Tin trong nước

Điện nơi vùng cao Mù Căng Chải

Thứ tư, 18/2/2009 | 10:31 GMT+7
Vài năm trước đây, đi Mù Căng Chải, ai cũng thấy ngại, thậm chí người ta còn ví Mù Căng Chải như đảo Trường Sa của Yên Bái. Bởi đường từ Thành phố Yên Bái đi huyện vùng cao xa nhất này đầy bùn đất, ổ trâu, ổ voi mà chỉ có xe U oát mới đi nổi, tuy chỉ có 200 km, nhưng phải đi mất cả ngày. Nhưng bây giờ, con đường từ Tú Lệ vượt đèo Khau Phạ đi Mù Căng Chải đã được nâng cấp trải thảm nhựa phẳng lỳ, xe vượt Cổng trời lẫn trong những đám mây bồng bềnh như trôi trên sóng nước, chỉ cần nửa ngày đã đến được trung tâm huyện.
Qua cửa kính xe, tôi đã nhìn thấy đường dây tải điện 35 kV ẩn hiện như sợi chỉ mỏng mảnh vắt mình, vượt qua những dãy núi mờ sương, cạnh đó là những cánh rừng thông, sa mu đang khép tán. Chi nhánh điện Mù Căng Chải nằm ngay đầu thị trấn, nép mình bên gốc sa mu cổ thụ. Dưới gốc sa mu, mấy chú ngựa của đồng bào H’Mông đi chợ huyện về nghỉ đang nhai cỏ. Chi nhánh được thành lập cuối năm 2000, tách ra từ Chi nhánh Nghĩa Lộ, là đơn vị trẻ nhất trong Ðiện lực Yên Bái. Chi nhánh chỉ có 8 CBCNV nhưng phải quản lý 54 km đường dây 35 kV, 14 km đường dây hạ áp với 22 TBA 35/0,4 kV, tổng công suất 2.590 kVA, trên địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại vô cùng khó khăn .

Có dịp cùng anh Nguyễn Xuân Nam - Trưởng Chi nhánh điện Mù Căng Chải đi kiểm tra sử dụng điện ở bản Xéo Sìn Hồ, xã Lao Chải - nơi bà con người H’Mông vừa mới được dùng điện lưới, tôi mới cảm nhận hết nỗi vất vả khó khăn của những người thợ điện vùng cao này. Gửi lại xe máy dưới đường 32C, chúng tôi đi bộ trên con đường dốc ngược, chênh vênh. Chỉ có 5 km đường bộ, nhưng phải đi mất hơn 2 giờ. Cả bản chỉ có non trăm nóc nhà, nhưng được đầu tư một trạm 35/0,4 kV công suất 50 kVA bằng nguồn vốn 135 của Chính phủ. Ðời sống bà con người H’Mông còn nghèo, nên công suất sử dụng điện còn ít, nhưng nhờ có điện, nhiều hộ đã mua được ti vi, máy xay xát… Ánh sáng văn minh đã vươn tới những nơi xa xôi này. Chúng tôi đến thăm nhà Trưởng bản Giàng A Tông. Trong nhà đã thấy có chiếc điện thoại cố định không dây EVNTelecom và đèn compact. “Nghe theo tuyên truyền vận động của cán bộ chi nhánh điện, người H’Mông bản Xéo Sìn Hồ đã biết cách tiết kiệm điện, nên dùng đèn mới này. Lại có cái điện thoại không cần dây, thấy tiện lắm, đời sống bà con bắt đầu đổi mới rồi” - Trưởng bản Giàng A Tông cười nói với chúng tôi như thế.

Hoạt động điện lực ở miền núi đã khó khăn rất nhiều, nhưng ở Mù Căng Chải thì sự vất vả còn nhiều hơn nữa. Riêng công tác kinh doanh, để hoàn thành từ ghi chỉ số công tơ, vào thẻ sản lượng, phát hoá đơn đến thu tiền xong là cả một công đoạn vất vả, có nơi tổng hoá đơn tiền điện cho tất cả các hộ được cấp điện từ một TBA chỉ bằng một hộ sử dụng điện ở thành phố, nhưng chi phí đi thu thì gấp mấy lần. Anh Nguyễn Xuân Nam tâm sự: “Kinh doanh điện năng ở vùng cao như Mù Căng Chải thì không thể tính đến lợi nhuận, mà chủ yếu là phục vụ chính trị, xã hội. Nhờ có điện, công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước qua các phương tiện thông tin đến với bà con người dân tộc nhanh hơn”.

Nỗi vất vả của những người thợ áo cam nơi đây còn là thời tiết khắc nghiệt. Hằng năm, gió Lào thổi từ tháng 10 đến tháng 4, nắng mà vẫn lạnh se môi. Thực phẩm đều phải chở từ Yên Bái lên nên rất đắt đỏ. Nhưng khó khăn lớn hơn là công tác tuyên truyền vận động bà con người H’Mông cùng bảo vệ đường dây tải điện. Lúc đầu, anh em Chi nhánh vấp phải sự phản đối của bà con, vì phần lớn tuyến đường đường dây 35 kV đi trên những cánh rừng thông, sa mu, rừng phòng hộ sông Ðà đã được giao khoán cho các hộ dân nên việc phát chặt hành lang rất khó. Bà con lại không biết tiếng phổ thông, nên anh em phải học tiếng H’Mông để giải thích vận động người dân. Kết quả thật bất ngờ, chính những người dân lại vui vẻ cho thợ điện phát chặt cây để bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp và họ cũng là người bảo vệ, phát hiện giúp Chi nhánh những trường hợp phá hoại, hay khi có sự cố lưới điện.

Tết ở Mù Căng chải đến sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng, vì người H’Mông ăn Tết trùng với ngày đầu năm dương lịch. Công việc của những người thợ điện Chi nhánh Mù Căng Chải lại bận hơn để giữ điện ổn định, an toàn cho bà con đón Tết.  Trong những năm qua, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Chi nhánh điện Mù Căng Chải đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chi nhánh đã có những giải pháp tích cực như thực hiện công tác khoán đến nhóm và người lao động. Nhờ đó, người công nhân gắn trách nhiệm của mình với công việc được giao. Trước đây, việc quản lý đường dây 35 kV, 0,4 kV và TBA không phân trách nhiệm cho một cá nhân nào, nên suất sự cố, vi phạm hành lang lưới điện cao áp, tổn thất, dư nợ tiền điện đều cao. Nay nhờ giao khoán, mỗi người gắn trách nhiệm cá nhân với từng đoạn đường dây, nắm chắc hành lang, vị trí tiếp địa, từng bát sứ, từng TBA, chỉ tiêu tổn thất, thu ngân… nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của Chi nhánh được nâng cao. Tỷ lệ tổn thất của Chi nhánh giảm xuống còn 2,24 %, giá bán bình quân đạt 714 đ/kWh, sản lượng điện thương phẩm đạt 1.040.000 kWh.

Trên đường về, tôi gặp những cô gái H’Mông xúng xính chiếc váy sặc sỡ như những cánh bướm xinh rập rờn trong gió, thắp sắc màu rực rỡ của hoa núi gió ngàn. Những cô gái Mông ửng hồng đôi má vì gió lạnh. Thấp thoáng, những bóng áo màu cam của người thợ Chi nhánh điện Mù Căng Chải lẫn giữa núi rừng. Họ đang lặng thầm, cần mẫn chăm lo dòng điện sáng mãi phục vụ nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo nơi đầu nguồn sông Ðà.

Theo TCĐL số 1/2009