63 tỉnh thành Việt Nam tối 29/3 sẽ cùng cả thế giới hành động trong Giờ Trái đất, với nhiều hoạt động nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu.
Các đại sứ của Chương trình Giờ Trái đất Việt Nam 2014 đạp xe trên đường phố Hà Nội nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường. Ảnh: EarthHourVN
Tối thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm đã trở thành sự kiện quen thuộc với Việt Nam và thế giới khi tham gia chương trình Giờ Trái đất. Năm nay chương trình có thông điệp "Hãy hành động để Trái đất thêm xanh". Đây là lần thứ 8 Chiến dịch này được tổ chức trên thế giới và thứ 6 tại Việt Nam. Thông qua việc truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chiến dịch Giờ Trái đất hy vọng góp phần nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng hơn nữa.
"Giờ Trái đất không phải chỉ dừng lại ở hành động tắt đèn, mà đây là chiến dịch trong đó tất cả mọi người trên thế giới cùng nhau đoàn kết và thể hiện họ có thể làm gì trong suốt cả năm để bảo vệ hành tinh", ông Andy Ridley, Giám đốc và là người sáng lập chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu cho biết.
Theo Bộ Công thương, đơn vị tổ chức thì nghi thức tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 từ 20h00 đến 21h30 ngày 29/3 từ Quảng trường Cách mạng tháng Tám trước Nhà hát lớn Hà Nội. Một cầu truyền hình cũng được thiết lập ở TP HCM.
Ngoài đêm sự kiện chính, trong ngày 29/3, Hà Nội còn có nhiều hoạt động kêu gọi cộng đồng cùng hưởng ứng Chiến dịch, góp phần chung tay cùng với thế giới tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Buổi sáng ở Cung Văn hoá Trung tâm Thanh Niên học sinh, sinh viên, thanh niên tình nguyện, WWF sẽ đạp xe hưởng ứng Chiến dịch; tổ chức dọn vệ sinh tại công viên, bờ hồ nơi các đoàn xe đi qua. Buổi chiều sẽ có lễ phát động hưởng ứng tại sân Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đạp xe và đi bộ diễu hành quanh hồ Gươm.
Bên cạnh đó, các tổ chức môi trường cũng kêu gọi giới trẻ tham gia hưởng ứng Giờ trái đất bằng nhiều hoạt động như làm đồ handmade, phát động phong trào trồng cây, đi bộ, đạp xe, làm vệ sinh. Chiến dịch "I will If You will" sẽ tổ chức "Lễ hội tắt đèn với sự tham gia của khoảng 5.000 người cũng vào tối 29/3.
Tại TP HCM, sự kiện chính được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1 với các hoạt động sôi nổi, đa dạng như 1.000 tình nguyện viên tham gia hoạt động "bước nhảy xanh" (nhảy flashmob); triển lãm hai mô hình dự án "Đôi bàn tay xanh" và kết quả vận động 1.000 quán cà phê ký cam kết thực hiện dự án "Cộng đồng xanh"; tổ chức các gian hàng thu đổi vỏ chai nhựa, vỏ hộp sữa lấy bóng đèn compact tiết kiệm điện...
Để hưởng ứng Giờ trái đất, Đà Nẵng sẽ tắt các biển quảng cáo lớn dọc hai bờ sông Hàn và trên các tuyến phố chính từ 20h30 đến 21h30 tối 29/3. Mới đây, Văn phòng UBND thành phố vừa ký văn bàn giao cho Sở Văn hóa có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng tắt bớt các đèn pano, chiếu sáng trang trí.
Hội An được Quảng Nam tiếp tục chọn là địa điểm diễn ra sự kiến chính của Giờ Trái đất năm nay. Trong một tiếng, phố cổ Hội An sẽ không ánh điện, mà mọi người sẽ thắp sáng bằng nến hoặc dầu phụng. Hội An cũng yêu cầu, các thiết bị điện không cần thiết cần cắt giảm, đèn chiếu sáng đường thành phố cũng giảm 2/3. Bên cạnh đó còn có tiết mục múa hát tập thể, xếp biểu tượng Giờ Trái đất bằng hoa đăng. Các chương trình biểu diễn tại Quảng trường Sông Hoài và khu Vườn tượng An Hội sử dụng nguồn điện từ máy phát điện chạy bằng xăng sinh học E5.
Hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất xanh năm 2014, từ đầu tháng 3 đến nay, các tỉnh thành trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền bảo vệ môi trường, tắt thiết bị điện không cần thiết đạp xe. Riêng TP HCM còn có một số sự án như Khu phố xanh, Đôi bàn tay xanh...tạo ra các sản phẩm handmade tái chế mang tính thẩm mỹ cao từ các nguyên liệu vô cơ. Các sản phẩm này sẽ triển lãm để gây quỹ.
Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng tiết kiệm năng lượng, vận động tắt các thiết bị điện vào thời điểm diễn ra Giờ trái đất.
Theo: VnExpress