 
 
Với mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng, nâng cao độ ổn định trong việc cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng do Công ty Điện lực Thái Bình giao, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng Tái thiết Đức, năm 2016, Điện lực Quỳnh Phụ đã tập trung cải tạo lưới điện hạ thế, xây dựng và cấy thêm 12 trạm biến áp chống quá tải của 7 xã.

Sau khi tiếp nhận, quản lý, khai thác lưới điện hạ thế của 11 Hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện năng còn lại trong huyện, năm 2017, thực hiện dự án REII bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, đồng thời bố trí kết hợp linh hoạt các nguồn kinh phí sửa chữa, Điện lực Quỳnh Phụ đã tạo bước đột phá khi cải tạo, nâng cấp đồng bộ lưới điện hạ thế nông thôn theo quy chuẩn, đạt mới lên tới 90%, lắp đặt thêm từ 1 - 2 trạm biến áp chống quá tải, bổ sung thay mới dây dẫn, bổ sung nguồn công suất, bảo đảm độ dự phòng lưới điện trong thời gian cao điểm, với mức đầu tư trung bình 1,5 tỷ đồng/xã. Tiếp nhận nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, năm 2018, Điện lực Quỳnh Phụ thực hiện chuyển toàn bộ lưới điện 10kV sang lưới điện theo quy chuẩn 22kV, lắp đặt 1.500 cột, thay mới 314 trạm biến áp... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt phục vụ hiệu quả nhu cầu điện sản xuất của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong toàn huyện. 
 
Ngoài ra, hàng năm, bằng các nguồn sửa chữa lớn từ 15 - 20 tỷ đồng/năm, sửa chữa thường xuyên 5 tỷ đồng/ năm, Điện lực Quỳnh Phụ đã đầu tư, xây dựng và lắp đặt thêm các trạm biến áp chống quá tải, trung bình 10 trạm/năm, ứng dụng và khai thác hiệu quả công nghệ vào quản lý kỹ thuật... 
 
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, Điện lực Quỳnh Phụ đã tăng cường kiểm tra, giám sát, ngày càng hoàn thiện công tác mua bán điện, kết hợp kiểm tra định kỳ, đột xuất đã khắc phục được những tồn tại trong công tác quản lý hệ thống đo đếm và chống tổn thất tại các đường dây, TBA có tổn thất cao bất thường. 
 
Ông Đào Quốc Thuận, Giám đốc Điện lực Quỳnh Phụ cho biết: Điện lực Quỳnh Phụ đã tận dụng hiệu quả các nguồn đầu tư, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương cùng sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên chi nhánh. Đến nay, mạng lưới điện nông thôn huyện Quỳnh Phụ đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, phủ khắp các địa bàn dân cư. Các công trình điện trung thế, hạ thế và trạm biến áp đầu tư liên xã đồng bộ, đạt thông số kỹ thuật, an toàn trong vận hành. 100% các xã, thị trấn có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Công tác vận hành lưới điện cơ bản ổn định, linh hoạt, tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải đã được giảm thiểu tối đa, cải thiện đáng kể các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trên địa bàn, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của chi nhánh. Đây được coi là bước đột phá quan trọng đáp ứng tiêu chí số 4 về điện theo nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần không nhỏ đưa Quỳnh Phụ cán đích huyện nông thôn mới năm 2019. 
 
Thời gian tới, Điện lực Quỳnh Phụ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kịp thời tính toán, đề ra các biện pháp giảm tổn thất cho từng lộ đường dây trung thế và trạm biến áp công cộng có tổn thất cao. Thực hiện tốt công tác an toàn lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp cận với các thiết bị hiện đại, tiên tiến tăng hiệu quả quản lý và giảm tổn thất điện năng. Qua đó góp phần tăng doanh thu, giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, vận hành hệ thống an toàn, ổn định, tin cậy, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. 

Link gốc
Theo: Báo Thái Bình