Tin trong nước

Ðiện sáng vùng cao Hòa Bình

Thứ tư, 18/2/2009 | 09:10 GMT+7
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng hệ thống lưới điện. Ðến nay, toàn bộ 210 xã, phường, thị trấn với hơn 92% số dân trong tỉnh đã được sử dụng điện, trong đó có gần 10 nghìn hộ thuộc vùng di dân Sông Ðà.

Đóng điện tại trạm biến áp.
Hơn 20 năm trước, để xây dựng công trình thủy điện lớn của nước ta, hơn 12 nghìn người dân tỉnh Hòa Bình phải rời bỏ quê hương, bản làng đến vùng chuyển dân Sông Ðà để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy, nhưng nhiều năm sau khi nhà máy đi vào hoạt động, họ mới được dùng điện sinh hoạt.

Chuyện nghe tưởng vô lý, song để đưa được điện đến vùng cao, vùng sâu là cả một chặng gian nan vất vả. Ðồng chí Vũ Mai Hồ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hòa Bình cho biết, ở khu vực đền Thác Bờ, tỉnh phải đầu tư gần 1,8 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để kéo điện cho... bốn hộ dân. Quả là một số tiền lớn, nhưng xét về nhiều phương diện thì chưa thể sánh được với sự hy sinh của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình vì dòng điện của Tổ quốc.

Trường hợp đặc biệt là, từ khi có điện, cuộc sống của bốn hộ dân ở đền Thác Bờ được cải thiện, kinh tế gia đình từng bước ổn định và phát triển. Ðến nay cư dân ở khu vực này có hơn mười hộ.

Ðồng chí Vũ Mai Hồ cho biết thêm, trong những năm qua, chỉ riêng vùng chuyển dân Sông Ðà đã được Nhà nước và ngành điện đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng 88 công trình điện lưới với gần 500 km đường dây các loại, 49 trạm biến thế điện để cấp điện cho hơn 80% số hộ vùng chuyển dân Sông Ðà.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng vẫn còn  gặp nhiều khó khăn. Năm 2003, khi lên thăm bà con các dân tộc ở hai xã Vầy Nưa (Ðà Bắc), Tân Mai (Mai Châu), Chủ tịch nước Trần Ðức Lương xúc động trước đời sống còn nhiều thiếu thốn, khó khăn của bà con nơi đây và quyết định tặng hai công trình cấp điện cho gần 1.000 hộ dân trong khu vực. Công trình được đóng điện đúng vào dịp Quốc khánh 2-9 năm 2003, đem lại niềm vui cho nhân dân hai xã Vầy Nưa, Tân Mai. Tấm lòng của vị Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định, Ðảng và nhân dân cả nước không bao giờ quên sự đóng góp to lớn của bà con các dân tộc tỉnh Hòa Bình vì dòng điện của Tổ quốc.

Ðồng chí Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, cùng với cố gắng của địa phương, ngành điện lực Hòa Bình đã xây được hệ thống phân phối và cấp điện khá hoàn chỉnh, trị giá hàng nghìn tỷ đồng với gần 4.500 km đường dây; 1.070 trạm biến áp, trong đó có ba trạm biến áp 110 kVA.

Ngoài hệ thống lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn có hai nhà máy thủy điện nhỏ Lo So 1 và Vạn Mai, mỗi tháng cung cấp khoảng hai triệu kWh bằng 10% sản lượng điện tiêu thụ trong tháng của toàn tỉnh. Ðây thật sự là một cố gắng lớn, bởi đưa điện lên vùng cao vùng sâu rất tốn kém và vất vả. Mức đầu tư bình quân lên tới 35 triệu đồng/hộ dân sử dụng điện.

Thí dụ từ trung tâm xã Ðồng Nghê (huyện Ðà Bắc) đến xóm Ðăm dài hơn 7 km đường đi hiểm trở, ngành điện phải đầu tư gần hai tỷ đồng để kéo đường dây đưa điện đến cho gần 100 hộ dân trong xóm. Ðược biết trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 100 điểm tương tự như xóm Ðăm, đến nay đều được cấp điện.

Có điện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng cao Hòa Bình từng bước được cải thiện. Ðồng chí Bàn Thanh Tài, người dân tộc Dao, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa bộc bạch, từ ngày có công trình điện của Chủ tịch nước trao tặng, bản làng thêm sáng, ấm tình người. Bà con có điều kiện mở thêm nghề phụ, phát triển kinh tế gia đình. Ðời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức thu nhập bình quân đạt hơn bốn triệu đồng/người/năm.

 Theo kế hoạch năm 2009, Ðiện lực Hòa Bình tiếp tục nâng cấp hệ thống lưới điện, phấn đấu cấp điện cho hơn 97% số hộ dân trong tỉnh. Ðồng thời đưa thêm ba trạm biến áp 110 kVA vào hoạt động phục vụ sản xuất công nghiệp ở các huyện Lạc Thủy, Kim Bôi, hai nhà máy xi-măng Hòa Bình và Trung Sơn, nhằm tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 Thực ra, việc quản lý, kinh doanh điện ở vùng cao tỉnh Hòa Bình vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Hiện ở 191 xã vùng cao có hai hình thức quản lý, kinh doanh điện. Riêng 62 xã được ngành điện bán trực tiếp cho hộ sử dụng; còn 129 xã, điện được bán tại trạm biến áp cho các hợp tác xã dịch vụ điện năng của xã. Mỗi hình thức đều có những hạn chế.

Thí dụ khi bán điện trực tiếp đến hộ dân, công nhân ngành điện thường phải đi - về ba lần (ghi chỉ số công-tơ, thông báo số điện tiêu thụ trong tháng, thanh toán) và mất cả tuần lễ mới thu được tiền điện. Ðể giảm số lần và thời gian đi lại, thường thì sau khi ghi chỉ số công-tơ, anh chị em bỏ tiền của cá nhân ra trả cho chi nhánh điện rồi dồn lại khoảng ba tháng mới vào bản thanh toán một lần.

Do vậy, để duy trì việc bán điện tới hộ dân, Ðiện lực Hòa Bình phải bù lỗ khoảng 30 triệu đồng mỗi năm. Còn bán điện tại trạm biến áp cho các HTX dịch vụ điện năng có hạn chế là khó kiểm soát được giá điện, nguồn điện không ổn định, tổn thất cao vì các HTX dịch vụ chưa có nhiều vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ thế. Trong khi đó, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các HTX dịch vụ không được bán điện cho nông dân vượt giá trần 700 đồng/kWh mà Chính phủ quy định.

Dẫu vậy, đã có những HTX dịch vụ điện năng hoạt động khá hiệu quả. Tiêu biểu là HTX dịch vụ điện năng xã Sào Bảy (Kim Bôi). Cả 10 xã viên trong HTX đều có chuyên môn quản lý điện nông thôn, chịu trách nhiệm năm trạm biến áp và 17 km đường dây hạ thế, bán điện cho gần 1.000 hộ dân với giá 700 đồng/kWh. HTX dịch vụ điện năng xã Sào Bảy hoạt động từ năm 2004 và liên tục có bước phát triển. Ðến giữa tháng 10, lợi nhuận của HTX đạt hơn 95 triệu đồng, tăng 15% so cùng kỳ năm 2007.

Tuy nhiên, bên cạnh những HTX hoạt động có hiệu quả như Sào Bảy vẫn còn hơn 10 HTX bán điện cho dân với giá cao hơn mức 700 đồng/kWh. Thậm chí có một đơn vị ở huyện Lạc Thủy, giá điện cao tới 2.000 đồng/kWh. Ðể khắc phục tình trạng này, nên chăng cần thực hiện mô hình liên kết giữa ngành điện với HTX dịch vụ điện năng để quản lý, kinh doanh trên cơ sở bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên, giúp người dân sử dụng điện an toàn, ổn định, đúng giá quy định.

Trước mắt, ngành điện Hòa Bình cần tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống điện đến tận các hộ sử dụng. HTX dịch vụ điện năng làm đại lý cho ngành điện cũng cần thực hiện tốt hơn một số công việc như bảo vệ đường dây hạ thế, sửa chữa nhỏ khi hộ sử dụng điện có yêu cầu cũng như bảo đảm việc ghi chỉ số công-tơ và thanh toán tiền điện một cách chính xác.

Theo Nhân dân