Đại diện các khu công nghiệp thỏa thuận công tác tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm - Ảnh: THU HIẾN
Theo EVN HCMC, đến nay đã có 3.366 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt 39.31MWp, điện năng phát lên lưới là 6,03 triệu KWh. Tuy vậy, theo ông Việt, con số trên còn quá khiêm tốn so với tiềm năng.
TP.HCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày và liên tục trong cả năm. Cường độ bức xạ khá cao 4,3Wh/m2/ngày nên tiềm năng phát triển và khai thác năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn.
Giải thích nguyên nhân nhiều người chưa lắp đặt điện mặt trời áp mái, ông Việt cho biết khách hàng và doanh nghiệp vẫn còn phân vân nhiều về hiệu quả kinh tế. Thứ hai, sản phẩm điện mặt trời đa dạng cũng khiến nhiều người lo lắng về chất lượng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn tỏ ra lo ngại chính sách giá điện mặt trời có sự thay đổi. Ông Đoàn Minh Duy - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp - thương mại Củ Chi - chia sẻ: Các doanh nghiệp trong KCN có điều kiện thuận lợi vì có diện tích mái lớn, tiện cho việc lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Tuy nhiên, họ lo ngại chính sách giá mua điện mặt trời sẽ có sự thay đổi vì hiện nay Bộ Công thương đang dự thảo quyết định thay thế quyết định 11-2017 của Thủ tướng (cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại VN) nên giá mua điện 9,35 cent (2.086 đồng)/kWh có thể giảm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Quốc Việt cho biết chậm nhất là trong tháng 8, đầu tháng 9 sẽ có giá điện năng áp mái mới.
Tuy nhiên, ngành điện đã kiến nghị cơ quan chức năng giữ lại mức giá 9,35cent cho điện mặt trời áp mái được áp dụng đến năm 2021. Về chi phí đầu tư, đại diện EVN HCMC khuyến nghị các doanh nghiệp nên lựa chọn sản phẩm có chất lượng phù hợp với vốn mà mình có.
Theo: Tuổi trẻ