San sẻ khó khăn cho DN trong bối cảnh đầu ra còn khó khăn, sản xuất suy giảm, tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án giảm giá điện và giảm tiền điện cho DN ảnh hưởng dịch, thời gian hỗ trợ trong 3 tháng. Mức giảm là 10% so với đơn giá hiện hành được quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ước tính tổng số tiền điện hỗ trợ giảm cho các khách hàng sử dụng điện là khoảng 11.000 tỷ đồng. Ngay khi đề xuất được Thủ tướng đồng ý, Bộ Công Thương đã khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng văn bản hướng dẫn để EVN làm cơ sở triển khai thực hiện. Tới nay, việc giảm giá điện đã được các công ty điện lực trên cả nước áp dụng cho khách hàng trong các tháng 4, 5, 6/2020.
Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành này hiện có gần 700 nhà máy quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất gia đình quy mô nhỏ - gắn liền với sinh kế của hàng triệu nông-ngư dân trên toàn quốc. Ở thời điểm ban đầu khi dịch bệnh mới xảy ra, ngành này vẫn chưa chịu tác động nhiều, sản phẩm sản xuất ra vẫn được tiêu thụ đều đặn. Tuy nhiên gần đây, khi dịch lan ra toàn cầu, nhiều thị trường chính của ngành này tại EU, Mỹ… có chính sách phong tỏa biên giới chống dịch đã gây tác động tiêu cực tới thủy sản chế biến. Phản ánh của nhiều DN tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, có tới 80% đơn hàng của DN đã bị đối tác giãn hoặc hủy. Theo khẳng định của nhiều DN, mặc dù thủy sản chế biến có thời hạn sử dụng dài ngày nhưng vì không giao được hàng buộc DN phải lưu kho, phát sinh rất nhiều chi phí về logistics và điện năng.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - phân tích, với đặc thù là sản xuất, xuất khẩu thủy sản, các DN này sử dụng một khối lượng lớn điện năng cho các nhà máy chế biến, kho lạnh nhằm bảo quản hàng hóa. Chính vì thế khi lượng hàng tồn kho cao sẽ trở thành gánh nặng lớn cho DN vì không chỉ bởi bị chôn vốn xoay vòng mà còn chi phí về điện.
Đánh giá về gói hỗ trợ này, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Trường Giang - cho rằng, trong bối cảnh mọi hoạt động sản xuất, xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì đề xuất giảm giá bán điện, giảm tiền điện sẽ giúp DN tiết kiệm được nhiều chi phí. “Ngành thủy sản sử dụng điện rất nhiều trong khâu chế biến và tỷ lệ tiêu hao điện năng cho tất cả các công đoạn như hệ thống đá vẩy, tủ đông, kho lạnh, điều hòa không khí… chiếm đến 85%. Với Trường Giang, mỗi tháng đang phải trả 4,5 tỷ đồng tiền điện nên việc giảm giá bán điện 10% trong 3 tháng sẽ giúp công ty tiết kiệm được trên 1,3 tỷ đồng”, ông Văn cho biết.
Tương tự, Công ty CP kinh doanh thủy Hải sản Sài Gòn cũng đang tiêu thụ khoảng 1 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng. Theo ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Tổng giám đốc DN này, với mức giảm 10% giá điện như hiện nay sẽ giúp công ty tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng/tháng để góp thêm vào trả lương nhân viên, thu mua nguyên liệu sản xuất.
“Cùng với các gói hỗ trợ về tín dụng và giãn/giảm thuế, việc giảm giá điện lúc này là rất kịp thời để giảm bớt chi phí gánh nặng cho DN thủy sản vượt qua khó khăn, tạo thêm động lực bứt phá’, ông Trương Đình Hòe đánh giá.