Diễn đàn năng lượng

Nhà đầu tư năng lượng tái tạo khó tiếp cận vốn vay

Thứ năm, 24/8/2017 | 09:48 GMT+7
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Tư vấn năng lượng tái tạo (NLTT), Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiều hỗ trợ về giá cho năng lượng tái tạo nhưng mức hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Tư
 
Cụ thể, tại hội thảo "Tài chính bền vững: Lồng ghép quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với WWF tổ chức ngày 23/8, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, năm 2016, NLTT chiếm 24,5% tổng sản lượng điện toàn cầu và sắp tới sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn. Cùng thời điểm, tổng đầu tư cho NLTT là 241 tỷ USD, gấp 2 lần vốn đầu tư vào điện truyền thống. Trong tương lai, giá thành NLTT có thể cạnh tranh với điện truyền thống.
 
Ở Việt Nam, nguồn điện từ thủy điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đến 80%. Hiện nay, có rất nhiều dự án điện gió và điện mặt trời đang được đầu tư xây dựng trên các tỉnh thành. Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong đó đặt mục tiêu NLTT chiếm 9,9% vào năm 2020 và 21% vào năm 2030. Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ giá cho NLTT; hỗ trợ vốn vay, thuế, miễn giảm tiền thuê đất cho DN đầu tư NLTT.
 
Tuy nhiên, hỗ trợ về giá chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư NLTT vẫn gặp nhiều khó khăn tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn có lãi suất ưu đãi. Chỉ tính điện gió và điện mặt trời, nhu cầu vốn đã lên tới 23 tỷ USD. Tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là cần thiết để thực hiện thành công các dự án NLTT bởi chi phí vốn là thành phần lớn nhất trong sản xuất  NLTT.
 
Hiện nay, có một số chương trình hỗ trợ cho phát triển NLTT như: Chương trình tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước với tổng vốn 2.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại 1-3%; quỹ phát triển NLTT; chương trình Get Fit do CHLB Đức hỗ trợ. Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ còn rất hạn chế, vì vậy, rất cần sự vào cuộc của ngân hàng và các tổ chức tín dụng để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.
 
Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích về những rủi ro nếu ngân hàng không thực hiện tài chính bền vững. Các chuyên gia cho rằng, tổ chức tín dụng nếu không quản lý những rủi ro môi trường xã hội một cách đúng đắn tại các dự án cho vay có thể phải gánh chịu những tổn thất do giảm giá trị tài sản thế chấp, đối mặt với những truy cứu trách nhiệm pháp lý, tổn thất uy tín, thị phần, ảnh hưởng đến danh tiếng…
 
Các ngân hàng có trách nhiệm phải đảm bảo rằng các hoạt động đầu tư và cho vay vốn không góp phần vào việc phá hủy môi trường và tạo ra các bất an xã hội. Những rủi ro này tác động tới tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của ngân hàng do họ phải chịu trách nhiệm về các rủi ro khi cho vay vốn và đánh giá.
 
Đại diện của WWF cho biết, trong thời gian tới, tổ chức này sẽ hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam xây dựng năng lực làm việc trong việc lồng ghép quản trị môi trường, xã hội cũng như tư vấn về các chính sách và khung làm việc.
Theo: Thời báo Tài chính