Quản lý năng lượng

Điện năng lượng mặt trời phát triển những thành phố thông minh

Thứ hai, 25/5/2020 | 15:07 GMT+7
Điện năng lượng mặt trời là một phần quan trọng trong việc phát triển các thành phố thông minh khi nó không chỉ là một giải pháp cho môi trường sạch mà còn đáp ứng nhu cầu năng lượng cho thành phố.
 
dien-nang-luong-mat-troi-phat-trien-nhung-thanh-pho-thong-minh-2
Mạng lưới pin mặt trời trên nóc khu phức hợp nhà cao tầng tại thành phố New York, Mỹ.
 
Điện năng lượng mặt trời – một giải pháp về năng lượng sạch
 
Thuật ngữ thành phố thông minh được biết đến từ năm 2009 và nhanh chóng trở thành trào lưu của các đô thị trên thế giới. Xây dựng thành phố thông minh được nhiều quốc gia quan tâm, ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Có nhiều định nghĩa về thành phố thông minh (hay đô thị thông minh) tuy nhiên đều nhấn mạnh vào yếu tố công nghệ thông tin – truyền thông và công nghệ năng lượng để nâng cao chất lượng sống của người dân. Theo Ủy ban châu Âu, có 6 lĩnh vực cần chú ý khi xây dựng thành phố thông minh:
 
Có thể thấy, điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo nói chung là một phần quan trọng của thành phố thông minh khi liên quan trực tiếp đến 2 lĩnh vực là giao thông thông minh và môi trường thông minh. Trong đó, điện mặt trời đang ngày càng được khai thác rộng rãi với nhiều hình thức khác nhau (hệ thống điện mặt trời với các tấm pin năng lượng mặt trời, mái ngói năng lượng mặt trời tạo ra điện năng cung cấp cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt, các công trình công cộng; điện mặt trời để vận hành các loại xe điện, thùng rác thông minh…). Đặc biệt, do việc xây dựng, vận hành thành phố thông minh đòi hỏi lượng điện năng tiêu thụ rất lớn nên phát triển điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo càng có ý nghĩa quan trọng khi đóng vai trò là nền tảng cung cấp năng lượng.

Nhìn từ những thành phố thông minh lớn trên thế giới
 
New York là một trong những thành phố thông minh nổi bật trên thế giới. Tại New York, các giải pháp thông minh được sử dụng để giải quyết những vấn đề về chất lượng, bảo tồn nước, an toàn công cộng và quản lý chất thải. Có thể kể đến các giải pháp như: đồng hồ nước tự động có thể phát hiện bất thường trong tiêu thụ để cảnh báo rò rỉ nước; thùng rác thông minh chạy bằng năng lượng mặt trời có thể giám sát mức độ, gửi cảnh báo và tối ưu hóa lịch trình lấy rác; hệ thống đèn LED có khả năng tự điều chỉnh cường độ ánh sáng và bật/tắt theo số lượng người cư trú… Đặc biệt, những nóc nhà san sát ở New York đang biến thành các tấm pin mặt trời khổng lồ để tạo ra nguồn điện năng lượng mặt trời. Hội đồng Thành phố New York quy định các tòa nhà cao tầng phải lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc phải phủ cỏ xanh trên nóc. Chính quyền bang còn đưa ra một dự luật có tên Đạo luật đi đầu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ cộng đồng. Theo dự luật này, đến năm 2030, 70% sản lượng điện của New York sẽ phải khai thác từ nguồn gió, mặt trời, nước. Đến năm 2040, sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng phi carbon dioxide.
 
Hay Copenhagen – một thành phố thông minh tại Đan Mạch đồng thời là thành phố xanh nhất thế giới (theo Global Green Economy Index 2016). Tại Copenhagen, có nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng cung cấp cho hàng chục nghìn gia đình và doanh nghiệp. Xe buýt công cộng của thành phố chuyển đổi dùng điện thay vì dùng dầu diesel. Copenhagen còn là “thủ phủ” của những chiếc xe đạp, thậm chí có cả những cây cầu dành riêng cho xe đạp. Giao thông đường thủy là các con thuyền làm bằng gỗ hoặc vật liệu bền vững, chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc điện. Các khách sạn đều chú trọng vấn đề quản lý môi trường để đảm bảo những tiêu chuẩn về thiết kế, năng lượng, thực phẩm… Có đến hơn 60% phòng khách sạn trong thành phố này có giấy chứng nhận thân thiện với môi trường. Hiện tại, Copenhagen vẫn đang nỗ lực với nhiều sáng kiến để trở thành thành phố trung hòa khí carbon đầu tiên vào năm 2025.
 
Ở nước ta, một số tỉnh thành lớn cũng đã xây dựng và phê duyệt đề án thành phố, đô thị thông minh. Điện năng lượng mặt trời cũng đang được khuyến khích phát triển để bổ sung cho nguồn điện hiện có. Đặc biệt, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, các tòa nhà thương mại, đơn vị sự nghiệp Nhà nước… được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cung cấp nguồn năng lượng tại chỗ. Có thể nói, đây được xem như một chiến lược và tiền đề quan trọng để các tỉnh thành xây dựng thành phố thông minh thành công.

Link gốc 
 
Theo: Năng lương news