Nhân viên Công ty SolarBK lắp đặt một công trình áp mái cho khách hàng
Bộ Công Thương vừa đề xuất với Chính phủ giảm giá mua điện mặt trời áp mái từ 9,35 cent/kWh xuống còn 8,38 cent/kWh. Tuy nhiên, tại khu vực miền Nam, nhu cầu lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái vẫn không bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, dù giá điện mặt trời mới chưa ban hành nhưng lượng khách hàng đăng ký lắp đặt tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Sức hút của mặt hàng này xuất phát từ hiệu quả kinh tế; có sự hỗ trợ tích cực của ngành điện trong việc đăng ký, tư vấn, lắp đặt và hỗ trợ về tài chính của doanh nghiệp cung cấp thiết bị.
Tại miền Nam, tính đến ngày 30/11, tổng công suất năng lượng mặt trời áp mái đã có 161.908 phiếu đăng ký lắp đặt, công suất 95.650 kWp, đạt 169% so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao. Trong số này, có 9.262 khách hàng đã lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện. Sản lượng phát lên lưới 11 tháng năm 2019 là 46,74 triệu kWh. Và 3.896 khách hàng đã được EVNSPC thanh toán với sản lượng 27,97 triệu kWh, tương ứng 64,62 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có 252 khách hàng lắp đặt với công suất hơn 1.600 kWp. Ông Trần Thanh Hải - Phó giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết, năm 2019, dự kiến điện mặt trời áp mái sẽ đạt công suất khoảng 4,5 MWp. Với việc khách hàng tiếp tục đăng ký lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái như hiện nay, hy vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Huỳnh Văn Nam - ở TP. Vũng Tàu vừa đầu tư hơn 200 triệu đồng lắp đặt gói điện mặt trời áp mái công suất 15 kWp. Theo tính toán, nếu giá điện 9,35 cent/kWh, thời gian thu hồi vốn vào khoảng 4 năm 4 tháng; nếu giá bán điện là 8,38 cent/kWh thì thời gian hoàn vốn là 4 năm 8 tháng. "Nếu giá điện giảm khoảng 10% thì nhà đầu tư chỉ giảm chút ít doanh thu và kéo dài hơn thời gian hoàn vốn. Việc này không ảnh hưởng nhiều khi gói đầu tư kéo dài hơn 20 năm" - ông Nam phân tích.
Đại diện Công ty Đạt Solar - ông Bùi Việt Phương - cho hay, công ty hiện có hơn 2.000 khách hàng điện mặt trời áp mái, công suất 30 MW. Nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái có "giảm nhiệt" so với trước ngày 30/6, nhưng vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do giá điện ngày càng tăng nhưng nguồn điện giảm, chi phí đầu tư rẻ hơn trước. "Ba năm trước, đầu tư 1 kWp khoảng 25 - 30 triệu đồng, hiện chỉ còn khoảng 18 triệu đồng/kWp. Với gói đầu tư lớn, giá chỉ còn khoảng 16 triệu đồng/kWp" - ông Phương chia sẻ.
Điện mặt trời áp mái tại khu vực miền Nam được nhận định đang là lĩnh vực phát triển nóng. Nhiều loại thiết bị mới ra đời, nhiều gói kích cầu lớn cũng được áp dụng dành cho khách hàng. Đơn cử mới đây, Công ty SolarBK và Ngân hàng VPBank đã ký kết gói "Tín dụng xanh cho điện mặt trời tươi" với lãi suất từ 18%/năm, mức vay tối đa 300 triệu đồng, thời gian cho vay tối đa 60 tháng. Để kích cầu, SolarBK còn hỗ trợ 1.098 khách hàng đăng ký lắp giải pháp BigK sẽ được nhận tiền ưu đãi tương ứng với toàn bộ lượng điện tạo ra từ thời điểm hoàn thiện lắp đặt đến hết ngày 30/3/2020.
Nhờ lợi thế có nhiều ngày nắng, thiết bị rẻ, cùng với nhu cầu sử dụng điện ngày càng gia tăng, đây chính là sức hút để điện mặt trời áp mái không ngừng lan tỏa ở khu vực miền Nam.
Link gốc