"Việt Nam cần điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng"

Thứ hai, 11/5/2015 | 10:03 GMT+7
Trước những ưu điểm của điện hạt nhân như đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính… nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã quyết định lựa chọn phát triển điện hạt nhân. Tuy vậy, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, vấn đề quan trọng nhất của việc phát triển điện hạt nhân là phải đảm bảo an toàn, an ninh...

Các chuyên gia Nga và Việt Nam đang khảo sát khu vực xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
 
 
Mục tiêu phát triển điện hạt nhân
 
Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 về phát triển điện hạt nhân, là xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành an toàn, khai thác hiệu quả. Đồng thời xây dựng cơ sở vững chắc cho chương trình dài hạn về phát triển điện hạt nhân, từng bước nâng tỉ lệ điện hạt nhân đạt mức hợp lý trong tổng sản lượng điện năng quốc gia.
 
Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nước trên thế giới trong triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân. Theo Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam đang tích cực triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việt Nam đã ký với Nga và Nhật Bản các hiệp định hợp tác, trong đó Nga là đối tác dự án Ninh Thuận 1 và Nhật Bản là đối tác dự án Ninh Thuận 2. Đây là dự án lớn về quy mô và đầu tư, đặc biệt về bảo đảm an toàn, an ninh nên thời gian chuẩn bị từ 10-15 năm và thời gian xây dựng từ 5-6 năm, mang tính rủi ro cao. Nhưng trong quá trình bắt đầu chương trình điện hạt nhân, Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân. Cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp. Hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn chỉnh, thiếu nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) trong mọi lĩnh vực liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
 
Bởi vậy, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phải thực hiện hết sức chặt chẽ, việc chuẩn bị đầu tư và phát triển các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 phải đảm bảo được 3 yêu cầu cơ bản. Đó là bảo đảm an toàn, an ninh cao nhất; thực hiện đúng quy định của pháp luật và dự án phải có hiệu quả kinh tế.
 
Ông Nikolay Drozdov, Giám đốc khối Kinh doanh quốc tế của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia ROSATOM, Liên Bang Nga cho biết, điện hạt nhân là lĩnh vực mới, song các công ty lớn của Việt Nam có kinh nghiệm thực hiện những dự án nhiệt điện, thủy điện lớn đều có thể đủ điều kiện tham gia làm thầu phụ cho dự án điện hạt nhân Việt Nam.
 
Ngoài vấn đề chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật bước đầu cho việc thi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trong tương lai gần, những năm qua ROSATOM đã chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực về điện hạt nhân cho Việt Nam. "Với những quốc gia mới bắt đầu tham gia phát triển điện hạt nhân thì việc đào tạo chuyên gia rất quan trọng"-ông Nikolay Drozdov nhấn mạnh .
 
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng: Vai trò của điện hạt nhân trong bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam; pháp quy hạt nhân; quản lý nhà nước về an toàn; an ninh điện hạt nhân; nguồn nhân lực; vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng… là những nội dung quan trọng đối với việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.
 
Đẩy mạnh tuyên truyền
 
Việt Nam mới bắt đầu xây dựng và phát triển điện hạt nhân nên hiểu biết, nhận thức về điện hạt nhân trong cộng đồng còn chưa đầy đủ, đồng đều. Do đó công tác tuyên truyền là việc quan trọng cần được tăng cường và tiến hành một cách có chiến lược, bài bản, thường xuyên, liên tục và lâu dài.
 
Ngày 28/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020, tại Quyết định số 370 và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện Đề án này một cách tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, s au khi có chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thì người dân nơi đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận rất băn khoăn, lo lắng... nên khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư... Điều đó cho thấy công tác thông tin tuyên truyền về vấn đề điện hạt nhân chưa được quan tâm đúng mức.
 
Đầu năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia ROSATOM, Liên Bang Nga về việc hợp tác hỗ trợ thông tin đối với các dự án chung trong lĩnh vực công nghiệp điện hạt nhân giai đoạn 2015-2020.
 
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), thông tin, tuyên truyền là một trong 19 vấn đề cần thiết cơ bản trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Công tác tuyên truyền và thông tin đại chúng về điện hạt nhân phải đi trước một bước, trước khi triển khai dự án và phải tiếp tục thực hiện thường xuyên trong quá trình xây dựng, vận hành và cả khi nhà máy điện hạt nhân dừng hoạt động.
 
Liên quan đến việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, theo bà Bà Tiina Tigerstedt, Giám đốc Quan hệ công chúng và truyền thông quốc tế của Công ty điện lực Fennovoima, Phần Lan: Sau sự cố tại Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011, các chuyên gia đều cho rằng xây dựng "văn hóa an toàn điện hạt nhân" là rất cần thiết khi phát triển lĩnh vực này. "Để xây dựng "văn hóa an toàn điện hạt nhân" thì câu chuyện thông tin đến người dân là vô cùng quan trọng. Người dân phải hiểu được những gì đã diễn ra, tác động của nó, rủi ro của điện hạt nhân và đem so sánh, cân nhắc với nhu cầu điện mà họ luôn cần, để phát triển điện hạt nhân tốt hơn. Ngoài ra, cũng cần thông tin về hạn chế và rủi ro của tất cả các dạng phát điện khác để công chúng có sự nhìn nhận một cách công bằng, để trong tương lai có thể sử dụng điện hạt nhân an toàn và hiệu quả hơn".
Theo: TTXVN