Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM (giữa) và ông Nguyễn Duy Quốc Việt (bìa phải), Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM kiểm tra tại Trung tâm dữ liệu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Việc xây dựng chính quyền số, quản lý đô thị thông minh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó ngành điện là một trong những đơn vị đi đầu, tạo nền tảng cho TP.HCM phát triển thành một đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, vận hành.
Người dân lợi gì từ chuyển đổi số?
Những ngày gần đây, một sự cố về đường điện xảy ra tại huyện Củ Chi khiến hơn 1.000 khách hàng mất điện. Sau sự cố, ngành điện đã tái lập cấp điện ngay lập tức cho khoảng 80% hộ dân bị ảnh hưởng. Cùng với đó, trung tâm điều độ đã cô lập khu vực bị sự cố, công ty điện lực Củ Chi cũng cử nhân viên đến hiện trường khắc phục, tái lập nguồn điện cho các hộ dân còn lại ngay trong đêm.
Một ví dụ khác, việc ghi số điện và chuyển nguồn điện khi hệ thống điện gặp sự cố. Bà Kim Ngân, quận Gò Vấp chia sẻ trước đây vào các phiên ghi điện, bà hoặc người trong gia đình phải túc trực mở cửa cho nhân viên ghi điện đến lấy số. Từ khi lắp công tơ đo xa đã dứt điểm được việc này. "Có hôm nhà tôi bị sự cố điện, một lúc sau có người bên điện lực gọi hỏi sự cố này chỉ nhà tôi gặp phải hay cả khu vực. Sau khi có nhân viên điện kiểm tra, tôi mới biết, thông qua quản lý từ xa họ biết được khu vực tôi ở bị chập điện nên khiến khoảng mấy chục hộ bị mất điện. Người nhân viên này nói sẽ chuyển nguồn để cấp điện cho người dân trong lúc đợi sửa đường dây bị chập", bà Ngân nói thêm.
Sở dĩ ngành điện có thể phát hiện, khắc phục được những sự cố trong thời gian rất ngắn do toàn bộ hệ thống lưới điện được số hóa và giám sát tự động. Hệ thống này đã được lắp đặt điều khiển từ xa cho 776/776 tuyến dây lưới điện trung thế thông qua gần 1.900 thiết bị đóng cắt thông minh kết hợp với hạ tầng viễn thông dùng riêng. Vì vậy, mọi diễn biến trên hệ thống lưới điện, kể cả khi có sự cố, nhân viên ngành điện "ngồi nhà" có thể biết được và lập phương án xử lý đảm bảo sự cố được giải quyết thời gian nhanh nhất, tình trạng cúp điện cũng được cô lập ở phạm vi nhỏ nhất. Đây là ví dụ điển hình về lợi ích mà người dân TP.HCM được hưởng từ việc chuyển đổi số của ngành điện. Từ đó, ngành điện đảm bảo cung cấp điện liên tục ổn định, với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đến hết quý 3 năm 2020, ngành điện thành phố đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đối với 19/19 loại hình dịch vụ. Kênh tương tác của EVNHCMC với khách hàng cũng đa dạng, phong phú từ tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 54 54 54, tổng đài nhắn tin SMS đến website, email, ứng dụng trên thiết bị di động...
Hoàn thành chuyển đổi số trong năm 2022
Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM khẳng định việc chuyển đổi số sẽ hoàn thành trong năm 2022. Để đạt được mục tiêu này công ty đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, các thiết bị, công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, hiệu năng và tính ổn định trong quá trình vận hành.
Đặc biệt, việc đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu từ tháng 8-2020 đã đánh dấu cho bước chuyển từ việc quản lý theo mô hình truyền thống sang mô hình doanh nghiệp số. Tòa nhà trung tâm dữ liệu của Tổng công ty được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Tại đây có nguồn điện dự phòng nhằm đảm bảo vận hành liên tục khi mất nguồn cung cấp điện chính và có khả năng mở rộng đáp ứng yêu cầu cho các hệ thống thông tin trong tương lai. Hơn cả để phát triển xanh, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, trung tâm có lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái với công suất đỉnh là 90kWp.
"Trung tâm dữ liệu nắm giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của Tổng công ty. Toàn bộ dữ liệu và các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành lưới điện, các dịch vụ điện trực tuyến cho khách hàng... được lưu trữ an toàn, bảo mật. Mọi hoạt động của ngành điện thành phố được vận hành liên tục, hiệu quả tại trung tâm dữ liệu này", ông Bảo nói.
Ông Bảo nhận định chuyển đổi số là kế hoạch trọng tâm trong chiến lược phát triển tổng thể của Tổng công ty Điện lực TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 và cũng hoàn toàn phù hợp với "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ và "Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM" của UBND TP.HCM.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã xác định việc triển khai thực hiện chuyển đổi số toàn diện đóng vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định trong chiến lược phát triển bền vững của Tổng công ty giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tới, nhằm tạo nền tảng để phát triển Tổng công ty ngang tầm các công ty điện lực tiên tiến trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần vào việc phát triển nền kinh tế số của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Trung tâm dữ liệu - "trái tim" ngành điện thành phố
Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết Trung tâm dữ liệu của công ty sẽ đáp ứng tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý lưới điện, dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng. Đây là "trái tim" của ngành điện thành phố. Trung tâm vận hành 24/7 và kết nối với tất cả các cơ sở, đơn vị của ngành điện để tiếp nhận thông tin truyền về sau đó sẽ có sự điều phối ngược trở lại. Nói cách khác, đây ngoài là nơi lưu trữ nền tảng dữ liệu đầy đủ và xử lý thông tin nhanh chóng để giúp ngành điện thực hiện chuyển đổi số và xa hơn là áp dụng trí tuệ nhân tạo.Về việc kết nối với các ngành khác để phục vụ người dân tốt hơn, ông Việt chia sẻ hiện tại ngành điện đã kết nối vào cổng dữ liệu công Quốc gia của Chính phủ và của TP.HCM. Sau này, ngành điện sẽ kết nối với các ngành nghề khác thông qua hệ sinh thái dữ liệu. Từ cơ sở này các ngành nghề khác có thể tham gia vào và cùng khai thác dữ liệu để phục vụ người dân tốt hơn.