Sự kiện

EVN cam kết cung cấp điện an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 11,5% và cao hơn

Thứ tư, 21/6/2017 | 22:17 GMT+7
Ngày 21-6, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Chủ nhiệm  Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục làm trưởng đoàn đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục -Tổ phó Tổ công tác phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Nội dung buổi làm việc về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Rà soát các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho EVN thực hiện từ tháng 10-2016 đến nay; triển khai các giải pháp đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của EVN trong thực hiện các dự án đảm bảo cung ứng điện.
 
Theo báo cáo của EVN, trong 6 tháng đầu năm 2017, EVN đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân với  sản lượng điện thương phẩm là 84,1 tỷ kWh, bằng 47,3% kế hoạch năm và tăng 10,05% so cùng kỳ năm trước; sản lượng điện xuất khẩu khoảng 0,7 tỷ kWh; giá trị sản xuất công nghiệp là 137.948 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nhóm ngành sản xuất và phân phối điện đạt 10,9%.
 

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục (phải) Tổ phó Tổ công tác trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đến nay, tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc là 43.010 MW, trong đó các nguồn điện do EVN quản lý là 26.444 MW (chiếm 61,5%). Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và 30 của thế giới.
 
Cũng trong 6 tháng đầu năm, EVN đưa vào phát điện 5 tổ máy, tăng năng lực hệ thống thêm 560MW, gồm: TĐ Trung Sơn (4x65MW) và TM1-NĐ Thái Bình (300MW);  phát điện thương mại 2 tổ máy NMNĐ Duyên Hải 3; đốt dầu lần đầu tổ máy 2 Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, dự kiến phát điện thương mại tháng 12-2017, dự kiến, tổ máy 1 phát điện thương mại tháng 6-2018.
 
 Hiện tại, EVN đang tập trung thi công để đáp ứng tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt các dự án nguồn điện đảm bảo cấp điện miền Nam đến năm 2020 như: NĐ Duyên Hải 3 mở rộng, NĐ Vĩnh Tân 4 mở rộng... các dự án trọng điểm như: TĐ Thác Mơ MR, TĐ Đa Nhim MR và các dự án nguồn điện mới được giao tại TTĐL Quảng Trạch, Tân Phước... 
 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thanh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
EVN cũng đã hoàn thành đưa vào vận hành 56 công trình lưới điện 110-500kV với khối lượng tăng thêm khoảng 360km đường dây và 3.990MVA công suất máy biến áp, trong đó đã hoàn thành các công trình phục vụ đấu nối NĐ Thăng Long, NĐ Thái Bình, hoàn thành Nâng công suất tại trạm 500kV Cầu Bông (lắp máy 2 công suất 900MVA) để cấp điện miền Nam, đã đưa vào vận hành ĐD 500/220kV Hiệp Hòa – Đông Anh và các trạm 500/220kV Đông Anh, 220kV Bắc Ninh 3 để cấp điện TP Hà Nội và lân cận (trong đó có phụ tải SAMSUNG - Bắc Ninh).  Hiện đang tập trung thực hiện công trình ĐD 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, các công trình lưới điện đồng bộ các nguồn điện mới, các công trình lưới điện cấp bách đảm bảo cấp điện miền Nam, TP Hà Nội và các khu vực phụ tải lớn.
 
Từ nay đến hết năm 2017, EVN cam kết sẽ đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện đáp ứng nhu cầu điện cả nước với mức tăng trưởng 11,5% và cao hơn. 
 
EVN đã  hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ Tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đã xây dựng xong Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2016-2020, trình Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo 09 Tổng công ty thuộc EVN xây dựng đề án sắp xếp, tái cơ cấu các Tổng công ty giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở nội dung Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2016-2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ; đã chuyển giao 03 Trường cao đẳng tuộc EVN về 03 TCTĐL miền từ ngày 01-01-2017.  EVN đang tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện theo kế hoạch đã được phê duyệt. 
 

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An đọc báo cáo. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Với việc thoái vốn tại EVNFnance, EVN đã chủ động nghiên cứu phương án thoái toàn bộ vốn của EVN tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực. Theo đó, đang triển khai thủ tục xin Giấy phép tại Ủy ban chứng khoán nhà nước, chuẩn bị đấu giá tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và các bước thoái vốn theo quy định. Dự kiến hoàn thành thoái vốn trong năm 2017.
 
Theo Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,  EVN tiếp tục nắm giữ các đơn vị: TCT Truyền tải điện Quốc gia, 05 TCT Điện lực, các Công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia, Công ty Mua bán điện, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (đổi tên từ Trung tâm VT&CNTT). Đây là các đơn vị chủ lực trong việc đảm bảo điện cho kinh tế - xã hội của đất nước, vừa đảm bảo hiệu ích tổng hợp và tham gia vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, mô hình tổ chức cơ bản đáp ứng điều kiện hình thành thị trường bán buôn điện. EVN thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong nội bộ các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị trong giai đoạn tới.
 
Trong thời gian từ 1-10-2016 đến 10-6-2017, EVN đã hoàn thành đúng thời  129/153 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đạt 84,3%;  số nhiệm vụ đang thực hiện (trong hạn) là 24 (15,7%). 
 
Sau khi nghe EVN báo cáo và ý kiến phát biểu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các ngành liên quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Nguyễn Cao Lục  đã đánh giá cao  EVN trong tổ chức triển khai nghiêm túc 100% các nhiệm vụ  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  giao, cũng như thể hiện vai trò nòng cốt của nền kinh tế.
 
Mặc dù trong thời gian qua, còn một số dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, đi vào vận hành chưa ổn định, nhưng EVN  đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các nhà thầu EPC triển khai những giải pháp tích cực khắc phục hết tồn tại để các nhà máy vận hành ổn định, tin cậy.
 
Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục cũng lưu ý EVN trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, theo đó, đặc biệt chú trọng và gắn kết chặt chẽ với các hoạt động sản xuất và đầu tư xây dựng; kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chi phí đầu tư; chủ động hơn nữa trong việc ứng phó với thiên tai, lũ lụt, các tình huống bất thường có nguy cơ đe dọa an toàn các công trình thủy điện, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối; tối ưu vận hành hệ thống điện, triệt để tiết kiệm nhằm giảm chi phí trong SXKD điện.
Thanh Mai/Icon.com.vn