Tin trong nước

Điện sáng Tây Bắc

Thứ tư, 13/1/2010 | 10:11 GMT+7

Vượt hơn 300 km đường đèo, chúng tôi đến Điện lực Sơn La để tìm hiểu về việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) mà Điện lực Sơn La đã triển khai được hơn một năm nay.

Vì lợi ích của dân

Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tổ quốc, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt, Sơn La có tới 61 bản làng nằm chạy dọc trên 200km đường biên với nước bạn Lào, có 12 dân tộc anh em sinh sống mà phần lớn là nằm ở vùng sâu, vùng xa…đã dẫn đến, việc tiếp nhận LĐHANT và xoá bản trắng về điện đang gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, đến nay Điện lực Sơn La đã tiếp nhận được 19 xã, thị trấn với trên 245,8km đường dây hạ thế, hơn 14 ngàn công tơ, trong đó 13,7 ngàn công tơ 1 pha và 335 công tơ 3 pha. Tổng giá trị tài sản lên tới 17,8 tỷ đồng.

Ngay sau khi tiếp nhận, ngành điện đã tiến hành bảo dưỡng, thay mới cột, xà, đồng hồ, trạm biến áp… để đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn. Ông Lò Văn Én, Trưởng bản Huổi Hốc, xã Nặm Păm - Mường La cho biết: “Bản nằm trên lưng chừng núi Huổi Hốc, điện có “kéo” tới  nhưng yếu lắm, bọn trẻ không thể học bài được. Nay ngành điện đầu tư cột, đường dây mới nên điện sáng rồi”.

Thành công nhất của ngành điện Sơn La là đã nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất khi có đường điện chạy qua, hay nhiệt tình giúp đở cán bộ ngành điện trong việc sửa chữa lại đường dây, dựng cột… Cụ Quàng Văn Loòng, bản Tà Làng chống gậy ra thăm cán bộ ngành điện đang lắp đường điện cho bà con dân bản, bộc bạch nềm vui: “Thế chứ! Cán bộ tốt lắm. Vậy là Già đã được sống trong những ngày có điện. Con cháu học bài từ giờ không phải dùng đèn dầu nữa, đám cưới, đám ma cũng vậy…”. Không thể tả hết niềm vui, niềm hạnh phúc của bà con nơi đây khi đón nhận dòng điện sáng quốc gia về bản. Chỉ biết rằng cuộc sống của họ từ đây đã bắt đầu đổi thay.

Sơn La hiện tại vẫn còn 3 xã Tân Xuân (huyện Mộc Châu), xã Háng Đồng, Hua Nhàn (huyện Bắc Yên) là chưa có điện sáng quốc gia. Để xoá những xã trắng về điện, Điện lực Sơn La đã lập đề án gửi Công ty Điện lực 1 (PC1) phê duyệt và đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay mà ngành điện Sơn La phải đối mặt là nguồn vốn. Ông, Lê Quang Thái, Giám đốc Điện lực Sơn La cho biết: “Những bản thuộc xã biên giới với Lào như Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn), suất đầu tư cho lưới điện ở đây lên tới 80 triệu đồng/hộ, gấp 4 lần so với suất đầu tư cho một hộ dân ở miền núi. Chưa kể sau khi đầu tư xây dựng, đưa vào quản lý vận hành cũng khó khăn không kém do địa hình hiểm trở, sản lượng điện lại quá thấp, chi phí quản lý, vận hành lưới điện đối với khu vực miền núi cao và mức độ nguy hiểm đối với cán bộ quản lý rất lớn”.

Trong khi, việc bàn giao LĐHANT đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết còn một số địa phương không muốn bàn giao lưới điện do những tổ chức làm dịch vụ và kinh doanh điện bị mất quyền lợi vì họ đang hưởng lợi nhuận từ việc chênh lệch giá (giá mua buôn từ Điện lực là 390 đồng/kWh, họ bán lẻ đến hộ dân là 700 đồng/kWh, thậm chí nhiều nơi bán 1.000- 1.500 đồng/kWh). Bên cạnh đó, các tổ chức này có quá nhiều lao động do đó việc  tiếp nhận nhân lực từ các tổ chức này hết sức khó khăn, nhất là hầu hết số lao động này lại chưa đáp ứng được chuyên môn, nghiệp vụ mà ngành điện đặt ra. 

Dù có khó khăn đến đâu, nhưng vì lợi ích của người dân, ngành điện Sơn La sẽ có gắng tiếp nhận LĐHANT 100% và đưa vào vận hành tốt, an toàn để hạn chế tối đa tai nạn điện do cơ sở vật chất bị xuống cấp.

Điện sáng bản làng


Cách đây không lâu, ông Lừ Văn Chương, Trưởng bản Huội Của, xã Viêng Lán - Yên Châu, mặc cho trời mưa tầm tã, ông Chương vẫn chạy xe máy lên tận huyện Yên Châu để đề nghị cán bộ ngành điện về đo đạc, khảo sát, triển khai sớm dự án đầu tư 1 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 1,3 km đường trục (thay cột, dây dẫn) cho bản. Dự án này đã được Công ty Điện lực 1 đầu tư bằng nguồn sửa chữa lớn. Trong khi đợi ngành điện xuống thi công, chính ông Chương và Chi bộ bản Huội Của đã vận động bà con trong bản sẳn sàng hiến đất nếu có đường điện chạy qua. Vậy là công tác giải phóng mặt bằng và đền bù được xem là khó khăn nhất khi triển khai dự án nay đã được khai thông. Lần đó, bà con dân bản Huội Của đã mổ dê, góp gạo, rượu cần tổ chức liên hoan mừng công trình.

Bản Huổi Pha, xã Cà Nàng - Quỳnh Nhai từ khi có điện, ánh đèn dầu leo lét đã lui vào quá khứ. Cụ bà Lù Thị Lèng tâm sự: “Hôm có điện, cả bản mổ trâu liên hoan. Vui quá, bọn trẻ con tha hồ hò hét, mấy cháu trong đội văn nghệ múa hát không biết mệt, thanh niên trai gái trong làng tìm đến với nhau dưới ánh điện sáng tại bản. Mỗi người trong bản có cách ăn mừng khác nhau khi điện về bản. Già thì ngồi ăn trầu và ngắm bọn trẻ nô đùa ngoài sân mà nghĩ về tương lai sau này của chúng. Chắc sẽ khấm khá hơn thế hệ của già!... rồi cụ Léng cười ồ lên và tiếp tục nhai trầu.

Những năm trước đây, bà con dân bản phải dùng đèn dầu, bếp củi để thắp sáng nên việc sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, muốn làm nhiều việc mà không được. Vậy là, gà vừa lên chuồng là nhà nào nhà nấy đóng cửa đi ngủ sớm... Sau khi được đầu tư từ nguồn vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La bà con dân bản tái định cư Huổi Pha đã có điện lưới Quốc gia, mong đợi của bà con đã trở thành hiện thực.

Bây giờ, nhà nào ở Huổi Pha cũng có ti vi, đầu đĩa, những lúc rảnh rỗi hoặc dịp lễ hội, nhà nào cũng sáng choang ánh điện, vang vang tiếng ti vi, tiếng đài...

Trưởng bản Lù Văn Hóng hồ hỡi: “69 hộ dân của bản chúng tôi đều thấy cuộc sống tốt hơn, nhà nào cũng được xem ti vi để biết được sự phát triển của đất nước và thế giới. Biết được nhiều vùng miền văn hoá khác nhau, đất nước mình rộng và đẹp quá. Giá như điện quốc gia đến với bà con dân bản sớm hơn”.

Theo: TapchiCongnghiep.vn