Điện lực Thanh Khê (PC Đà Nẵng): Hoàn thành sớm các công trình xây dựng cơ bản năm 2021

Thứ ba, 5/10/2021 | 16:02 GMT+7
Điện lực Thanh Khê (PC Đà Nẵng) vừa tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình cuối cùng trong công tác đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn năm 2021 trên địa bàn.

Thi công thay dây trung áp trong khu vực Sư đoàn Không quân 372.
 
Theo kế hoạch năm 2021, Điện lực Thanh Khê được giao thi công 6 công trình đầu tư xây dựng gồm: tự động hóa lưới điện 2021, chống quá tải TBA năm 2021, xây dựng mới TBA Trường Chinh 18 và Trường Chinh 19, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện năm 2021, tụ bù trung áp năm 2021, di dời TBA Nguyễn Như Hạnh 3. Khối lượng thực hiện: xây dựng mới 94 mét đường dây trung áp đi nổi, 173 mét đường dây trung áp đi ngầm; xây dựng mới 18 trạm biến áp với tổng công suất 6.150kVA; xây dựng mới 1.878 mét đường dây hạ áp đi nổi và 119 mét đường dây hạ áp đi ngầm, lắp đặt mới 02 Recloser, 13 dao cách ly kiểu kín, 09 bộ FCO, 09 bộ chỉ thị sự cố…
 
Việc hoàn thành các công trình đã góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng điện gia tăng hàng năm trên địa bàn, tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong công tác quản lý vận hành và đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão như: chống quá tải các trạm biến áp cấp điện cho khu vực đông dân cư ở đường Tôn Đản, Trường Chinh, Vũ Lăng; đưa lưới điện hạ áp vào sâu trong các khu vực dân cư Thạc Gián, Chín Gián; tăng cường các đường dây hạ áp bị quá tải cục bộ dọc đường Trần Cao Vân, Lê Độ…
 
Song song với công tác đầu tư xây dựng phát triển mới, Điện lực Thanh Khê cũng đã thực hiện hoàn thành 4 công trình sửa chữa lớn, với việc thay hơn 2.500 mét đường dây trung áp, 1.560 mét đường dây hạ áp và cải tạo 14 trạm biến áp. Đây là các đường dây vận hành lâu năm đã bị xuống cấp, hư hỏng, tróc vỏ ảnh hưởng đến khả năng vận hành cung cấp điện, dễ dẫn đến những sự cố, tai nạn điện trong nhân dân. 
 
Qua nhiều năm thực hiện các công trình đầu tư xây dựng lưới điện, Điện lực Thanh Khê luôn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là trong năm 2021 khi thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Những khó khăn muôn hình vạn trạng, từ việc dự kiến vị trí xây dựng mới trạm biến áp, xin giấy phép thi công, vướng mắc khi thực hiện theo đúng thiết kế, đến khi trồng trụ thì một số người dân cản trở… và điều đó càng khó khăn hơn nữa khi việc di chuyển phục vụ công tác trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
 
Với đặc thù quản lý trên địa bàn đông dân cư có các tuyến đường mua bán tấp nập, việc đáp ứng nhu cầu phụ tải gia tăng liên tục là vấn đề hết sức cấp bách. Trong khi đó, quy hoạch trên địa bàn đã ổn định và có sẵn, không bố trí diện tích đất cho các hạ tầng công cộng, nên để đáp ứng được nhu cầu phụ tải gia tăng tại các khu vực này là một bài toán nan giải. 
 
Hơn nữa, trong quá trình triển khai thi công, việc xin giấy phép thi công phải thực hiện qua nhiều giai đoạn khác nhau dẫn tới quá trình thực hiện một số giai đoạn bị gián đoạn, chậm chạp. Với hạ tầng đô thị như đã nói ở trên, khi triển khai trồng trụ rất nhiều trường hợp người dân cản trở mặc dù phía điện lực đã trực tiếp làm việc, phối hợp với chính quyền địa phương để vận động, thuyết phục người dân chấp thuận.
 
Với quyết tâm cao nhất, Điện lực Thanh Khê đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình phù hợp với thực tế tại từng thời điểm. Chẳng hạn trong thời gian chờ được cấp phép thi công, Điện lực triển khai thực hiện các phần việc không cần được cấp phép như tăng cường cáp, trồng trụ trong các hẻm kiệt, chủ động mượn vật tư để thi công sớm… Những giải pháp này đã góp phần giảm áp lực về khối lượng phải hoàn thành cho Điện lực vào thời điểm nước rút, đồng thời giải quyết được nhu cầu phụ tải tăng cao trong thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng.
 
Đối với các hạng mục gặp vướng mắc trong khâu thiết kế hay mặt bằng thi công không thuận lợi, Điện lực Thanh Khê chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra hiện trường và thực hiện các giải pháp thay thế phù hợp với thực tế thi công và tiết kiệm chi phí. Ví dụ như việc xây dựng mới Trạm biến áp Trường Chinh 18 và 19, Điện lực đã chủ động ký biên bản thỏa thuận mặt bằng từ tổ dân phố, UBND cấp phường và đến cấp quận… trước khi triển khai đăng ký công trình. 
 
Trong công tác lập kế hoạch thi công sao cho vừa đảm bảo tiến độ vừa đảm bảo các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện đạt kế hoạch giao, Điện lực Thanh Khê đã tổ chức khảo sát hiện trường tất cả các vị trí đấu nối, phối hợp tốt với Đội SCNLĐ nhằm đảm bảo thời gian mất điện thi công là ít nhất, giảm thiểu tối đa sản lượng mất đi và giảm sự phiền hà tới khách hàng sử dụng điện. 
 
Bên cạnh đó, các Phòng Kế hoạch – Vật tư, Ban Quản lý dự án, Tổ Giám sát thi công – Phòng Kỹ thuật… cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và tạo điều kiện tốt nhất trong công tác cấp vật tư, giám sát, thỏa thuận thi công. Việc này cũng góp phần không nhỏ giúp cho Điện lực Thanh Khê hoàn thành đúng tiến độ công trình được giao, góp phần hoàn thiện lưới điện khu vực, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy cho nhân dân trên địa bàn.
Yên Bình