Tin trong nước

Điện lực Thủ đô - Những bước đi đầu tiên

Thứ hai, 9/12/2024 | 15:12 GMT+7
Ngay từ năm đầu tiên khi giành quyền làm chủ (1954), công nhân viên chức Nhà máy Đèn Bờ Hồ (nay là Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội - EVNHANOI) đã đối mặt với muôn vàn gian khó.

Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên chức đang làm việc tại các xưởng Nhà máy Đèn Bờ Hồ ngày 21/12/1954.

Những trang sử cách đây 70 năm còn ghi rõ, những công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ đã làm hết sức mình đấu tranh bảo vệ thiết bị, máy móc đảm bảo cho Thủ đô bừng sáng ngay từ ngày đầu tiếp quản. Những người Thợ điện nhanh chóng triển khai phương án cấp điện an toàn, đảm bảo phục vụ các hoạt động của Đảng, Chính phủ và giữ cho nhịp sống của nhân dân Thủ đô không bị xáo trộn.

Sau khi tiếp quản Thủ đô năm 1954, Nhà máy đèn Bờ Hồ và Xưởng phát điện Yên Phụ được sửa chữa, đưa vào hoạt động nhằm phục vụ các nhu cầu cơ bản về điện năng của thành phố. Đây là giai đoạn mà điện lực Thủ đô không chỉ nỗ lực khôi phục cơ sở vật chất, mà còn phải xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên và công nhân đáp ứng công việc để phục vụ cho sự phát triển dài hạn.

Hà Nội lúc này có hơn 70 trạm điện rải rác trên các tuyến phố. Từ mỗi trạm này tỏa ra một mạng lưới điện hạ thế 110/220V vươn ra bán kính khoảng 500÷1.000m, cấp điện cho đèn công cộng, nhà dân và các cửa hàng, cửa hiệu. Tại Xưởng phát điện Yên Phụ có các đường cáp 6kV cung cấp điện đến các trạm hạ thế khu vực phía Bắc, phía Tây của thành phố, kể cả thị xã Hà Đông. Một số đường cáp 6kV cấp điện cho các trạm khu vực giữa Yên Phụ và Bờ Hồ đấu vào thành buồng chia điện Bờ Hồ, từ đó hình thành nhiều đường dây cấp điện cho các trạm phía Nam Thành phố.

Để động viên những người đã dũng cảm lao động quên mình cho dòng điện vận hành liên tục, chỉ sau 2 tháng tiếp quản Thủ đô, mặc dù bận trăm công ngàn việc, ngày 21/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên chức đang làm việc tại Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Bài phát biểu ngắn gọn và sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô, các chú, từ cán bộ đến công nhân, đã ra sức đấu tranh giữ nhà máy tương đối được hoàn toàn. Đấy là một điều rất tốt. Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, các cô, các chú đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố được tiếp tục như thường. Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô, các chú”.

Xây dựng móng cột điện những năm 60.

Công cuộc khôi phục và phát triển lưới điện buộc phải “Đi trước một bước” để cung cấp nguồn động lực cho các lĩnh vực kinh tế khác phát triển và ổn định đời sống của nhân dân. Cũng từ Xưởng phát điện Yên Phụ có 4 đường dây 30,5kV tỏa đi cung cấp điện cho các phần còn lại của thành phố và một số tỉnh lân cận. Các đường dây tải điện Hà Nội - Hà Đông, Hà Nội - Sơn Tây, Hà Nội - Hưng Yên được phục hồi, các đường dây cũ được nâng cấp thành 35kV…

Lần đầu tiên máy tuốt lúa chạy điện được sử dụng ở miền Bắc năm 1965.

Những năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Tại Thủ đô Hà Nội nhiều trạm điện, cột điện, đường dây bị phá huỷ và hư hỏng. Điện lực Thủ đô tổ chức sơ tán cơ quan, thiết bị, thành lập Đội tự vệ, trang bị các hệ thống đóng/cắt cho chiếu sáng, đèn đường… Đồng thời chủ động xây dựng các phương án cấp điện “thời chiến” cho các cơ quan đầu não, sân bay, trận địa; xây dựng trạm trung gian Bắc Biên, các trạm sơ tán PK1, PK2; lắp đặt 18 trạm phát điện diezen trên khắp địa bàn Thủ đô.  

Cột điện 35kV dựng tạm bằng thang tre tại Yên Viên sau những lần bị ném bom.

Với tinh thần “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” những người Thợ điện Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh, ngày đêm phục vụ quân và dân sản xuất chiến đấu. Tất cả cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt lên mọi đau thương mất mát, thi đua lao động sản xuất, tạo dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, chung sức xây dựng hậu phương lớn, làm chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng quân xâm lược. Trong trận chiến giữ cho nguồn sáng, 02 công nhân điện đã hi sinh trong quá trình vận hành, sửa chữa, bảo vệ lưới điện. Đó là liệt sỹ Hoàng Thế Doãn và liệt sỹ Đào Xuân Phương. Đó là tấm gương dũng cảm như công nhân Nguyễn Đình Thanh đang trực ca đã nhanh chóng cởi áo, nút lại lỗ thủng có nguy cơ chảy hết dầu do bị bom bi làm thủng…

Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cùng với công cuộc tái thiết, xây dựng thủ đô, Điện lực Hà Nội bắt tay vào củng cố lưới điện, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố. Chính giai đoạn từ năm 1975 - 1985 là thời kỳ khó khăn nhất của ngành điện. Nguồn điện thiếu nghiêm trọng, lưới điện chắp vá, hệ thống thiết bị điện khan hiếm. Điện lực Hà Nội vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh vừa đẩy nhanh tiến độ nâng cấp lưới điện, tăng cường kiểm tra, từng bước đưa việc cung ứng điện vào nề nếp.

Có thể nói, từ Nhà máy Đèn Bờ Hồ khi xưa đến Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội ngày nay, Điện lực Thủ đô đã trải qua rất nhiều gian khổ, hy sinh, qua nhiều chông gai và thử thách. Các thế hệ Thợ điện bằng sự quyết tâm và nghị lực phi thường vượt qua khó khăn về đời sống, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến vật tư, đoàn kết một khối đóng góp vai trò quan trọng trong những tháng năm gian khó trong chiến tranh, là tiền đề cho giai đoạn sau này phát triển cùng Thủ đô và đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Theo: EVNHANOI