Diễn đàn năng lượng

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguyên liệu rác làm điện?

Thứ hai, 11/9/2017 | 10:24 GMT+7
Một nghịch lí hiện nay là nhiều DN muốn thu gom rác thải để làm nguyên liệu cho sản xuất điện năng nhưng lại không nhận được sự hợp tác từ địa phương. 

Ảnh minh họa: Internet.
 
Nhiều người cho rằng có nguyên nhân vì việc xử lý rác thải như hiện nay bằng cách chôn lấp có lợi ích nhóm ở phía sau nên địa phương không chịu “nhả” nguồn rác.
 
Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường
 
Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo và Năng lượng mới (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết, ở Việt Nam mỗi ngày có 35.000 tấn chất thải rắn ở thành thị, số lượng ở nông thôn cũng tương đương. Dù là rác thải nhưng là nguồn tài nguyên, có thể biến thành năng lượng như phân bón, điện. Tuy nhiên, chúng ta chưa sử dụng triệt để lợi ích nguồn tài nguyên này. Ngoài ra, rác thải còn đem đến tiêu cực về ô nhiễm môi trường. “Hiện nay rác thải trở thành lĩnh vực rất nóng, chúng ta phải xử lí rác thải như thế nào là một bài toán khó khăn”, vị Vụ trưởng cho biết.
 
Theo Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2015, tỉ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng được dự kiến sẽ tăng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, và xấp xỉ 70% vào năm 2030; phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sản xuất năng lượng vào năm 2050. 
 
Để khuyến khích việc xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất năng lượng, Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích mua điện với giá cao hơn cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn sử dụng công nghệ đốt trực tiếp theo Quyết định  31/2014/QĐ-TTg và Thông tư 32/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu. 
Như vậy, Nhà nước đang có chính sách khuyến khích DN sản xuất điện từ rác thải. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo và Năng lượng mới, cái khó khăn nhất hiện nay đối với DN là nguồn cung rác không ổn định và chất lượng rác chưa cao. “Các thành phố lớn đều muốn xử lí vấn đề môi trường và rác thải, nhưng khi các nhà đầu tư đến đăng ký đều rất khó khăn”, ông Thực cho biết.
 
Theo vị Vụ trưởng, tài nguyên rác ở Việt Nam đang được sử dụng lãng phí và gây ảnh hưởng môi trường. So sánh với ở Đức, ông cho rằng đất nước này tận dụng hết các rác thải loại, biến chúng thành nguyên liệu và năng lượng. “Ở Đức, 1 tấn rác được mua với giá 40 Euro, trong khi ở Việt Nam 1 tấn rác chỉ xử lý bằng chôn lấp, phải bỏ tiền ngân sách vài chục đô la ra để làm”, vẫn lời ông Thực. 
 
Có hiện tượng thao túng rác?
 
Ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam), cho biết, ở châu Âu, một nửa rác thải được tái chế hoặc làm phân compost, 1/4 dùng để phát điện. Ở Đức, 1/3 lượng rác thải để phát điện. Theo ông Ingmar Stelter, với khoảng 35.000 tấn rác đô thị hàng ngày, và một lượng tương tự ở nông thôn, hiện Việt Nam đang tốn rất lớn diện tích đất để chôn rác, và đất này không dùng được cho hoạt động kinh tế, bất động sản cũng như nông nghiệp.  
 
Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương cho rằng, lượng rác khổng lồ như vậy là cơ hội chuyển đổi rác thành năng lượng điện. “Nhiều người nói sản xuất điện rác đắt hơn so thủy điện và điện than, điều này là đúng nếu chỉ nói đến điện sản xuất, phải tính đến những lợi ích khác như không cần đất để chôn lấp rác, thải loại rác thân thiện môi trường, sạch sẽ. Đây là những lợi ích lâu dài”, ông Ingmar Stelter cho biết.
 
Theo tìm hiểu của PLVN, hiện nay, việc xử lý rác thải ở Việt Nam được thực hiện chủ yếu bằng cách chôn lấp; kinh phí để thực hiện là dùng ngân sách nhà nước, do đó có thể xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm. Một số DN có nhu cầu thu gom rác để sản xuất điện cho biết, hiện nay việc phân phối rác thải ở Việt Nam đang không minh bạch. “Có chuyện rác chia cho ông này từng này, ông kia từng kia. Tại sao lãnh đạo một số địa phương không muốn biến chất thải thành điện mà muốn chôn? Có lợi ích nhóm!”, lãnh đạo một DN cho biết.
 
Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Quyết Tiến, Tổng Giám đốc CTCP An Sinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, rất khó để tiếp cận nguồn rác từ các địa phương. Vị này lấy ví dụ, ông từng 5 lần xuống Hải Dương để tiếp cận lãnh đạo tỉnh này để bàn việc thu gom rác làm nguyên liệu cho nhà máy năng lượng tái tạo nhưng đều thất bại. Ông Tiến cho biết thêm, không chỉ Hải Dương mà một số tỉnh ông từng đến như Ninh Bình, Phú Thọ… đều rất khó tiếp cận nguồn rác thải. “Vấn đề rác thải ở Việt Nam đang có sự không minh bạch, bị thao túng, vì thế mà chúng tôi tiếp cận rất khó khăn. Rất mong cơ quan quản lý nhà nước ở Bộ Công Thương lưu ý vấn đề này”, Tổng Giám đốc CTCP An Sinh đề nghị.

80% bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh
 
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam, tỷ lệ gia tăng dân số và mức tăng trưởng kinh tế nhanh tại Việt Nam là nguyên nhân gia tăng chất thải rắn trong những thập kỷ gần đây. Hiện nay, trung bình ở Việt Nam có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Khoảng 85% lượng chất thải rắn này được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và chưa tận dụng được hiệu quả nguồn năng lượng sinh ra.

Theo: Pháp luật