Tất cả các sản phẩm, thiết bị điện gia dụng, điện tử - điện lạnh đều phải dán nhãn năng lượng.
Ông Đào Sỹ Thanh - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Sở Công Thương Hải Phòng) - cho biết, thực hiện Thông tư số 51 của Bộ Công Thương, theo đó, tất cả các sản phẩm, các thiết bị điện gia dụng, điện tử - điện lạnh đều phải dán nhãn năng lượng. Nếu các DN thực hiện nghiêm túc sẽ loại bỏ được những sản phẩm cạnh tranh không lành mạnh, nhà sản xuất sẽ có lợi hơn trong việc đưa sản phẩm đi tiêu thụ, hạn chế được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhưng muốn làm được điều này, DN phải tiến hành từng bước như thay dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, đầu tư vào kỹ thuật... Việc dán nhãn năng lượng cho sản phẩm sẽ liên quan đến kinh tế của DN, đây cũng là một trong những lý do khiến DN chưa thực sự mặn mà hưởng ứng. Vậy làm cách nào để DN có thể tiếp cận với việc dán nhãn trên sản phẩm gần hơn? Sở Công Thương đã mở lớp tập huấn đăng ký dán nhãn trên trang Web trực tuyến của Bộ Công Thương, nhưng xem ra để mời được các DN tham gia cũng không dễ dàng gì. Các DN cần tham gia chương trình dán nhãn cho sản phẩm và thường xuyên cập nhật thông tin cũng như phản ánh của DN đến cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Công Thương. Điều quan trọng nhất là việc chuẩn bị hồ sơ ban đầu khi đã đầy đủ thì DN có thể khai hồ sơ trực tuyến lên cổng thông tin của Bộ Công Thương chỉ mất 4 - 5 phút. Hơn hết, công tác tuyên truyền giúp DN hiểu lợi ích của việc dán nhãn năng lượng là rất cần thiết.
Ông Võ Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Điện cơ Hải Phòng - chia sẻ, DN đã thực hiện việc dán nhãn năng lượng cho 39 sản phẩm và tiến hành sớm hơn so với dự kiến. Việc dán nhãn cũng có khó khăn bởi sản phẩm trước khi thực hiện cần được hợp quy và chất lượng phải đảm bảo. Công ty phải đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm phải tiết kiệm được năng lượng. Khi công ty công bố sản phẩm dán nhãn năng lượng phải đảm bảo các yếu tố như: Tiết kiệm điện, hạn chế ô nhiễm môi trường, chống rò rỉ điện, chất lượng sơn phải tốt, đảm bảo lưu lượng gió... Vì vậy, phía cơ quan chức năng cần có chế tài với những DN chưa nghiêm túc thực hiện việc dán nhãn, tránh tình trạng sản phẩm của DN dán nhãn không bán được còn sản phẩm của DN chưa dán nhãn thì bán được vì người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm, chưa biết được lợi ích của sản phẩm có dán nhãn.
Tới đây, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Hải Phòng) sẽ kiểm soát chặt đầu vào những mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện dân dụng... DN nào chưa thực hiện việc dán nhãn sẽ có chế tài xử phạt. Như vậy mới mong các DN cạnh tranh lành mạnh và giúp người tiêu dùng có cái nhìn khác với những sản phẩm đã được dán nhãn.
Theo: Báo Công thương