Cắt tỉa cây cao su gần đường dây 471E58.
Cũng vào thời điểm này năm 2019, giông lốc đã làm gãy đổ cây rừng cách đường dây hơn 20 m, kéo theo 5 trụ điện và gần 01 km đường dây trung thế tại xã Tà Bhing, huyện Nam Giang bị ngã đổ. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ phía PC Quảng Nam và sự nỗ lực hết mình của gần 80 CBCNV đến từ các Điện lực bạn như: Tam Kỳ, Duy Xuyên, Hội An, Đại Lộc… Điện lực Nam Giang đã tổ chức làm việc thâu đêm, lưới điện đã được nối thông suốt vào lúc 4h30 sáng ngày hôm sau. Chứng kiến công việc ngày hôm ấy, nhiều người dân quanh khu vực đã hết sức cảm thông với sự vất vả của công nhân ngành điện, nên đã nhiệt tình hỗ trợ, người thì mang đèn pin, cho nước uống; có người giúp phát dọn cây cối vướng vào dây điện; người thì đứng canh đường xe cho anh em thợ điện kéo dây băng đường, lên trụ… Cả công nhân Điện lực và cả người dân đều chung một quyết tâm “khôi phục nhanh chóng đường dây điện đã hư hỏng”.
Tất cả những sự cố về lưới điện vừa gây khó khăn cho những người quản lý vận hành hệ thống điện, vừa làm ảnh hưởng đến việc sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Mặc dù Điện lực đã nhiều lần tổ chức ra quân với số lượng lớn để thực hiện công tác phát quang HLT và xem công tác này là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Bởi Điện lực hiện đang quản lý gần 300 km đường dây trung thế, 150km đường dây hạ thế, trong đó, tuyến đường dây 471E58 và 374E58 đều là đường dây độc đạo, phụ tải phân bố ở đầu nguồn và cuối nguồn cách nhau hơn 60km, đoạn giữa chỉ mang tính chất truyền tải và đi qua khu vực trồng cây lâu năm có giá trị cao của người dân, có những đoạn đường dây còn đi qua gần khu vực rừng nguyên sinh, rừng bảo tồn, cây gỗ cao trên 40 m, đường kính thân hơn 1m nằm trên những taluy dương nhiều nguy cơ ngã đổ vào đường dây, đặc biệt là vào mùa giông lốc, mưa rừng hàng năm.
Anh Trần Văn Mạnh, Đội trưởng Đội quản lý tổng hợp Chà Val cho biết: “Mùa này, mỗi chiều nghe sấm nổ, thấy chớp giật, gió gào là lại thấy lo: Lo cây rừng, lo sấm sét, lo lưới điện bị sự cố. Lưới điện nằm giữa rừng, cây cối dù có cách 20-30 mét đi nữa thì khi có lốc vẫn có khả năng gãy đổ vào đường dây. Rồi cũng có khi gió giật gãy cành, cuốn bay cành lá làm vướng vào dây điện, chúng tôi cũng nhiều phen khổ sở để đi tìm kiếm sự cố, đi tháo gỡ vật vướng”. Trong khi đó, anh Hiên Siêng, Công nhân Đội QLTH Chà Val, cũng là dân địa phương chia sẻ: “Thời tiết mùa giông trên này rất phức tạp, đứng ở Chà Val trời đang nắng thế này, nhưng nhìn vào xã La Êê, Chơ Chun thấy mây đen kéo đến, chớp lóe liên hồi là anh em lo chuẩn bị dụng cụ, đồ nghề, áo mưa, đèn pin và cả mì tôm nữa… sẵn sàng nhân lực đi kiểm tra lưới điện. Khi tôi báo thời tiết ở đây đang mưa to, giông lốc, sấm sét liên hồi đều nhận được sự ngạc nhiên từ các anh đồng nghiệp, vì nơi các anh trực đang còn nắng lắm”.
Chứng kiến anh em trực sự cố không quản đêm hôm, người thì ướt sũng nước mưa nhưng vẫn miệt mài thao tác trên cột, nối lại đường dây bị đứt, chỉnh lại thùng công tơ bị nghiêng, bị xô, chặt cây, dọn cành bị gãy đổ để "cứu lưới điện" khiến nhiều người cảm phục. Anh Siêng chia sẻ thêm: “Anh em ở đây rất hiểu thời tiết, mùa này ngày nào buổi trưa đứng gió, nắng gắt, cảm giác nóng bức là chiều đó mưa giông; nắng càng to, càng nóng thì gió giông, mưa rừng càng mạnh, sấm sét càng dữ. Nhiều lúc đi kiểm tra lưới điện sau mưa giông, thấy cây cối ngã đổ la liệt bên đường, nhà dân tốc mái… lại càng thấy lo cho lưới điện băng rừng”.
Theo số liệu từ đầu năm 2020 đến nay, Điện lực Nam Giang đã xảy ra 10 lần sự cố liên quan đến giông sét, gió lốc và đều rơi vào tháng 3, tháng 4. Lãnh đạo đơn vị cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở anh em tập trung nỗ lực mở rộng phạm vi phát quang HLT, kiểm tra thiết bị, đề xuất thay thế, sửa chữa ngay các điểm xung yếu trước mùa giông lốc. Tất cả những việc cần thiết để giảm tối đa sự cố, nâng cao độ tin cậy đều được quan tâm, thể hiện trên các chỉ số Saidi, Maifi, Saifi năm sau luôn cải thiện hơn năm trước.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Điện lực Nam Giang cho biết: Để hạn chế tình trạng cây cối ngã đổ vào đường dây khi có giông lốc, mưa bão, Điện lực đã phối hợp với địa phương để tổ chức vận động người dân, doanh nghiệp tự chặt tỉa cây cối; đồng thời thông báo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động thực hiện. Nhiều chủ rừng khi khai thác keo đã liên hệ Điện lực để được hỗ trợ, sự phối hợp này góp phần giảm bớt những nguy cơ sự cố, an toàn về điện khi dân tự khai thác cây gần đường dây.
Mặc dù đã rất nỗ lực song trên địa bàn vẫn còn tồn tại các tuyến đường dây đi gần hoặc song song với những tán cây rừng cổ thụ, đó là cảnh quan hùng vỹ không thể thiếu của núi rừng Nam Giang nhưng cũng là nỗi lo trong công tác quản lý vận hành lưới điện khi mùa mưa về. Và chúng tôi – những người thợ điện miền núi Nam Giang này vẫn đang ngày đêm thay nhau túc trực, canh giữ dòng điện sáng của núi rừng, phấn đấu đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục đóng góp một phần sức lực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà Nam Giang, hoàn thành nhiệm vụ chính trị do PC Quảng Nam giao.
Link gốc