Phó giám đốc EVNCTI Bùi Văn Tuấn phát lệnh diễn tập PCTT&TKCN năm 2024 tại tòa nhà EVN.
Buổi diễn tập có sự tham gia của hơn 70 CBNV thuộc các đơn vị quản lý, vận hành, an ninh, kỹ thuật… cùng nhiều đơn vị khác đang làm việc tại tòa nhà EVN. Mục tiêu của buổi diễn tập nhằm nâng cao nhận thức của CBCNV làm việc trong tòa nhà EVN về công tác PCTT&TKCN, thông qua việc thực hành ứng phó với tình huống giả định trong buổi diễn tập để tạo điều kiện cho đội xung kích PCTT&TKCN nắm chắc được tình hình, đặc điểm kiến trúc, giao thông, các vị trí thoát thải và tính chất của tòa nhà, tăng cường hiệu quả công tác PCTT&TKCN khi có sự cố xảy ra.
Tình huống giả định: Trong giờ làm việc, trời đang nắng ráo bất ngờ có mây đen và gió lớn, nguy cơ có giông lốc và có mưa to. Hệ thống thang Gondola đang hoạt động bỗng dừng đột ngột do gió to khiến cảm biến gió hoạt động. Lúc này, 2 công nhân đang làm việc trên hệ thống thang Gondola cần cứu hộ. Cùng với đó, giông gió lớn gây mưa to, nước mưa tạt chảy vào sảnh thang tầng mái 33 tháp A; mưa to cuốn rác, lá cây làm tắc đường thoát nước trên mái, nước trên sân mái có nguy cơ tràn vào khu vực buồng thang máy tầng mái…
Diễn tập tình huống cứu nạn công nhân trên thang Gondola trong điều kiện gió lớn và thời tiết xấu.
Mưa lớn cũng khiến nguy cơ nước tràn vào tầng hầm phía Nguyễn Khắc Nhu, đồng thời xảy ra sự cố có 03 người mắc kẹt trong cabin thang máy tại tháp B, tòa nhà EVN.
Sau khi nhận được thông tin về sự cố, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tòa nhà EVN lập tức huy động lực lượng xung kích, chia thành các tổ khẩn trương triển khai nhiệm vụ. Trong đó, một tổ cứu hộ đã tiếp cận khu vực mái, đưa công nhân trên thang Gondola xuống và buộc cố định lồng thang Gondola; kiểm tra toàn bộ vật tư phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Một tổ tiến hành đóng toàn bộ cửa sổ của tòa nhà, các cửa ra vào tại tầng 1; kiểm tra các hệ thống thoát thải, bơm nước thải và 6 hố ga thoát thải từ tòa nhà ra hệ thống thoát nước chung của thành phố; kiểm tra và chạy thử máy phát điện dự phòng, dầu diezen dự trữ; tổ chức ứng trực tại các vị trí bơm chống lụt tầng hầm và các vị trí các cửa phòng kỹ thuật.
Khẩn trương thiết lập hệ thống đê cát chống nước mưa chảy vào tầng hầm B1 phía đường Nguyễn Khắc Nhu.
Một tổ nhanh chóng tiến hành chuyển bao cát tạo thành đường chắn tại Ram đường dốc phố Nguyễn Khắc Nhu để ngăn chặn nước tràn xuống hầm B1. Với sự cố người mắc kẹt tại thang máy tầng 33 tháp B, Ban chỉ huy đã điều hành lực lượng vận hành kỹ thuật tham gia công tác cứu hộ, giải thoát thành công cho 3 nạn nhân mắc kẹt, tiến hành bảo trì, sửa chữa và khôi phục vận hành lại thang ngay sau đó.
Sau 60 phút, tình huống thiên tai được khống chế, công nhân bị mắc kẹt trên thang Gondola được đưa xuống an toàn; người bị mắc kẹt tại thang máy tháp B cũng được giải cứu thành công, toàn tòa nhà được bảo vệ.
Đánh giá về buổi diễn tập, đại diện Ban An toàn EVN ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, tính chuyên nghiệp và sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị trong quá trình triển khai diễn tập. Đặc biệt, năm nay, các tình huống giả định và cách thức triển khai đã có thêm sự đổi mới, trong đó điểm nhấn là tình huống giải cứu người mắc kẹt trong thang máy được xử lý nhanh chóng, đúng quy trình.
Các đơn vị họp tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm sau buổi diễn tập.
Đại diện Ban An toàn EVN cũng lưu ý, đây là tình huống giả định, nên việc triển khai khá thuận lợi, áp lực về mặt thời gian và độ nguy cấp là trong phạm vi dự kiến. Trong thực tế, thiên tai diễn ra sẽ gây khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Do đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN EVN cần triển khai những giải pháp tối ưu, tính toán cụ thể về thời gian di chuyển giữa các địa điểm để bố trí lực lượng sao cho phù hợp, tiết kiệm tối đa thời gian cứu nạn, giải quyết sự cố để nhanh chóng bảo vệ con người, tài sản tại tòa nhà EVN.