Tin trong nước

Điện về vùng sâu

Thứ năm, 29/9/2022 | 09:19 GMT+7
Lộc Ninh (Bình Phước) là huyện biên giới, nhiều khu vực vùng sâu, xa chưa có điện lưới quốc gia. Để có điện sử dụng, nhiều gia đình phải câu mắc điện từ nơi khác về với giá cao, nhưng nguồn điện không đủ dùng cho sinh hoạt, bơm nước tưới. 
Công nhân Điện lực Lộc Ninh kiểm tra một tuyến đường điện tại ấp Việt Tân, xã Lộc Quang.
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,6%. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Điện lực Lộc Ninh phối hợp các địa phương triển khai đầu tư nhiều tuyến đường điện trung, hạ thế. Khi điện về vùng sâu, điều kiện sống của người dân dần thay đổi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
Đổi thay nhờ điện
 
Chị Đinh Thị Điều ở ấp Việt Tân, xã Lộc Quang vừa trò chuyện với chúng tôi vừa kéo bình ắc-quy từ trong góc nhà ra lau vì hơn 1 năm nay, điện đã được kéo về nên gia đình chị không còn sử dụng nữa. Trước đây, nấu cơm bằng bếp củi, khói, tro bụi bay đầy nhà, thì nay việc nấu cơm, nước của gia đình chị hoàn toàn bằng bếp điện. Đặc biệt, từ ngày có điện, gia đình chị Điều mở quán tạp hóa, mua tủ lạnh trữ thực phẩm lâu hơn để bán cho bà con trong ấp, nhờ vậy kinh tế gia đình cũng khá hơn. Chị Điều chia sẻ: “Có điện lưới, bà con ở đây vui lắm, nhất là ban đêm đi đâu cũng có đèn đường. Con cái học hành có ánh sáng, không còn thắp đèn dầu, sử dụng bình ắc-quy nữa. Cuộc sống càng thêm tiện nghi, nhà nào cũng có quạt máy, điều hòa, tivi, tủ lạnh…”.
 
Khu vực ngã ba, nơi giao nhau giữa ấp Việt Quang và Việt Tân, xã Lộc Quang trước đây thường xảy ra những vụ trộm cắp vặt. Hơn 1 năm nay, con đường đã được láng nhựa, lắp đèn đường, gắn camera an ninh. Do vậy, tình hình an ninh trật tự chuyển biến tích cực, không còn xảy ra những vụ trộm cắp vặt như trước. Có điện, đường giao thông thông suốt, việc vận chuyển nông sản của người dân dễ dàng, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang đổi mới. 
 
Tại một tuyến đường nhánh thuộc địa bàn ấp Việt Tân, gia đình chị Lưu Thị Sáu mới được gắn đồng hồ điện. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của chị. Trước đây, không có điện, việc phát triển kinh tế của người dân ở vùng sâu rất khó khăn. Gia đình chị Sáu trồng 2 ha điều, vườn cây đã già cỗi, năng suất kém. Vài năm trở lại đây, chị chuyển đổi một phần diện tích sang trồng tiêu. Để lấy nước tưới, chị phải dùng máy bơm nước từ hồ Lộc Quang lên vườn. Vào mùa nắng, tiền mua dầu bơm nước tưới tốn kém. Giờ có điện, chị Sáu dự tính sẽ chuyển đổi thêm diện tích trồng tiêu để phát triển kinh tế. Chị Sáu cho biết: “Người dân ở đây làm nông nghiệp thiếu nước tưới. Muốn bơm nước từ hồ lên vườn phải dùng máy dầu. Phụ nữ như tôi không thể quay máy được, giờ có điện, tôi mừng lắm, chỉ cần cắm điện là bơm nước được rồi”. 
Công nhân Điện lực Lộc Ninh đóng điện cho các hộ dân ở ấp Việt Tân, xã Lộc Quang.
 
Dù đã về đích nông thôn mới nhưng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện trên địa bàn xã Lộc Quang chỉ đạt hơn 90%. Ở khu vực vùng sâu, điện chưa được kéo tới những tuyến đường nhánh. Trong thời gian tới, xã cần đầu tư 3km đường điện trung, hạ thế. Để làm được các tuyến đường điện, ngoài nguồn vốn, địa phương cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Ông Hoàng Anh Tính, Chủ tịch UBND xã Lộc Quang cho biết: “Ban đầu, một số hộ dân chưa đồng thuận giải phóng mặt bằng. Qua tuyên truyền, vận động, các hộ dân hiểu họ là người thụ hưởng. Có điện phục vụ thắp sáng, sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân nông thôn ngày càng phát triển về mọi mặt”.

Thêm nhiều công trình điện thắp sáng
 
Hầu hết những nơi chưa được đầu tư lưới điện trên địa bàn huyện Lộc Ninh là khu vực vùng sâu, xa, dân cư sống thưa thớt. Do nguồn vốn phân bổ còn hạn chế nên ngành điện phải tính toán khả năng sinh lời sau đầu tư công trình. Trong khi chờ điện về vùng sâu, các hộ dân phải thắp sáng bằng bình ắc-quy, pin năng lượng mặt trời hoặc phải câu mắc điện ở xa với giá cao. 
 
Nhiều năm nay, các hộ dân ở tổ 5, ấp Tân Mai, xã Lộc Thành phải câu mắc điện cách xa nhà gần 1km. Khu vực này có khoảng 60 hộ dân sinh sống, cứ 6 hộ câu mắc chung 1 đồng hồ điện, giá mỗi kWh điện là 3.500 đồng. Đường dây câu mắc dài, chạy qua những vườn cây, lại sử dụng cây cột xiêu vẹo nên không đảm bảo an toàn. Vào những giờ cao điểm, nguồn điện rất yếu không đủ thắp sáng, bơm nước tưới. Các thiết bị sử dụng điện trong nhà thường xuyên bị cháy vì chập điện, trong khi mỗi hộ vẫn phải trả ít nhất 500 ngàn đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với thu nhập của những gia đình ở vùng sâu, xa, khó khăn. 
 
Hiện nay, tại tổ 5, ấp Tân Mai đang thi công 2km đường dây trung và hạ thế. Người dân rất phấn khởi, đồng thuận chặt bỏ cây trồng để đơn vị thi công cột điện. Là người dân sinh sống trên địa bàn, bà Lê Thị Thắm chia sẻ: “Để thi công đường điện, gia đình phải chặt hơn 10 cây điều. Có ánh sáng điện, cuộc sống sẽ đổi thay, thiệt hại này có đáng gì”.  Không chỉ hiến đất, bà Thắm còn vận động thêm nhiều hộ xung quanh đồng thuận giải phóng cây trồng để sớm thi công công trình điện. 
 
Ông Lê Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thành cho biết: “Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn tại xã chỉ mới đạt khoảng 80%. Toàn xã cần đầu tư thêm 18,5km đường dây trung, hạ thế. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần kiến nghị kéo điện tại các tuyến đường nhánh. Do vậy, trong năm 2022, xã có kế hoạch đầu tư 7,3km điện, ưu tiên những khu vực vùng sâu, đông dân cư”. 
 
Đến nay, tỷ lệ sử dụng điện toàn huyện Lộc Ninh đạt 98,87%. Điện lực Lộc Ninh đang quản lý vận hành hệ thống lưới điện từ 110kV trở xuống, với 738,1km đường dây trung thế, 696,9km đường dây hạ thế, 1 trạm 110kV và 935 trạm phân phối. Trong năm 2022, Điện lực Lộc Ninh xây dựng mới đường dây hạ áp 1 pha 3.444m, xây lắp mới 6 trạm biến áp 50kVA và cải tạo 20 trạm biến áp.
 
Để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ hộ dân sử dụng điện trong nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 99,6%, Điện lực Lộc Ninh đang phối hợp chính quyền địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn để có kế hoạch đầu tư trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, nhờ có điện, người dân có cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy mô, tập quán canh tác, từ đó tăng năng suất, nâng cao thu nhập. Các phương tiện nghe, nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, làm cơ sở xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cùng với sự xuất hiện của dòng điện là sự thay đổi, phát triển rõ rệt của những vùng quê nghèo. Nụ cười của người dân khi đón dòng điện về chắc chắn là món quà quý giá cho mỗi cán bộ, công nhân viên, lao động ngành điện.

Năm 2022, Điện lực Lộc Ninh được phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản các công trình điện hơn 5,4 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu tập trung sửa chữa, cải tạo các công trình điện, còn đầu tư xây mới thì rất hạn chế. Do vậy, công tác đầu tư, phát triển lưới điện trên địa bàn huyện rất cần thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương.
 
Ông HỒ VĂN ÚT, Phó giám đốc kinh doanh Điện lực Lộc Ninh.
 
 
Theo: Báo Bình Phước