Tin trong nước

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại tỉnh Cà Mau

Thứ ba, 8/8/2023 | 13:56 GMT+7
Ngày 7/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.


Theo báo cáo tại buổi làm việc, tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch có 1.000 MW điện gió, 60 MW điện mặt trời và 24 MW điện sinh khối. Trong 16 dự án điện gió trên địa bàn, hiện chỉ có 3 dự án với tổng công suất 100 MW đã đóng điện vận hành trước ngày 01/11/2021; có 1 dự án chuyển tiếp vận hành sau ngày 01/11/2021, công suất 50 MW (đủ điều kiện vận hành 25 MW); 01 dự án chuyển tiếp, công suất 45 MW, đã hoàn thành thi công, đang thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu, hoàn thiện các thủ tục để vận hành thương mại theo cơ chế chuyển tiếp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện đang vận hành Nhà máy điện Cà Mau 1&2 với tổng công suất thiết kế 1.500 MW.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã đề xuất kiến nghị với Đoàn công tác một số vấn đề để các bộ, ngành tháo gỡ cho tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Huỳnh Quốc Việt cũng mong muốn tỉnh Cà Mau được có những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế đang có của địa phương. Cùng với đó, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả bởi văn bản giai đoạn 2012-2015 đã hết hiệu lực.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hoà Carbon (Net-zero) vào năm 2050. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giai đoạn 2016-2021 vừa qua, ngành năng lượng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, thực tiễn triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập, cần được kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Qua giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tỉnh Cà Mau đã ban hành các chương trình, kế hoạch, chỉ thị nhằm triển khai chính sách pháp luật để tổ chức thực hiện các quy hoạch về điện lực, hệ thống năng lượng tái tạo...; các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra một số hoạt động năng lượng... đồng bộ, thống nhất và phù hợp các văn bản pháp luật của Trung ương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh cũng như những đề xuất, kiến nghị của tỉnh và các cơ quan liên quan về sửa đổi, hoàn thiện những chính sách, pháp luật liên quan về phát triển năng lượng.

“Qua giám sát thực tế, ghi nhận ý kiến của tỉnh Cà Mau, Đoàn sẽ có báo cáo tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và các ngành liên quan có những chủ trương, quyết sách phù hợp tình hình thực tế, tầm nhìn chiến lược cho tương lai, nhất là từ nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu năng lượng, mang về lợi ích kinh tế cho đất nước, đảm bảo về môi trường, ổn định về đất đai…”,  Phó chủ tịch Quốc hội kết luận.

Lê Văn Tám