Công nhân Điện lực Lý Sơn (Công ty Điện lực Quảng Ngãi) lắp đặt công tơ cho các phụ tải trên đảo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Lần này, ra đảo Lý Sơn, cảm giác đó lại đến, gần gũi, thân thuộc và sâu lắng.
Hơn một giờ đồng hồ trên tàu cao tốc Hoàng Sa 2, chúng tôi đặt chân đến đảo Lý Sơn, vùng đất có vai trò là một trong những địa bàn quan trọng về mặt quốc phòng thuộc vành đai bảo vệ phía Đông, là chốt tiền tiêu, án ngữ một trong những hướng vươn ra biển Đông từ cảng Dung Quất của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thu hoạch hành trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cũng giống như những hòn đảo có vị trí chiến lược trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh của Tổ quốc, những con đường ven biển nằm trong khu dân cư ở Lý Sơn đều được xây dựng kiên cố, có hệ thống kè chắn sóng bao bọc. Những dãy nhà dân tựa lưng vào nhau, chống lại bão tố, gió cát bao đời, ẩn nhẫn dưới tán những cây bàng vuông, cây phong ba, cây nhàu, cây mù u…xanh ngằn ngặt, bất chấp cái nắng kiệt khô nơi đảo xa. Ra khỏi thân làng là những ruộng hành, ruộng tỏi như những dảnh mạ non lợp những hàng chỉ xanh trên cát trắng.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, ngư dân Lý Sơn có truyền thống đánh bắt cá lâu đời. Toàn huyện hiện có trên 529 tàu cá, với tổng công suất khoảng 68.706 CV. Sản lượng khai thác hải sản 9 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 30.417 tấn, giảm 4,23% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là do, từ khi có điện lưới quốc gia, HĐND huyện đã định hướng đưa dịch vụ- du lịch lên hàng đầu về phát triển kinh tế thay cho ngư nghiệp vốn là mũi nhọn kinh tế trước đây. Hiện nay, toàn huyện có 1.253 hộ với 1.769 lao động tham gia lĩnh vực thương mại-dịch vụ, tăng 291 hộ với 326 lao động so với cùng kỳ năm 2016. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 38,01%.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Nói đến Lý Sơn, người ta nghĩ ngay đến vùng đất được mệnh danh là “vương quốc” của tỏi. Vì vậy, chủ trương của huyện Lý Sơn là sẽ giữ nguyên diện tích trồng tỏi để làm chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Theo báo cáo của UBND huyện Lý Sơn, tổng diện tích trồng tỏi vụ Đông-Xuân 2016-2017 ở Lý Sơn là 332,5ha, đạt 100,45% kế hoạch năm với năng suất tăng 118,9% so với cùng kỳ. Trước đây, khi chưa có điện lưới quốc gia, tỏi thu hoạch về được phơi từ 18-20 nắng (trong điều kiện nắng tốt), khi nào tách củ thấy bên trong vỏ khô giòn mới đưa vào bảo quản. Từ khi có điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển, người dân đã ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Người dân đã lắp hệ thống tưới tự động, theo đó, giảm được sức và nhân lực lao động. Nguồn nước tưới bằng cách này luôn giữ được độ ẩm cho cây tỏi, công đoạn sơ chế cũng sử dụng bằng điện để sấy khô nên vào mùa mưa vẫn thu hoạch được tỏi.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Khi chúng tôi ra Lý Sơn, người dân đang làm đất để trồng tỏi, nhưng những ruộng hành tím đã cho thu hoạch. Hành bó từng búi để hong trên cát trắng chờ tay người đem đi phơi phóng, tỏa mùi hương hăng nồng dịu nhẹ nơi những thửa cát bậc thang nhỏ như những ô bàn cờ.
Trong thời gian lưu lại Lý Sơn, chúng tôi đã đến cảng Bến Đình. Cảng Bến Đình được khởi công vào tháng 11-2016, tại thôn Đông xã An. Theo thiết kế, Cảng giao thông Bến Đình được xây dựng trên diện tích 8ha (bao gồm trên bờ và mặt nước), với hệ thống kè bao bảo vệ dài 506 m, đường dẫn cầu tàu dài 240m, cùng nhiều hạn mục như khu vực nhà ga, khu bán vé, nhà ga hành khách rộng 1.000 m2…Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng Cảng Bến Đình có thể tiếp nhận cùng lúc 01 tàu có trọng tải 2.000 tấn, 01 tàu trọng tải 1.000 tấn, một tàu khách công suất 400 ghế. Việc đầu tư cảng Bến Đình nhằm hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa góp phần tăng cường củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chủ quyền vùng biển phía đông của Tổ quốc. Cảng biển nơi đây sẽ trở thành khu trung tâm vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân cùng khách du lịch trong nước, quốc tế.
Cảng Bến Đình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Hệ thống cáp ngầm xuyên biển 22kV từ Bình Hải ra Lý Sơn được đưa vào sử dụng vào tháng 9-2014 đã tạo cú hích cho sự chuyển mình của huyện đảo trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân tăng cao. Phụ tải cao điểm đến cuối năm 2016 là: 2,8 MW, tăng 08MW so với cao điểm trước khi có điện lưới quốc gia.
Giám đốc Điện lực Lý Sơn Đoàn Yên cho biết, toàn bộ hệ thống đo đếm tại các trạm biến áp phụ tải và của khách hàng sau trạm biến áp công cộng đều được lắp đặt công tơ điện tử và đo xa; thực hiện ghi điện tự động và kết nối với hệ thống CMIS để phát hành hóa đơn theo hình thức hóa đơn điện tử, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả trong quản lý kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng.
Mọi sinh hoạt, hoạt động sản xuất trên đảo Lý Sơn đều phát triển từ khi có điện lưới quốc gia. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2014, số khách hàng đăng ký sử dụng điện là 4.254; điện thương phẩm đạt 3,8 Triệu kWh (phát Diesel 6 giờ/ngày đến 14/9/2016); doanh thu 7,7 tỷ đồng, thì đến năm 2016, sản lượng điện thương phẩm lên tới 11,66 triệu kWh; doanh thu: đạt 20,2 tỷ; 100% số hộ có điện với 5.572 khách hàng, tăng 1.551 khách hàng so với trước khi có điện lưới quốc gia; 9 tháng đầu năm 2017, có 5.971 hộ sử dụng điện, sản lượng điện thương phẩm đạt 10,7 triệu kWh, tăng 19,8 % so với năm 2016. Trong đó tỷ trọng theo 5 thành phần phụ tải như sau: Nông-Lâm-Thủy sản chiếm 9,2%; tăng 19,41% so với cùng kỳ; Công nghiệp– Xây dựng chiếm 11,78%; tăng 40,27% ; Thương nghiệp- Khách sạn- Nhà hàng chiếm 15,84%, tăng 34,84%; ánh sáng sinh hoạt chiếm 59,25 %, tăng 12,69% so với cùng kỳ và các hoạt động khác chiếm 3,85%; tăng 27,67%; doanh thu tăng 20,7 %.
Nhà máy điện mặt trời kết hợp máy phát Diesel trên đảo Bé cấp điện 24/24 cho các hộ dân xã An Bình. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Từ tháng 1-2016, UBND xã An Bình bàn giao hai máy phát điện của Công ty DoSan phát điện cho nhà máy lọc nước để cung cấp nước ngọt cho nhân dân xã An Bình. Sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng đường dây hạ thế để cấp điện cho khoảng 140 hộ sử dụng điện của nhân dân dân xã đảo An Bình thời gian là 9 giờ/ngày, phát theo lịch vận hành của nhà máy lọc nước (Dự án cấp điện xã An Bình huyện Lý Sơn giai đoạn 1 khoảng 8 tỷ đồng). Để đảm bảo cấp điện cho nhân dân xã An Bình, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy phát điện An Bình bằng hai tổ máy Diesel 2x110 kVA và đưa vào sử dụng vào cuối quý IV-2016 và tháng 8-2017, đưa vào hoạt động dự án năng lượng mặt trời kết hợp máy phát điện (dự án cấp điện cho xã An Bình huyện Lý Sơn giai đoạn 2 tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng) để cung cấp điện cho xã An Bình với công suất là 96 kW, nên từ thời điểm đó đến nay Điện lực Lý Sơn phát điện 24/24 giờ.
Người dân trên đảo Lý Sơn đã được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia 24/24 giờ, thay cho 5 giờ/ngày trước đây. Bên cạnh tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đây còn là công trình tri ân các thế hệ người dân Lý Sơn đã anh dũng hy sinh xương máu vì sự nghiệp hòa bình, thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Chúng tôi lên thăm cột cờ chủ quyền luôn tung bay trên ngọn núi cao nhất của Lý Sơn, giữa sóng gió Biển Đông, chợt nghe trong gió, trong đất, trong từng cây cỏ nơi hòn đảo tiền tiêu này vọng lại lời của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) nói với các quan phụ trách biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy vào tháng tư năm 1473, được ghi lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di"…
Người Lý Sơn cũng như hàng triệu người Việt Nam yêu nước, hết thế hệ này đến thế hệ khác đã sống và thầm lặng hy sinh để giữ gìn biển đảo, bờ cõi, không một phút giây hổ thẹn với tiền nhân. Cái lý của người Lý Sơn, cái lý của người Việt Nam là một thước núi, một tấc sông của ta, thì ta phải quyết giữ, cái lý đanh thép, bình dị và vĩnh hằng như chân lý cuộc đời…
Dòng điện quốc gia vươn đến đâu, cũng đều đem đến hơi ấm của đất liền, rút ngắn khoảng cách nơi đảo xa , ánh sáng từ những ngòn đèn điện tỏa sáng từng ngôi nhà, chúng tôi thấy Lý Sơn thật gần gũi, thân thương, sâu nặng ân tình....