Người dân xã Bản Sen được xem truyền hình thường xuyên từ khi có điện lưới.
Bản Sen ngày cũ
Bản Sen là một trong ba xã đảo nghèo nhất huyện Vân Đồn với hơn 300 hộ dân, 1.200 nhân khẩu. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, hải sản, trồng rừng, chăn nuôi.
Khi chưa có điện lưới quốc gia, nhiều sinh hoạt, sản xuất phụ thuộc vào chiếc máy phát điện. Mỗi ngày, các hộ dân chỉ dùng điện từ máy phát 2-3 giờ vào buổi tối (từ 19 giờ-22 giờ) nhưng số tiền phải trả đã vào khoảng 300-400 nghìn đồng/tháng/hộ. Với những gia đình kinh doanh, hàn xì, xẻ gỗ, chi phí cho sử dụng điện lên tới 2-3 triệu đồng/tháng. Mặc dù thế mạnh của xã Bản Sen là lâm, ngư nghiệp, song do chưa có điện nên kinh tế-xã hội của đảo phát triển chậm.
Nằm trong dự án cấp điện cho 5 xã đảo của huyện Vân Đồn (bao gồm Bản Sen, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi) do Tổng công ty Điện lực Miền Bắc làm chủ đầu tư, khởi công từ ngày 19-4-2014, sau 8 tháng thi công, ngày 16-12-2014, xã Bản Sen đã được đóng điện, chính thức hòa điện lưới quốc gia. Điện về tới từng mái nhà, từng đường làng, ngõ xóm, chi phí sử dụng điện giảm một nửa so với trước kia, đời sống của người dân thay đổi rõ rệt.
"Luồng gió mới"
Ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Bản Sen tâm sự: “Từ khi có điện, người dân đua nhau sắm các thiết bị điện như: Tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, ti vi… Tới nay, người dân có thể sử dụng điện 24/24 giờ mà chi phí còn thấp hơn dùng 2-3 giờ/ngày qua máy phát điện trước đây. Nhiều người sống trên đất liền đang có ý định chuyển ra đảo sinh sống, còn người dân ở đây thì yên tâm bám đảo”.
Cô giáo Nguyễn Thu Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Sen cho biết: “Nhờ có điện, giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Các em học sinh được tham gia lớp học âm nhạc đầy hứng thú”.
Các cửa hàng tạp hóa ở Bản Sen đã bày bán nhiều đồ điện.
Điện còn giúp cho công tác y tế thuận lợi hơn rất nhiều. ông Phạm Đức Sảo, Trưởng trạm y tế xã Bản Sen nói: “Khi có điện, việc bảo quản vắc-xin trở nên dễ dàng hơn, máy móc y tế được sử dụng nhiều nên giảm tình trạng hỏng hóc. Trước đây không có điện, vắc-xin chỉ tiêm được trong ngày, nếu không tiêm nhanh thì không dùng được nữa. Điện tới xã, công tác chăm sóc sức khỏe người dân có tiến bộ rõ rệt, các ca sinh nở, cấp cứu cũng được xử lý tốt hơn”.
Anh Lê Hùng Bách, 35 tuổi, ở thôn Nà Sắn kể: “Nhà tôi trồng cây keo nhưng tình nguyện hiến đất, hiến rừng để xây dựng đường điện tới xã. Tuy thiệt hại tới gần trăm triệu đồng nhưng tôi sẵn lòng. Gia đình tôi trồng cam, vào mùa mưa hoặc hạn hán, khi chưa có điện lưới thì không biết làm thế nào để tưới tiêu vì diện tích trồng lên tới vài héc-ta. Nay có điện, tôi dự định mở rộng diện tích cây trồng”.
Trước kia, thức ăn quen thuộc của người dân Bản Sen là lạc và cá khô. Từ khi có điện, bữa ăn của người dân trở nên phong phú hơn. Chị Trần Hồng Xiêm ở thôn Nà Sắn, chủ cửa hàng tạp hóa tâm sự: “Tôi vốn chỉ bán đồ khô, giờ có điện nên bán thêm nhiều đồ đông lạnh như: Chả mực, chả cá, thức ăn đóng hộp. Gần đây, tôi còn nhập thêm tủ lạnh, nồi cơm điện, lò vi sóng… và bán rất chạy”. Anh Trần Văn Lâm ở cùng thôn Nà Sắn mới sắm một chiếc ca-nô để phục vụ khách du lịch. Anh cho biết, kể từ khi có điện, khách du lịch đến đây nhiều hơn. Trước kia, nhiều người không muốn ở lại đảo qua đêm vì không có gì để giải trí.
Tết Ất Mùi vừa qua có lẽ là cái Tết vui nhất từ trước tới nay của người dân xã Bản Sen. Lần đầu tiên trên đảo Bản Sen, người dân được cùng nhau ca hát tại nhà văn hóa thôn, được thức thâu đêm để xem chương trình truyền hình trực tiếp chào mừng năm mới.
Điện trên đất liền có lẽ là một điều quá đỗi bình thường. Song, đối với đảo xa, nó là cả một giấc mơ, một sự đổi thay kỳ diệu.